Thủ tướng Đức Angela Merkel với bài toán người kế nhiệm di sản

Dư luận Đức đang đặt câu hỏi liệu bà Merkel có sớm rời Phủ thủ tướng nếu cuộc đua chức chủ tịch CDU và vấn đề ứng cử viên thủ tướng đã được định đoạt?
Thủ tướng Đức Angela Merkel với bài toán người kế nhiệm di sản ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong những ngày qua, chính trường Đức đã có nhiều diễn biến khó lường, không chỉ với giới quan sát mà còn gây bất ngờ với chính các nhà lãnh đạo nước này.

Từ trận "động đất" chính trị ở bang Thüringen khi bầu thủ hiến, cho tới cơn "địa chấn" của đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) khi đương kim Chủ tịch đảng Annegret Kramp-Karrenbauer bất ngờ tuyên bố sẽ không ứng cử chức thủ tướng cũng như sẽ sớm rời khỏi vị trí lãnh đạo đảng.

Sau 18 năm giữ chức Chủ tịch CDU (2000-2018), gần 15 năm nắm giữ cương vị thủ tướng (từ 11/2005 đến nay), Thủ tướng Đức Angela Merkel từ vài năm nay đã muốn tìm người kế nhiệm di sản đồ sộ của mình.

Việc bà tuyên bố rút khỏi chiếc ghế chủ tịch CDU năm 2018 cũng được giới phân tích nhận định nằm trong kế hoạch bước đệm nhằm dần đưa nhân vật đứng đầu CDU vào vị trí thủ tướng sau này.

[Thủ tướng Merkel không can thiệp vào chọn người kế nhiệm Chủ tịch CDU]

Bà Karrenbauer, sinh năm 1962, lúc đó đang là Thủ hiến bang Saarland, đã được Merkel lựa chọn vào vị trí Chủ tịch CDU tháng 12/2018 và đến tháng 7/2019 trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, thay bà Von der Leyen chuyển sang làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Thế nhưng, mọi chuyện không đi theo lộ trình mà nữ Thủ tướng Đức mong muốn.

Sau cuộc bầu cử thủ hiến bang Thüringen với yếu tố bất ngờ đến từ đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), bà Karrenbauer tuyên bố sẽ không ra ứng cử chức thủ tướng, đồng thời nêu rõ người nắm chức thủ tướng đồng thời phải là chủ tịch đảng, nếu không sẽ chỉ làm suy yếu đảng.

Bà Karrenbauer cũng cho biết sau khi tổ chức sắp xếp nhân sự ứng cử viên thủ tướng cho đảng vào mùa Hè này, bà sẽ từ chức chủ tịch đảng để mở đường cho một người kế nhiệm "2 trong 1."

Theo báo chí Đức, tuyên bố này nhằm ám chỉ trực tiếp tới bà Merkel, khi bà tiếp tục lãnh đạo nước Đức mà không giao lại quyền hành cho người đứng đầu đảng.

Thực tế, chủ trương vừa đứng đầu CDU vừa giữ cương vị thủ tướng đã được bà Merkel áp dụng từ lâu, nhưng không thể áp dụng trong mọi tình thế, như bà Merkel nói, vì thế buộc bà phải tiếp tục giữ cương vị thủ tướng.

Dư luận Đức đang đặt câu hỏi liệu bà Merkel có sớm rời Phủ thủ tướng nếu cuộc đua chức chủ tịch CDU và vấn đề ứng cử viên thủ tướng đã được định đoạt?

Thủ tướng Đức Angela Merkel với bài toán người kế nhiệm di sản ảnh 2Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Annegret Kramp-Karrenbauer (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bà Merkel từng chính thức tuyên bố sẽ tại nhiệm cho đến hết nhiệm kỳ thủ tướng, tức đến kỳ bầu cử mùa Thu năm 2021, thế nhưng trước tình thế hiện nay, liệu bà có sớm rút lui để tạo điều kiện cho người kế nhiệm trong đảng bảo thủ hay không, bởi tiếp tục nắm giữ chức thủ tướng tới hết nhiệm kỳ cũng là hành động vô tình cản trở người kế nhiệm có được "2 trong 1" như chủ trương của bà.

Kế hoạch về người kế nhiệm của Merkel đã đổ vỡ và CDU phải trở lại vạch xuất phát: Vừa phải tìm kiếm người lãnh đạo đảng, vừa phải tìm một ứng cử viên thủ tướng của đảng.

Và vấn đề tìm kiếm người lãnh đạo đảng phải được tiến hành sớm hơn dự kiến ban đầu. Theo ứng cử viên mới nhất trong số các ứng cử viên là cựu Bộ trưởng Môi trường Norbert Röttgen, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức, CDU cần đưa ra quyết định trước kỳ nghỉ mùa Hè này.

Ba ứng cử viên cho chức chủ tịch CDU còn lại gồm ông Friedrich Merz - cựu Chủ tịch nhóm nghị sỹ liên đảng bảo thủ CDU/CSU trong Quốc hội; Bộ trưởng Y tế Jens Spahn và ông Armin Laschet - Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen.

Ông Merz coi việc tách người giữ chức thủ tướng và người giữ chức chủ tịch đảng là vấn đề nguy hiểm, từng hy vọng bà Karrenbauer nhanh chóng đảm nhậm chức thủ tướng khi bà đắc cử chức chủ tịch đảng năm 2018.

Ông Merz được coi là "đối thủ" của bà Merkel và sẽ khó có thể hình dung việc ông nếu trúng cử chức chủ tịch CDU sẽ làm việc như thế nào với bà Merkel.

Trong khi đó, ông Laschet cũng từng lên tiếng chỉ trích chính sách châu Âu của bà Merkel.

Theo ý định của chủ tịch đảng đương nhiệm, Spahn và Laschet cũng sẽ phải theo mô hình "2 trong 1" này, và như vậy sớm muộn gì bà Merkel cũng phải rút lui.

Theo kết quả thăm dò dư luận, người Đức đang bị chia làm 2 phe cân xứng trong vấn đề này.

Với câu hỏi liệu Thủ tướng Merkel có nên rút lui chừng nào CDU chọn được chủ tịch mới và xác định được ứng cử viên thủ tướng, khoảng 46% trả lời "nên," trong khi cũng có khoảng 46% trả lời "không nên."

Tuy nhiên, câu trả lời đối với cử tri của mỗi đảng lại có sự khác nhau. Với cử tri của liên đảng bảo thủ, khoảng 50% không ủng hộ bà Merkel từ chức, trong khi 42% ủng hộ.

Với đảng Dân chủ xã hội (SPD) lại khác, ban lãnh đạo SPD chủ trương duy trì liên minh cầm quyền hiện nay cho tới cuộc bầu cử nếu thủ tướng vẫn là bà Merkel; còn nếu thủ tướng là một người khác, liên minh sẽ đổ vỡ.

Ngay trong số cử tri của SPD được hỏi, cũng chỉ có 1/3 số ý kiến cho rằng bà Merkel nên từ chức nếu CDU có chủ tịch mới và xác định được ứng cử viên thủ tướng của đảng này.

Với các đảng đối lập, câu trả lời cũng có nhiều khác biệt: trong khi gần 64% số cử tri đảng Xanh không đồng ý bà Merkel từ chức, có tới 63% số cử tri đảng Dân chủ tự do (FDP) ủng hộ. Trong khi đó, có tới trên 90% số cử tri của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) muốn bà Merkel từ chức.

Kết quả thăm dò trên cho thấy thế tiến thoái lưỡng nan của CDU liên quan đến bà Merkel. Không chỉ dân chúng chia rẽ về khả năng bà rút lui sớm, mà ngay trong cử tri của liên đảng bảo thủ (CDU/CSU) cũng không đồng lòng về vấn đề này.

Trong liên minh cầm quyền hiện nay, SPD và đảng "chị em" với CDU là CSU cũng không mong muốn phải tiếp tục thời gian còn lại của nhiệm kỳ với một gương mặt mới lãnh đạo nội các./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục