Thủ tướng Đức tìm cách hàn gắn chia rẽ nội bộ

Thủ tướng Đức đã có cuộc họp với các đối tác trong liên minh cầm quyền nhằm giải tỏa chia rẽ nội bộ liên quan tới cắt giảm thuế.
Ngày 17/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã triệu tập một cuộc họp với các đối tác trong liên minh cầm quyền nhằm giải tỏa những chia rẽ nội bộ đang làm giảm nghiêm trọng uy tín của chính phủ.

Bà Merkel đã họp trong nhiều giờ với lãnh tụ đảng Dân chủ Tự do (FDP) - Bộ trưởng Ngoại giao Guido Westerwelle, và lãnh tụ đảng Xã hội Cơ đốc giáo bang Bavaria Horst Seehofer với mục đích nhằm thống nhất với các đối tác trong liên minh về thỏa thuận cắt giảm thuế.

Các nguồn tin từ Berlin cho biết, cuộc gặp đã kết thúc mà không có tuyên bố nào được đưa ra. Mặc dù cuộc thương lượng được coi là diễn ra trong không khí tốt đẹp, nhưng giới quan sát chính trị cho rằng bất đồng vẫn tồn tại và rạn nứt chưa được hàn gắn, thậm chí gần đây còn nổi lên những chỉ trích gay gắt ngay trong nội bộ phe bảo thủ về phong cách lãnh đạo của Thủ tướng Merkel.

Bất đồng trong liên minh cầm quyền giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel với FDP của ông Guido Westerwelle đã nảy sinh từ nhiều tháng qua kể từ khi chính phủ mới được thành lập sau bầu cử, xung quanh chính sách của chính phủ về một số lĩnh vực, trong đó vấn đề gây tranh cãi nhất là chính sách cắt giảm thuế.

Đảng FDP, một lực lượng chính trị được xem là gần gũi với giới doanh nghiệp, muốn từ năm 2011 đến 2012 sẽ thực hiện cắt giảm thuế với tổng mức cắt giảm khoảng 20 tỉ euro (tương đương 28,85 tỉ USD).

Trong khi đó, nhiều thành viên thuộc đảng bảo thủ trong liên minh cầm quyền tỏ ra miễn cưỡng không ủng hộ mục tiêu trên và muốn trì hoãn thực hiện giảm thuế với lý do tài chính công của Đức đang căng thẳng. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi thâm hụt ngân sách ngân sách ước tính sẽ lên tới mức kỷ lục 85,8 tỉ euro trong năm 2010.

Liên minh cầm quyền ở Đức hiện nay không những chưa tìm được sự thống nhất xung quanh một số chính sách kinh tế xã hội, trong đó nổi cộm nhất là chính sách cắt giảm thuế, mà còn bất đồng về vấn đề vấn đề chiến lược ở Afghanistan và vấn đề gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ...

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy những mâu thuẫn nội bộ này đã làm giảm nghiêm trọng uy tín của người đứng đầu chính phủ.

Cuộc thăm dò do tổ chức thăm dò dư luận Dimap tiến hành ngày 10/1 vừa qua cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà Merkel giảm xuống còn 59%, giảm 11 điểm so với cuộc thăm dò được tiến hành hồi tháng 12/2009 trong khi sự ủng hộ của cử tri đối với lực lượng đối lập lại tăng lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục