Thủ tướng Israel lạc quan về một lộ trình hòa bình với Palestine

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có nhận định lạc quan về một lộ trình hòa bình với người Palestine thông qua việc "bình thường hóa" quan hệ với các nước Arab.
Thủ tướng Israel lạc quan về một lộ trình hòa bình với Palestine ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trong một phiên họp Quốc hội tại Jerusalem. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có nhận định lạc quan về một lộ trình hòa bình với người Palestine thông qua việc "bình thường hóa" quan hệ với các nước Arab.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình nhà nước LRT của Litva nhân chuyến thăm nước này, ông Netanyahu cho biết "nhiều nước Arab giờ đây đã không còn coi Israel là kẻ thù, mà là một đồng minh không thể thiếu" trong việc kiềm chế Iran. Ông cho rằng thực tế này đã tạo ra "sự bình thường hóa có thể dẫn tới hòa bình", đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng "nếu chúng tôi có hòa bình với thế giới Arab rộng lớn hơn, điều đó sẽ giúp chúng tôi có hòa bình với người Palestine."

Israel hiện đã ký hiệp định hòa bình với hai quốc gia Arab là Ai Cập và Jordan, trong khi nhiều nước khác nhấn mạnh một thỏa thuận với người Palestine là điều kiện tiên quyết có thể mở đường tới việc thiết lập quan hệ chính thức với Israel.

[Thủ tướng Israel tới Litva tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước Baltic]

Đầu năm nay, Quốc vương Saudi Arabia Salman đã tái khẳng định "kiên định ủng hộ" sự nghiệp của người Palestine sau khi vương quốc này thông qua một cách tiếp cận mới với Israel. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo giới hồi tháng Tư, Thái tử Mohammed Bin Salman cho rằng Israel cũng như người Palestine "đều có quyền có mảnh đất của riêng mình."

Tháng Bảy vừa qua, Saudi Arabia chỉ trích một đạo luật gây tranh cãi của Israel là "khắc ghi sự phân biệt chủng tộc" với người Palestine khi định nghĩa Israel là nhà nước dân tộc của người Do Thái. Tại Israel, công dân Arab chiếm khoảng 17,5% trong tổng dân số hơn 8 triệu người và từ lâu đã phàn nàn việc bị phân biệt đối xử. Đạo luật trên của Israel cũng bị Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lên án.

Chuyến công du Litva của Thủ tướng Netanyahu là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Israel tới quốc gia Baltic này. Ông Netanyahu đang tích cực tìm kiếm sự ủng hộ trong Liên minh châu Âu (EU) sau khi vấp phải nhiều chỉ trích từ các nước Tây Âu về chính sách của Tel Aviv tại các phần lãnh thổ Palestine mà Israel chiếm đóng trái phép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục