Trong năm 2016, có 110.000 doanh nghiệp thành lập nhưng con số này sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu số doanh nghiệp “đau ốm” tăng. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây là tâm tư, yêu cầu của Thủ tướng.
[Bộ Công Thương công bố cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh]
Quyết định "chưa từng có" của Bộ Công Thương
Tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Công Thương diễn ra sáng nay (22/9), tại Hà Nội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác), đã chuyển lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi Bộ Công Thương, đứng đầu là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong 3 vấn đề.
Đầu tiên, Thủ tướng đánh giá rất cao Bộ Công Thương trong việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy với điểm nhấn là Bộ đã giảm được 5 đầu mối so với trước kia. Thứ hai là việc chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương đối với 12 dự án thua lỗ kéo dài.
"Trực tiếp Bộ trưởng thành lập Tổ công tác đặc biệt, tham mưu Thủ tướng rà soát đánh giá cho từng dự án, đưa giải pháp cụ thể, có dự án tiếp tục đưa vào hoạt động, có dự án dừng, bán, có dự án nếu không thực hiện được sẽ có giải pháp tối ưu nhất để thu hồi vốn nhà nước," Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Thứ ba là trong ngày 21/9, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tương đương mức cắt giảm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh. Theo đại diện Tổ công tác, đây là động thái tích cực, mạnh mẽ nhất, đầu tiên trong các bộ khi thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh.
"Các bộ kiểm tra rất nhiều, nhưng phát hiện cực kỳ ít, chỉ 0,06% lô hàng phát hiện vi phạm. Bộ Công Thương đã thấy được điều này, rất tích cực, với quyết tâm rất cao của Bộ trưởng,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
Với quyết tâm đạt các mục tiêu về cải cách kinh tế, Tổ trưởng tổ công tác cũng nêu một số kiến nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục làm tốt thời gian tới, cụ thể là việc tập trung các giải pháp để tiếp tục xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ.
Trong đó, những dự án không khôi phục được, không bán được thì phải tuyên bố phá sản và gắn với trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Cổ phần hóa phải chống lợi ích nhóm
Mặc dù đạt được những đột phá trong công tác cải cách hành chính, nhưng theo đại diện Hiệp hội Logistics, Bộ Công Thương cần tăng tỷ lệ thủ tục tương tác giữa doanh nghiệp với các đơn vị chức năng của bộ trên mạng để giảm thiểu thời gian doanh nghiệp phải làm việc trực tiếp ở văn phòng cấp C/O hoặc xem lại các quy định về tạm xuất tái nhập đối với mặt hàng viễn thông.
"Với hàng viễn thông, khi nhập là mới 100% nhưng lúc chuyển ra nước ngoài để sửa chữa, theo quy định nếu là hàng cũ sẽ cấm nhập khẩu," đại diện Hiệp hội Logistics lên tiếng.
Một số ý kiến cũng phản ánh về tình trạng một mặt hàng nhưng nhiều bộ cùng quản lý, không chỉ làm doanh nghiệp mất nhiều thời gian mà cả chi phí để làm thủ tục và xin giấy phép.
Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ tiếp tục cải cách nhằm hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu và kiểm tra chuyên ngành.
"Bộ xác định việc cải cách hành chính đều hướng vào doanh nghiệp và dựa trên nền tảng thực tiễn là phục vụ nhân dân và doanh nghiệp," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Nói về việc thoái vốn và cổ phần hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Từ Sabeco đến các đơn vị thuộc lĩnh vực điện lực, than, dầu khí đều đã lên bệ phóng, đang ở giai đoạn cuối... nhưng quan điểm của việc thực hiện là đảm bảo đúng pháp luật, công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm."
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết thêm, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ liên quan để rà soát các thủ tục hành chính có sự chồng chéo, qua đó đề xuất các giải pháp thực hiện theo hướng thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. ./.