Thủ tướng lâm thời Libya: Quyết định của GNC là bất hợp pháp

Thủ tướng lâm thời Libya ngày 25/8 chỉ trích một phiên họp cùng ngày của GNC cũng như quyết định bầu chọn thủ tướng mới là "bất hợp pháp."
Thủ tướng lâm thời Libya: Quyết định của GNC là bất hợp pháp ảnh 1Thủ tướng lâm thời Libya Abdullah al-Thani. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng lâm thời Libya Abdullah al-Thani ngày 25/8 chỉ trích một phiên họp cùng ngày của Đại hội Nhân dân toàn quốc - GNC (tức cơ quan lập pháp đã mãn nhiệm) cũng như quyết định bầu chọn thủ tướng mới tại phiên họp này là "bất hợp pháp."

Phát biểu trong một cuộc họp báo được truyền hình tại tỉnh Tobruk, miền Đông, ông al-Thani khẳng định cơ quan lập pháp được dân bầu ra trong cuộc tổng tuyển cử ngày 25/6 vừa qua để thay thế GNC "mới là Quốc hội."

Trước đó, tại phiên họp cùng ngày, GNC được phe Hồi giáo ủng hộ đã chỉ định một nhân vật ủng hộ Hồi giáo thành lập "một chính phủ cứu rỗi," đó là ông Omar al-Hasi, giảng viên về khoa học chính trị tại Đại học Benghazi và từng thất bại trong một cuộc bỏ phiếu tại GNC bầu thủ tướng hồi tháng Sáu vừa qua. GNC cũng tuyên bố không công nhận Quốc hội Libya mới được dân bầu.

Trong một diễn biến khác, ông al-Thani cho biết các tay súng Hồi giáo đã lục soát và phóng hỏa nhà riêng của ông tại thủ đô Tripoli. Nhiều ngôi nhà khác của người dân cũng phải chịu chung số phận.

Thủ tướng cáo buộc nhóm Hồi giáo thuộc liên minh Fajr Libya (Libya Rạng đông) tiến hành vụ này, đồng thời cho rằng toàn bộ thủ đô đang ở trong tình trạng không an toàn và các tòa nhà văn phòng của chính phủ đều bị đe dọa, không dịch vụ công cộng nào có thể hoạt động trong các điều kiện này.

Ông nhấn mạnh: "Libya không thể nằm dưới sự cai trị của các nhóm vũ trang. Chỉ cảnh sát và quân đội được phép sở hữu vũ khí."

Bế tắc chính trị trên diễn ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh ác liệu kéo dài từ ngày 13/7 vừa qua tại sân bay Tripoli giữa Fajr Libya, chủ yếu gồm các tay súng đến từ khu vực Misrata, với lực lượng Zintan, miền Tây.

Lực lượng Zintan kiểm soát sân bay Tripoli kể từ khi sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011, tuy nhiên ngày 23/8 vừa qua, Fajr Libya tuyên bố chiếm sân bay này.

Trong một động thái liên quan, Hội nghị Ngoại trưởng các nước láng giềng Libya lần thứ tư diễn ra ở Cairo (Ai Cập) đã nhất trí một Sáng kiến chung kêu gọi giải giáp các lực lượng dân quân, ủng hộ Quốc hội mới được bầu và tái thiết các cơ quan nhà nước cùng các biện pháp quan trọng khác nhằm bình ổn Libya.

Các đề xuất chính nêu trong sáng kiến này gồm đấu tranh chống khủng bố, soạn thảo hiến pháp mới, hỗ trợ quân đội và các lực lượng an ninh Libya.

Thông cáo cuối cùng của hội nghị nhấn mạnh: "Sáng kiến chung này của các nước láng giềng dựa trên nguyên tắc chính là không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Libya.”

Trước đó, Đại sứ Libya tại Cairo đã đề nghị cộng đồng quốc tế giúp nước này bảo vệ các mỏ dầu, sân bay và những tài sản quốc gia khác.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố khẳng định Quốc hội mới được bầu ở Libya là cơ quan có quyền lập pháp duy nhất, đông thời lên án gay gắt tình trạng bạo lực leo thang ở thủ đô Tripoli, thành phố Benghazi, cũng như một số các thành phố khác trên lãnh thổ Libya.

Tuyên bố kêu gọi các bên ngừng bắn và bắt đầu đối thoại chính trị, đồng thời đề nghị truy cứu trách nhiệm đối với các lực lượng phá hoại quá trình chuyển tiếp dân chủ tại Libya và lên án bất cứ sự can thiệp của nước ngoài nào vào tình hình tại Libya.

Tuyên bố kêu gọi sớm thành lập chính phủ đại diện cho lợi ích của người dân, có khả năng đáp ứng nguyện vọng về an ninh, hòa bình và thịnh vượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục