Thủ tướng: Ngành nông nghiệp phải biến nguy cơ thành thời cơ

Chỉ ra một số tồn tại của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thời gian tới, ngành nông nghiệp phải biến nguy cơ thành thời cơ, trong đó thời cơ rất lớn là thị trường được mở ra.
Thủ tướng: Ngành nông nghiệp phải biến nguy cơ thành thời cơ ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 24/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kết nhiệm vụ năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Báo cáo cho thấy mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19, nhưng năm qua, nhiều chỉ tiêu của ngành vẫn bứt phá. Đến nay, cả nước có trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.

Sản lượng lúa đạt 42,7 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu, đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020. 

Cả nước đã chuẩn bị được gần 850 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng; diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 220 nghìn ha, đạt kế hoạch đề ra. 

Thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tiếp tục được mở rộng, cả xuất khẩu và trong nước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD gồm gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo.

Về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hết năm nay, có trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 8% so với cuối năm 2019; có 173 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, tăng 61 đơn vị so với cuối năm 2019; có 3 tỉnh là Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới và 9 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định trong bối cảnh khó khăn đặc biệt như năm 2020, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục thể hiện là bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

Trên đà đó, Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt 44 tỷ USD năm 2021. Trước mắt, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, Thủ tướng chỉ đạo ngành không được để thiếu thịt lợn khiến giá tăng cao, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng chặt các loại cây, hoa từ rừng để phục vụ chơi Tết, gây hại cho rừng và môi trường thiên nhiên.

Vui mừng thông tin về những kết quả của nền kinh tế, Thủ tướng cho biết nếu như trước đây, Chính phủ báo cáo Quốc hội hụt thu khoảng 200.000 tỷ đồng, thì hết năm nay chỉ hụt thu khoảng 50.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng giảm bội chi ngân sách. 

Năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều cả nước đạt khoảng 541 tỷ USD. Trong bối cảnh thương mại thế giới suy giảm, đây là điều rất ấn tượng, và Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới có dòng thương mại mạnh nhất, trong đó, nông nghiệp đóng góp xuất khẩu tới hơn 41 tỷ USD.

Mặc dù thiên tai, dịch bệnh khó khăng chồng chất, nhưng tỷ lệ giảm nghèo vẫn dưới mức 3%. Trong đại dịch của thế giới, nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và hỗ trợ nhiều nước khác.

[Nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất tới thị trường]

Với kết quả đó, Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển đáng tự hào, nhất là trong bối cảnh thế giới có gần 1 tỷ người bị đói do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đây là năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện.

Nông nghiệp Việt Nam trong khó khăn một lần nữa cho thấy vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lượng thực quốc gia, tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế. Bệ đỡ rất quan trọng này để Việt Nam phát triển bình thường và tăng trưởng dương.

Nông nghiệp Việt Nam năm 2020 đã thích ứng tốt với đại dịch, thiên tai, sản xuất nông, lâm, thủy sản và các mặt sản xuất của nông nghiệp kể cả sản xuất lâm nghiệp vẫn duy trì phát triển và đảm bảo các nguồn cung ứng tiêu dùng của gần 100 triệu dân và đặc biệt là phục vụ xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đó đã hoàn thành 4 chỉ tiêu quan trọng mà Đảng, Nhà nước đã giao là tăng trưởng trên 2,65%, xuất khẩu đạt kỷ lục trên 41,2 tỷ USD tăng 2,5% so với năm 2019; thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD, trong đó mặt hàng gỗ nổi bật 12,8 tỷ USD.

Với lĩnh vực công nghiệp chế biến trong nông nghiệp, Thủ tướng cho biết 5 năm qua, ngành xây dựng được 68 nhà máy chế biến nông sản, riêng năm nay xây dựng khoảng 20 nhà máy. Xây dựng nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, nhiều nơi xuất hiện “phố” trong làng, và quan trọng là đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét.

Thủ tướng cũng đánh giá cao ngành nông nghiệp đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống bão, lũ, hạn hán, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản. 

Thủ tướng: Ngành nông nghiệp phải biến nguy cơ thành thời cơ ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chỉ ra một số tồn tại của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành nông nghiệp thời gian tới phải biến nguy cơ thành thời cơ. Nguy cơ là sự cực đoan của khí hậu, nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi lại với thiên thiên phù hợp. Đặc biệt thời cơ rất lớn là thị trường được mở ra. Chúng ta có 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có 3 hiệp định mới nhất: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP). Thắng lợi này là rất lớn, trong đó RCEP có 2,2 tỷ dân và 30% GDP.

Tán thành với Bộ về những mục tiêu đề ra cho năm 2021, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng ở mức khoảng 3%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 3%. Kim ngạch xuất khẩu phải đạt 44 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, nâng cao chất lượng rừng. Phát động và triển khai trồng 1 tỷ cây xanh ở đô thị, nông thôn mà miền núi. Xây dựng nông thôn mới đạt trên 70%. Thành lập mới 2.000 nghìn hợp tác xã nông nghiệp, cả nước có gần 20 nghìn hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 16.500 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. 

Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần bố trí vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho ngành nông nghiệp nói chung phấn đấu đạt mục tiêu 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước như định hướng tại Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục thu hút nhiều hơn doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương, những nhà sản xuất nông nghiệp cần chú trọng hơn nữa thị trường 100 triệu dân trong nước, đưa ra sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp và an toàn thực phẩm. Tinh thần là phải đưa hàng hóa nông thôn vào thành thị, để người dân thành thị tiêu thụ hàng hóa của nông thôn.

Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng chỉ đạo ngành phải phối hợp với các bộ, ngành đảm bảo nguồn cung thịt lợn, không để giá lợn tăng cao. Cùng với đó là đáp ứng nhu cầu người dân về các loại hoa, cây cảnh.

Trước thực tế nhiều năm qua có hiện tượng chặt cành đào và một số loại hoa, cây rừng đề phục vụ nhu cầu chơi dịp Tết, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm, không được để xảy ra tình trạng chặt phá trái phép mà không được quản lý.

Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ chuẩn bị một văn bản chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục