Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1/3/1906-1/3/2016), Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với nhan đề: "Phạm Văn Đồng-Nhà văn hóa lớn của dân tộc."
Trong lời điếu do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đọc tại lễ truy điệu đồng chí Phạm Văn Đồng ngày 6/5/2000 có đoạn: “Đồng chí Phạm Văn Đồng là một nhà văn hóa lớn của dân tộc, luôn luôn quan tâm sâu sắc đến văn hóa và liên tục sáng tạo văn hóa, nhấn mạnh văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa, luôn luôn coi trọng phát huy vai trò động lực của văn hóa với kinh tế và xã hội, có nhiều ý tưởng sáng tạo chỉ đạo các mặt hoạt động văn hóa, đối thoại thân tình và giúp đỡ thiết thực các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ; bản thân mình có nhiều tác phẩm văn hóa nổi tiếng với một văn phong trong sáng, mẫu mực.”
Nhìn một cách tổng quát, với một vốn văn hóa phong phú và sâu sắc, vươn tới tầm cao tri thức văn hóa của dân tộc, suốt 75 năm hoạt động cách mạng, Phạm Văn Đồng đã đưa những tri thức rộng rãi mình có ra phục vụ dân tộc, đem lại cho đất nước những lợi ích thiết thực, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển phong phú, đa dạng của nền văn hóa dân tộc.
Với một trí tuệ, bản lĩnh, nhân cách, tâm hồn, nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng là nhà văn hóa cách mạng với ý nghĩa từ hoạt động cách mạng trở thành nhà văn hóa và văn hóa phục vụ sự nghiệp cách mạng, trong đó, điểm nổi bật về nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng ở sáu khía cạnh:
Thứ nhất, Phạm Văn Đồng có sự kết hợp đẹp đẽ, hài hòa giữa tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại. Với cái nhìn gắn kết và xuyên thấu văn hóa và lịch sử, văn hóa trong lịch sử dân tộc, ông vừa sản phẩm của lịch sử dân tộc vừa là sản phẩm của thời đại.
Sinh ra trong thập niên đầu của thế kỷ 20, từ nhỏ, Phạm Văn Đồng đã được hấp thụ những giá trị truyền thống tốt đẹp về lịch sử, văn hóa của gia đình, quê hương, dân tộc. Ông có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn hóa dân tộc; vốn kiến thức rộng rãi về văn hóa thế giới.
Học giỏi tiếng Pháp từ thời Quốc học Huế, Phạm Văn Đồng dùng vốn ngôn ngữ đó như một công cụ rất quan trọng để nắm bắt văn học, triết học Pháp và văn hóa phương Tây nói chung; nắm vững các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx-Lenin.
Được hấp thụ một nền học vấn vững vàng cả quốc học và Tây học, Phạm Văn Đồng bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp một cách vững vàng, tự tin và nhanh chóng trở thành một trong những học trò xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Mười năm đầu trên con đường cách mạng đầy chông gai (1926-1936), chủ yếu là đấu tranh trong nhà tù đế quốc, nhưng Phạm Văn Đồng đã tỏ rõ là một nhà văn hóa sắc sảo, gắn đấu tranh lý luận với hoạt động thực tiễn.
Với vốn hiểu biết sâu rộng, Phạm Văn Đồng có nhiều đóng góp to lớn trong việc giúp đỡ các đồng chí tù học tập văn hóa, lý luận, đặt cơ sở cho hoạt động báo chí, một lĩnh vực quan trọng của văn hóa.
Thứ hai, trên lĩnh vực báo chí, cũng như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng sử dụng ngòi bút như một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp “phò chính trừ tà.”
Ngay sau khi được trả tự do, bị quản thúc ở quê nhà, Phạm Văn Đồng đã tích cực viết bài cho Tạp chí Đỏ, cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, xuất bản bí mật. Sau đó, khi ra Hà Nội hoạt động, liên lạc được với tổ chức Đảng và nhóm trí thức yêu nước Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp, với bút hiệu Đông Tây hoặc không ký tên, Phạm Văn Đồng đã viết nhiều bài cho các báo Tin tức, Le Travail, Notre voix…
Năm 1941, sau khi về nước triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo xuất bản báo Việt Nam độc lập. Khoảng 30 số đầu do Người trực tiếp phụ trách.
Trong thời gian Người sang Trung Quốc và bị chính quyền Quốc dân Đảng Trung Hoa bắt giam và cho đến trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Phạm Văn Đồng phụ trách tờ báo, trực tiếp viết và biên tập nhiều bài. Đây là công việc chính trong thời gian Phạm Văn Đồng hoạt động ở Cao Bằng.
Với lối viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu theo phong cách báo chí của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng viết nhiều bài xã luận, những vấn đề có tính thời sự trong nước và quốc tế. Theo chỉ thị của Bác, để giữ bí mật, các bài viết không ký tên, không ai biết.
Những bài báo do Phạm Văn Đồng viết không chỉ có tác dụng tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phátxít Nhật, giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc, nêu cao tấm gương các vị anh hùng dân tộc, ca ngợi thắng lợi của Liên Xô và các lực lượng đồng minh..., mà còn góp tiếng nói quan trọng vào cuộc đấu tranh đòi trả tự do cho Bác.
Đến ngày 20/8/1945, báo Việt Nam độc lập ra được 126 số, trong đó Phạm Văn Đồng đã chỉ đạo gần 100 số. Sau tờ Thanh niên, đây là tờ báo có số lượng phát hành lớn thứ hai trong thời kỳ bí mật; là tờ báo tồn tại lâu nhất trong điều kiện Đảng ta chưa nắm được chính quyền.
Thứ ba, nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng được nhìn nhận ở một khía cạnh nổi bật bởi ông là một nhà giáo dục lớn. Phạm Văn Đồng rất quan tâm đến giáo dục, đánh giá cao vai trò của giáo dục và sự nghiệp “trồng người.”
Trong di sản giáo dục của Phạm Văn Đồng có một "hạt ngọc" lung linh tỏa sáng, đó là quan điểm “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất.” “Nghề dạy học là nghề sáng tạo nhất, vì nó sáng tạo những con người sáng tạo.”
Nghề dạy học cao quý, sáng tạo theo Phạm Văn Đồng bởi đó là một nghề rèn luyện bộ óc, rèn luyện phương pháp suy nghĩ, phương pháp nghiên cứu, phương pháp tìm tòi, phương pháp vận dụng.
Những cống hiến của Phạm Văn Đồng cho ngành giáo dục nước nhà trước đây còn nguyên ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn hiện nay. Đó là những ý kiến tích cực về nội dung và phương pháp giảng dạy; về việc chăm lo cơ sở vật chất cho nhà trường để “trường ra trường, lớp ra lớp.”
Dành nhiều thời gian đi thăm các trường phổ thông nội, ngoại thành Hà Nội, dự một số giờ dạy của giáo viên môn văn, sử, địa cấp học phổ thông, Phạm Văn Đồng rất không hài lòng về kiểu dạy học thầy nói, trò chép, không đối thoại, không cần suy nghĩ, chỉ bắt chước, nhớ giỏi, nhớ nhiều và làm theo.
Là người đứng đầu Chính phủ, dự giờ dạy học, Phạm Văn Đồng muốn gửi tới tất cả chúng ta một thông điệp quan trọng, đó là giáo dục phải luôn được coi là vấn đề đại sự quốc gia - cách nói ngày nay là "quốc sách hàng đầu."
Vốn dĩ là một nhà giáo, Phạm Văn Đồng rất quyến luyến với nghề sư phạm. Từ thập kỷ 50, ông đã có bài nói chuyện sâu sắc với ngành giáo dục, khẳng định tính chất quan trọng của giáo dục phổ thông và người thầy giáo.
Trong những thập kỷ 60, 70, 80, Phạm Văn Đồng có nhiều đề xuất mang tầm chiến lược cho giáo dục Việt Nam đến những vấn để rất cụ thể như chữ viết, việc học văn, dạy văn, chấm bài văn của học sinh.
Liên quan đến quan điểm đưa đất nước “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội,” Phạm Văn Đồng cho rằng “muốn như vậy thì giáo dục phải đi trước một bước.”
Trong bài nói chuyện cuối cùng trước khi thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với Bộ Giáo dục tại 21 Lê Thánh Tông, Hà Nội (4/1987), Phạm Văn Đồng gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình với ngành giáo dục.
Bài nói đại ý: "Trong đời công tác, tôi luôn quan tâm tới sự nghiệp giáo dục. Tôi suy nghĩ nhiều lắm về giáo dục thế hệ trẻ, vì nói cho cùng, cái đó quyết định mọi thành bại của cách mạng; cái đó quyết định tương lai của dân tộc chúng ta như Bác Hồ đã nói… Những ngày còn lại trong đời, tôi sẽ tiếp tục gắn bó hơn với giáo dục. Cái gì còn có thể làm được, tôi sẽ góp phần cùng các đồng chí cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà."
Khi đã ngoài 90 tuổi, trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, mắt đã mờ, chân đã yếu nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn đến dự giờ ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để có thêm thực tế cho một bài viết quan trọng về cuộc cách mạng phương pháp dạy học mà ông đã trăn trở, lo lắng nhiều năm, muốn chia sẻ cùng ngành giáo dục.
Theo Phạm Minh Hạc, từ thập kỷ 80, Phạm Văn Đồng đã đưa ra thuật ngữ “Chiến lược con người,” đây là một ý tưởng phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 1989, nói chuyện với Hội nghị Giám đốc các sở giáo dục tại Nha Trang, Phạm Văn Đồng khẳng định nền tảng dân trí của cả một dân tộc là một tiêu chí cực kỳ quan trọng đối với nền văn hóa của một đất nước.
Thứ tư, cùng với giáo dục, Phạm Văn Đồng hết sức chăm lo xây dựng nền khoa học Việt Nam theo phương châm “cơ bản nhất, hiện đại nhất, Việt Nam nhất.”
Năm 1966, ông đề nghị Bộ Chính trị cử một đoàn đại biểu khoa học-kỹ thuật Việt Nam sang nghiên cứu kinh nghiệm phát triển khoa học-kỹ thuật ở Liên Xô; tham khảo ý kiến của các nhà khoa học Liên Xô về việc phát triển khoa học-kỹ thuật ở Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh phá hoại.
Tháng 2/1969, ông ký quyết định thành lập Viện Toán học và Viện Vật lý. Không đầy một tháng sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 20/5/1975, Phạm Văn Đồng ký quyết định thành lập Viện Khoa học Việt Nam (tên gọi này do chính ông đặt thay cho tên trong dự thảo là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia). Viện sỹ Trần Đại Nghĩa giữ chức vụ Viện trưởng.
Với tâm huyết và trách nhiệm đối với đất nước và dân tộc, Phạm Văn Đồng đề xuất nghiên cứu nhiều vấn đề mới của khoa học xã hội như “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt;” “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng nước ngoài,” ủng hộ Chương trình Khoa học cấp nhà nước KX-07 “Con người - mục tiêu và động lực của phát triển xã hội;” quan tâm nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương với sự ra đời của nước Văn Lang và Âu Lạc, một hệ thống thể chế xã hội và chính trị chi phối toàn bộ cuộc sống của cộng đồng người Việt lúc bấy giờ, đó là trục quan hệ gia đình (nhà), làng và nước.
Thứ năm, Phạm Văn Đồng đặc biệt quan tâm tới văn học, nghệ thuật, nhấn mạnh chức năng của văn nghệ là “hiểu biết, khám phá, sáng tạo,” muốn thế phải có vốn chính trị, vốn sống, vốn văn hóa-nghệ thuật.
Đối với đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức và các nhà khoa học, Phạm Văn Đồng có cách ứng xử hết sức nhân văn, gần gũi, thân tình, chia sẻ, khuyến khích trao đổi học thuật, bám sát thực tiễn, sáng tạo, tránh kinh viện.
Nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng để lại nhiều công trình khoa học xã hội nhân văn có giá trị, đặc biệt là các tác phẩm nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tác phẩm "Hồ Chí Minh, hình ảnh của dân tộc" (tháng 8/1948) được coi là một trong những tác phầm đầu tiên nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh, đặt cơ sở cho ngành Hồ Chí Minh học.
Các tác phẩm "Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp" (1990); "Hồ Chí Minh, quá khứ, hiện tại và tương lại" (1991); "Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh" (1993); "Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh" (1998); "Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc" (2012)… được coi là những tác phẩm tiêu biểu nhất nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh một cách có hệ thống, toàn diện và sâu sắc.
Từ việc nghiên cứu tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, năm 1970, Phạm Văn Đồng đặt vấn đề xây dựng môn “Đạo đức học” làm cho môn này “trở nên một ngành khoa học xã hội, một môn học không thể thiếu được trong các trường đại học và giáo dục phổ thông.”
Đặc biệt, năm 1994, ở tuổi gần 90, Phạm Văn Đồng viết cuốn "Văn hóa và Đổi mới." Có nhà nghiên cứu coi đây là một thứ “di chúc” đặt trong ngoặc kép của một người đã làm Thủ tướng trên 30 năm với tất cả những thăng trầm, trải nghiệm trong những hoàn cảnh cam go nhất của cách mạng để thực hiện giải phóng, phát triển và đổi mới đất nước, đặc biệt về mặt văn hóa.
Cái lớn của nhà văn hóa Phạm Văn Đồng được nhìn nhận ở nhiều lát cắt khác nhau nhưng có một khía cạnh nổi bật, đó là cách nhìn của ông về văn hóa với tầm nhìn bao quát rằng văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa, như vậy hai là một, một thành hai.
Khi bàn đến một nhà văn hóa lớn của dân tộc và cao hơn là của nhân loại thì điều cơ bản đầu tiên là con người đó phải có một sự hiểu biết thấu đáo, đúng đắn về văn hóa và vai trò, sứ mệnh của văn hóa đối với sự phát triển của lịch sử nhân loại.
Về điểm này, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng là người đắc đạo. Ông quan niệm: “Văn hóa là vấn đề nhân sinh quan và thế giới quan, là cách nhìn bao trùm và cách ứng xử qua những hành động thiết thực của con người với thiên nhiên và với cộng đồng con người trong xã hội. Từ quan niệm duy vật biện chứng nhìn lại lịch sử loài người, chúng ta thấy sáng tỏ vị trí, vai trò và tác dụng của văn hóa, chiến công biết bao quý báu của con người, sau khi thoát khỏi tiền thân của mình là con vượn, vươn lên qua các chế độ xã hội, đến bước phát triển nhảy vọt từ vương quốc của sự áp bức, bóc lột đến vương quốc của giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, mà đỉnh cao là sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi người. Đây sẽ là đỉnh cao của phát triển văn hóa trong toàn bộ lịch sử loài người.”
Văn hóa là như vậy. Nó là quá trình con người và cộng đồng con người ở từng nơi, mọi nơi đoàn kết, phấn đấu qua biết bao gian khổ, hy sinh để từng bước, từng phần tự khẳng định mình; từng bước, từng phần thoát khỏi thân phận bị tha hóa, dần dần trở thành con người tự do.
Đổi mới là một quá trình như vậy, xu thế tất yếu, quy luật của cuộc sống với những diễn biến phức tạp mà chúng ta chưa lường hết được. Đổi mới là một cuộc cách mạng thay cũ đổi mới, thay xấu thành tốt, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đó chính là định hướng xã hội chủ nghĩa trong đổi mới và vì vậy định hướng xã hội chủ nghĩa là văn hóa.
Văn hóa là quá trình sáng tạo và phát minh không ngơi nghỉ của con người bắt nguồn từ trí tuệ, bản lĩnh, cốt cách của dân tộc. Cách nhìn của nhà văn hóa lớn Phạm Văn Văn Đồng cho ta thấy rõ điều này.
Ông khẳng định: “Văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, nó làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió và thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được, để không ngừng phát triển và lớn mạnh, viết nên những trang sử lạ lùng bởi tính kiên cường trong hoạn nạn, bởi khí phách hào hùng trong dựng nước và giữ nước. Phải thấy cái chất văn hóa trong tất cả những sự kiện nói trên, nó là tinh hoa của dân tộc, của quý nhất mà ngày nay mọi người Việt Nam chúng ta tự hào là người thừa kế và phát triển.”
Cách nhìn đó đi đến một tầm nhìn xa rộng về phát triển khi ông cho rằng “đổi mới phải bắt nguồn và bắt rễ từ mảnh đất văn hóa: truyền thống văn hóa của dân tộc, tinh hoa văn hóa của thời đại, bài học thực tiễn của đổi mới… Từ mảnh đất văn hóa đó, sự nghiệp đổi mới, bao quát mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến chính trị và hệ thống chính trị của nước ta, ngày càng mở rộng và phát triển theo chiều cao và chiều sâu; như vậy sự nghiệp đổi mới sẽ là vườn hoa trái đa dạng vô cùng.”
Văn hóa và đổi mới là công trình thể hiện cách nhìn, tầm nhìn có tính văn hóa, thấy thời, thế và lực, biết vận dụng thời để tăng cường thế, biết sử dụng thế để tạo thêm thời, biết kết hợp thời và thế để tăng lực; biết “bất biến” và “vạn biến,” luôn luôn nắm cái “bất biến” và biết “vạn biến;” “vạn biến” nhưng không ảnh hưởng đến cái “bất biến.” Nhận thức như vậy để góp thêm một góc nhìn tinh tế, sinh động, đầy đủ, đúng đắn về nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng.
Thứ sáu, cùng với một trí tuệ lớn, Phạm Văn Đồng là một nhân cách văn hóa lớn.
Ông là một con người độ lượng, bao dung, nhân hậu, tạo mọi điều kiện dù nhỏ nhất để nâng con người lên, luôn luôn chăm lo vun trồng người tốt, việc tốt để nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Đối với Thủ tướng, đồng sự nói chung, đặc biệt với những trí thức lớn, ông quan tâm tới sự cống hiến và trung thực; khuyến khích những tư duy khám phá, sáng tạo, cách nghĩ, cách làm mới mẻ, khích lệ đầy thông cảm với công việc của trí thức.
Phạm Văn Đồng là một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Ông là số ít trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo trên thế giới giữ chức vụ Thủ tướng trên 30 năm, càng ngày càng có những cống hiến nổi bật về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, ngoại giao nói chung, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa.
Sống, chiến đấu và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đứng ở đỉnh cao quyền lực gần một phần ba thế kỷ, Phạm Văn Đồng thực hiện được điều quý giá nhất đó là suốt đời nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân, không dính líu gì với vòng danh lợi.
Từ thời trẻ cho đến phút cuối cùng, ông hiến dâng toàn bộ cuộc sống của mình cho sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Là một nhà văn hóa cách mạng, Phạm Văn Đồng đã kết hợp chặt chẽ văn hóa với cách mạng, cách mạng với văn hóa và sự nghiệp văn hóa lớn lao nhất của ông là hướng tới phục vụ mục tiêu cách mạng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn./.