Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh 3 ưu tiên của Cộng đồng ASEAN

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của khu vực ASEAN trong việc đối phó với các mối đe dọa mới có thể nảy sinh.
Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh 3 ưu tiên của Cộng đồng ASEAN ảnh 1Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/10, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã tham dự Hội nghị cấp cao các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 và 39 diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Brunei.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Prayut cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của khu vực ASEAN trong việc đối phó với các mối đe dọa mới có thể nảy sinh.

Từ nay trở đi, ASEAN không chỉ phải nỗ lực để giải quyết COVID-19 và những tác động của đại dịch, mà khu vực này còn cần xem xét các bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng để nâng cao khả năng phục hồi và mức độ sẵn sàng của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó với những thách thức nổi lên trong tương lai.

Tại hội nghị, Thủ tướng Prayut đã nêu ba vấn đề cần ưu tiên của ASEAN. Theo ông, ASEAN cần đảm bảo thực hiện hiệu quả các sáng kiến của hiệp hội về ứng phó với COVID-19, cũng như sẵn sàng ứng phó trước các dịch bệnh tiềm tàng, đảm bảo an ninh y tế cộng đồng, chú trọng hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) về vaccine.

Ông Prayut Chan-o-cha cho rằng cần mở cửa trở lại và cho phép đi lại an toàn để phục hồi các nền kinh tế, sử dụng Khung thỏa thuận hành lang đi lại với sự công nhận lẫn nhau về vaccine và chứng chỉ vaccine, tránh cản trở sự di chuyển của hàng hóa để đảm bảo chuỗi cung ứng và tận dụng thị trường nội khối để kích thích nền kinh tế khu vực.

Ông cũng bày tỏ hy vọng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể có hiệu lực theo đúng mốc thời gian đã định và các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Canada có thể sớm được công bố.

Cũng theo nhà lãnh đạo Thái Lan, cần chuyển đổi cách tiếp cận phát triển vốn tập trung chủ yếu vào lợi ích kinh tế hiện nay sang mô hình cân bằng hơn, có tính đến tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, trong đó cần tiếp tục theo đuổi “Chương trình nghị sự Xanh ASEAN” với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, ông Prayut Chan-o-cha tiếp tục đề cao sự thống nhất và tính trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, duy trì hòa bình, cũng như hợp tác mang tính xây dựng với các đối tác bên ngoài để tạo động lực phát triển cho khối.

[Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất hai trọng tâm mà ASEAN cần tập trung]

Thủ tướng Thái Lan Prayut cho rằng cần duy trì trạng thái cân bằng chiến lược thông qua theo đuổi đồng thời ba cách tiếp cận. Thứ nhất, duy trì đoàn kết, vai trò lãnh đạo, hợp tác với các đối tác trong việc thúc đẩy những sáng kiến tăng cường cơ hội và sức mạnh của ASEAN. ASEAN cần tối đa hóa các cơ hội thúc đẩy chương trình nghị sự và vai trò trung tâm của ASEAN.

Thứ hai, ASEAN phải cùng nhau lên tiếng rõ ràng và phối hợp về tính trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và củng cố các cơ chế do ASEAN lãnh đạo, bằng cách sử dụng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) như một công cụ để khuyến khích các cường quốc đóng góp vào nền hòa bình và ổn định khu vực.

Thứ ba, ASEAN nên đóng góp vào việc thúc đẩy lòng tin chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ thông qua các cách tiếp cận sáng tạo, chú ý vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển nguồn nhân lực.

Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh 3 ưu tiên của Cộng đồng ASEAN ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính và trưởng đoàn các nước tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngoài ra, Thủ tướng Prayut cho rằng “vấn đề Myanmar” là phép thử đối với khả năng giải quyết vấn đề nội khối của ASEAN. ASEAN cần đóng vai trò quan trọng mang tính xây dựng và hành động hiệu quả để nâng cao uy tín với cộng đồng quốc tế.

Thái Lan mong muốn tình hình Myanmar sớm ổn định và ủng hộ việc thực hiện “Đồng thuận 5 điểm” trong đó sớm thúc đẩy việc Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN đến Myanmar.

Ông Prayut bày tỏ Thái Lan tin tưởng vào trí tuệ tập thể của tất cả các nước thành viên ASEAN, trong đó có Myanmar, để cùng nhau vượt qua mọi thách thức trên tinh thần gia đình ASEAN, đồng thời mong muốn Myanmar tin tưởng ASEAN trong việc giúp nước này đạt được hòa bình và hòa hợp, cũng như quay trở lại tiến trình dân chủ vì chính lợi ích của người dân Myanmar cũng như khu vực.

Nhân dịp này, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng tái khẳng định cam kết của Thái Lan trong việc cùng nhau thúc đẩy Cộng đồng ASEAN và hội nhập khu vực sâu rộng hơn để ASEAN có thể tiếp tục đóng vai trò là động lực chính của nền kinh tế và xã hội toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục