Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn Công báo Hoàng gia Thái Lan cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ngày 15/6 đã ban hành sắc lệnh xúc tiến dự án đường sắt cao tốc Thái Lan-Trung Quốc.
Sắc lệnh này chỉ thị Tổng Công ty Đường sắc Thái Lan (SRT) thuê nhà thầu tư nhân Trung Quốc, được chứng nhận bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia của Trung Quốc, giám sát thi công.
Công ty Trung Quốc này sẽ phụ trách việc thiết kế cơ sở hạ tầng đường sắt, hệ thống đường sắt, hệ thống điện, cũng giữ vai trò tư vấn xây dựng và đào tạo nhân lực hệ thống.
Bộ Giao thông Thái Lan (MOT) được yêu cầu phải phối hợp với công ty Trung Quốc và các cơ quan có liên quan để đào tạo và sát hạch năng lực cho nhân công liên quan đến dự án.
Sắc lệnh cũng chỉ thị cho SRT phải dự thảo hợp đồng với nội dung chi tiết về chi phí dự án và các điều kiện khác dựa trên nghị quyết trước đó của nội các và kết quả các cuộc họp của Ủy ban hợp tác đường sắt Thái Lan-Trung Quốc.
Tuy nhiên, để ban hành sắc lệnh trên, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã vận dụng điều 44 Hiến pháp lâm thời 2014 và được bảo lưu trong Hiến pháp 2017 để bỏ qua nhiều thủ tục pháp lý cản trở và tăng tốc dự án đường sắt cao tốc Thái Lan-Trung Quốc.
Tuyến đường sắt Thái Lan-Trung Quốc được khởi động từ năm 2014, dự kiến nối tỉnh Côn Minh của Trung Quốc với Vịnh Thái Lan. Giai đoạn 1 sẽ là chặng nối Bangkok với tỉnh Nakhon Ratchasima có chiều dài 252 km, kinh phí dự kiến lên đến 5,2 tỷ USD.
Phát biểu sau phiên họp nội các hôm 13/6, ông Prayut đã khẳng định đây không phải là ưu đãi dành cho Trung Quốc mà vì lợi ích của Thái Lan.
Theo quy định của luật pháp Thái Lan, để xúc tiến dự án này, các kỹ sư và kiến trúc sư nước ngoài tham gia thi công dự án phải trải qua cuộc thi cấp bằng mới.
Ngoài ra, các dự án có giá trị trên 5 tỷ baht Thái (gần 150 triệu USD) phải được xem xét bởi một hội đồng cấp cao với quy trình rất phức tạp.
Thêm vào đó, trở ngại chính là dự án sẽ đi qua nhiều khu vực đất nông nghiệp vốn không được chuyển đổi mục đích sử dụng./.