Thủ tướng Trung Quốc có cuộc gặp với các tập đoàn hàng đầu của Đức

Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và là thị trường trọng điểm để các công ty Đức xuất khẩu hàng hóa cũng như mua sắm nguyên vật liệu.
Thủ tướng Trung Quốc có cuộc gặp với các tập đoàn hàng đầu của Đức ảnh 1Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) tại lễ đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở Berlin ngày 19/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có cuộc gặp với giám đốc điều hành (CEO) các công ty và tập đoàn hàng đầu của Đức, trong đó có hai "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp Đức là Mercedes-Benz và Siemens Energy trước thềm cuộc tham vấn liên chính phủ lần thứ bảy giữa hai nước tại Berlin cùng ngày.

Phát biểu với các CEO, ông Lý Cường cho biết thiếu hợp tác là rủi ro lớn nhất trong chuyến thăm vận động hành lang cho các mối quan hệ bền chặt hơn ngay cả khi châu Âu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào “siêu cường đang lên của châu Á” này.

Ông Lý Cường khẳng định các công ty, chứ không phải chính phủ, nên đi đầu trong việc quản lý rủi ro. Ông nói: “Doanh nghiệp là người cảm nhận rủi ro trực tiếp và sâu sắc nhất, biết cách làm thế nào để phòng tránh và xử lý rủi ro, vì thế chúng ta nên trả lại vai trò quản lý phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp."

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không nên phóng đại 'sự phụ thuộc' một cách giả tạo, hay thậm chí đơn giản là đánh đồng sự phụ thuộc lẫn với sự bất ổn. Thiếu hợp tác là rủi ro lớn nhất và thiếu phát triển là bất an lớn nhất."

Thực tế cho thấy chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc tới Đức cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa các nền kinh tế lớn nhất châu Á và châu Âu. Cho đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và là thị trường trọng điểm để các công ty Đức xuất khẩu hàng hóa cũng như mua sắm nguyên vật liệu.

[Trung Quốc muốn vượt qua sự khác biệt, thúc đẩy hợp tác với Đức]

Tuy nhiên, chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là đối với các khoáng sản và sản phẩm quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh. Cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến khối này cảnh giác hơn trong việc cho phép các đối thủ tiếp cận công nghệ với các ứng dụng quân sự.

Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trình bày một tài liệu nhằm kêu gọi các biện pháp giải quyết rủi ro an ninh do đầu tư ra nước ngoài gây ra cũng như tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với hàng hóa được sử dụng cho mục đích dân sự và quân sự.

Bản thân Đức cũng đang cân nhắc một chiến lược mới đối với Trung Quốc nhằm củng cố lập trường cứng rắn hơn đối với đối tác thương mại hàng đầu của mình. Ngoài ra, Đức cũng đang xem xét việc sử dụng thiết bị của Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của mình.

Sau các cuộc tham vấn, Thủ tướng Lý Cường sẽ tham dự diễn đàn kinh doanh Đức-Trung Quốc vào chiều cùng ngày.

Kết thúc chuyến thăm Đức, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ tới Paris, bắt đầu chuyến thăm chính thức Pháp trong hai ngày 22-23/6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục