Thủ tướng: Xóa vùng lõm sóng di động và cung cấp cáp quang tới 100% thôn, bản

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp phải quyết tâm cao hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai Chuyển đổi Số Quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi Số (Ủy ban) chủ trì Phiên họp lần thứ 7 để tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ủy ban.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và điểm cầu trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự Hội nghị có các thành viên của Ủy ban; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông.

Chuyển đổi Số đạt kết quả toàn diện

Báo cáo tại Phiên họp cho biết, công tác Chuyển đổi Số Quốc gia năm 2023 đạt nhiều kết quả nổi bật. Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022; chỉ số Chuyển đổi Số quốc gia của Việt Nam từ 2020 đến 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71. Năm 2023, chỉ số này dự báo đạt 0,75.

Ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Năm 2023, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022.

Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp (các năm 2022, 2023). Số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022. Có 3 ứng dụng của cơ quan nhà nước có lượng người dùng lớn là VneID của Bộ Công an, VssID của Bảo hiểm Xã hội và Thanh niên Việt Nam của Trung ương Đoàn.

Đến hết năm 2023, các Bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính liên quan đến công dân. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu mang lại kết quả cụ thể, giải quyết được các bài toán liên ngành mà trước đây rất khó giải quyết triệt để.

Phân tích bối cảnh, yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất định hướng các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển Kinh tế Số-Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.” Trong đó, tập trung phổ cập hạ tầng số, phổ cập các yếu tố nền tảng cho kinh tế số và sáng tạo ứng dụng số.

Tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận đánh giá kết quả, cũng như những hạn chế trong công tác chuyển đổi số; chia sẻ bài học kinh nghiệm, giới thiệu mô hình hay; đề xuất giải pháp tiếp tục thúc đẩy nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia thời gian tới. Trong đó, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan tham luận sâu về công tác quản lý, bảo đảm an toàn, sử dụng, chia sẻ dữ liệu dùng chung; phổ cập ứng dụng thanh toán số; giải pháp để phổ cập hóa đơn điện tử.

Lãnh đạo các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong việc phổ cập hạ tầng viễn thông; thiết lập trung tâm dữ liệu theo mô hình thuê dịch vụ điện toán đám mây; cấp tài khoản cho người dân trong sử dụng dịch vụ trực tuyến; phổ cập kỹ năng số cho người dân... Lãnh đạo các tập đoàn trong lĩnh vực viễn thông chia sẻ về phát triển hạ tầng số, nền tảng số, ứng dụng số trong các lĩnh vực...

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chuyển đổi Số Quốc gia năm 2023 được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước, với 6 kết quả chính, như triển khai hiệu quả Năm Dữ liệu số Quốc gia, Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực; công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được triển khai tích cực, hiệu quả; dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực; hạ tầng số đạt nhiều kết quả tích cực với gần 80% người dân Việt Nam sử dụng Internet; an ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng.

Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

ttxvn-thu-tuong-chu-tri-uy-ban-quoc-gia-ve-chuyen-doi-so-28-2-8138.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Người đứng đầu Chính phủ đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế yếu kém như: Việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chậm. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao. Một số dịch vụ công trực tuyến còn mang tính hình thức. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa chưa cao. Tỷ lệ số hóa hồ sơ còn thấp; phát triển hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhân lực Số vừa thừa vừa thiếu...

Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột

Sau khi chỉ ra các nguyên nhân và 4 bài học kinh nghiệm, Thủ tướng quán triệt quan điểm trong công tác Chuyển đổi Số: Phải luôn có tư duy đổi mới, cùng nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt với phương pháp khoa học, hiệu quả; bám sát thực tiễn.

Phát triển Kinh tế Số phải lấy tri thức và dữ liệu số làm yếu tố sản xuất chủ yếu, công nghệ số làm động lực cốt lõi và hạ tầng số hiện đại làm nền tảng quan trọng. Phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp để phát triển kinh tế số. Phát triển Kinh tế Số một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng.

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp phải quyết tâm cao hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai Chuyển đổi Số Quốc gia.

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi Số của các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 và tổ chức triển khai thực hiện với chủ đề “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững”; đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho Chuyển đổi Số Quốc gia; đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ Chuyển đổi Số Quốc gia.

Trong đó, nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhất là 53 dịch vụ công thiết yếu; nâng cao tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến, số hóa kết quả, số hóa hồ sơ và tái sử dụng dữ liệu; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số quốc gia, tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu Quốc gia; khẩn trương nâng cấp đường trục quốc gia để sớm thương mại hóa 5G trong năm 2024; xóa vùng lõm sóng di động trên phạm vi toàn quốc; phấn đấu 100% thôn, bản được cung cấp cáp quang.

Thủ tướng chỉ đạo triển khai hiệu quả và phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, dịch vụ số, tập trung phát triển và đẩy mạnh phát triển nền tảng Trí tuệ Nhân tạo, trợ lý ảo, ứng dụng công dân số VNeID, ứng dụng thanh toán số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số cá nhân; đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương. Trong đó, nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; các Chiến lược về phát triển vi mạch bán dẫn, ứng dụng chuỗi khối, dữ liệu số; Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký...

Cùng với đó, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đo lường, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Chuyển đổi Số Quốc gia để đôn đốc trong quá trình triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; sớm hoàn thiện và ban hành phương pháp đo lường đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam; có phương án xử lý đối với 558 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nhiệm vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, xây dựng, phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất...; tin tưởng công cuộc chuyển đổi số tiếp tục gặt hái những kết quả quan trọng, góp phần phát triển đất nước trong giai đoạn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục