Thư viện online “bắc cầu” cho giới trẻ đến với sách trong mùa dịch

Giữa mùa dịch bệnh, nhiều thư viện đã đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa đọc, tổ chức nhiều chương trình bổ ích liên quan đến sách trên các nền tảng online.
Các em học sinh chăm chú đọc sách tại thư viện Làng Sen. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Các em học sinh chăm chú đọc sách tại thư viện Làng Sen. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Mỗi đợt dịch bệnh bùng phát, trường học là nơi đầu tiên phải đóng cửa. Ngành giáo dục triển khai học trực tuyến nhưng việc đọc sách tại thư viện trường thì không thể thực hiện được như trước đây.

Đó là những băn khoăn, trăn trở mà thạc sỹ Vương Hương Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ tại hội thảo “Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 11/11 tại Hà Nội.

“Đại dịch bùng phát gây cản trở cho học sinh trong quá trình học tập và phát triển văn hóa đọc. Bài toán đặt ra cho chúng ta là làm sao để học sinh ở tất cả mọi miền đất nước đều có thể thuận lợi tiếp cận tri thức, làm thế nào để xây dựng mô hình khuyến đọc hiệu quả trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4,” bà Giang nêu vấn đề.

Thời gian biểu đang 'giết chết' thói quen đọc sách

Ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thừa nhận rằng hệ thống thư viện tại nhiều địa phương trong cả nước hiện nay còn chưa tiệm cận với tốc độ phát triển của xã hội, chưa đáp ứng được nhu cầu của người đọc thời đại 4.0, chẳng hạn như chưa có đủ cơ sở vật chất để phục vụ bạn đọc của sách điện tử, sách nói…

Từ đó, ông Hùng nêu vấn đề rằng cần nhận diện tác động của khoa học-công nghệ, thông tin-truyền thông đối với phát triển văn hóa đọc, cần tìm hiểu tâm lý của thanh thiếu niên với văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, phát triển kỹ năng đọc cho giới trẻ trong thời đại mới đồng thời tìm cơ chế và giải pháp phối hợp giữa hệ thống thư viện và các cơ quan, đơn vị để tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu niên.

Phân tích việc đọc sách của Gen Z (những người sinh ra trong giai đoạn 1997-2006), tiến sỹ Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng giới trẻ ngày nay thường chịu áp lực đọc để phục vụ việc học, chứ không phải đọc như một thú vui.

“Thế hệ Z là những công dân số, sống và học tập trong không gian công nghệ tiên tiến, điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen của họ trong việc đọc sách. Sự chú ý của Gen Z ngày càng trở nên ngắn hơn, họ có xu hướng tìm kiếm những thông tin hấp dẫn về mặt hình ảnh hơn là con chữ. Vì vậy, cần thêm nhiều nghiên cứu liên quan đến chủ đề này làm cơ sở xây dựng các chính sách khuyến học phù hợp,” ông nói.

Đồng tình với quan điểm của tiến sỹ Trần Thành Nam, ông Lê Thanh Hà, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh niên cho rằng chương trình giáo dục phổ thông dù giảm tải nhưng vẫn còn nặng.

[Cô giáo trẻ 'ủ mưu' kéo học trò từ thích mạng xã hội sang... mê sách]

“Học sinh làm bài tập đến tối muộn, học thêm, học chính khóa kín thời gian biểu, vậy còn đâu thời gian đọc sách. Các em đọc sách chỉ để trả bài, để làm bài được điểm cao trên lớp. Thói quen đó dần dần giết chết cảm hứng đọc sách,” ông Hà nói.

Ông cho rằng giải pháp gói gọn trong 4 vấn đề: Chính sách, không gian, thời gian và công cụ số.

“Trước tiên, Nhà nước cần tiếp tục giảm tải chương trình học phổ thông, xây dựng chính sách khuyến đọc quốc gia cho phù hợp với thời đại số, đầu tư bảo trợ cho những sản phẩm công nghệ, những công cụ có chức năng gợi ý về nhóm sách nên đọc cho từng đối tượng độc giả,” ông chia sẻ.

Thư viện online - khơi gợi văn hóa đọc

Giữa mùa dịch bệnh, nhiều thư viện đã đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa đọc, tổ chức nhiều chương trình bổ ích liên quan đến sách trên các nền tảng online. Đây là hoạt động nổi bật của công tác phát triển văn hóa đọc tại thư viện trong bối cảnh mới.

Thư viện online “bắc cầu” cho giới trẻ đến với sách trong mùa dịch ảnh 1Sinh viên đọc sách tại thư viện Tạ Quang Bửu. (Ảnh: Facebook)

Thạc sỹ Hà Thị Huệ, Giám đốc thư viện Tạ Quang Bửu (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ câu chuyện của đơn vị mình và khẳng định những hoạt động sáng tạo như vậy khiến sinh viên thay đổi cách nhìn về thư viện trường.

“Khi thư viện Tạ Quang Bửu tổ chức tọa đàm online 'Phát triển bản thân cùng sách' trên nền tảng Microsoft Teams, một sinh viên cho biết bạn đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn về hoạt động thư viện. Trước đó, bạn nghĩ rằng thư viện trường chỉ là nơi tra cứu sách để học,” thạc sỹ Hà Thị Huệ nói.

Chuỗi tọa đàm diễn ra thường xuyên, xoay quanh các vấn đề sinh viên quan tâm như khởi nghiệp, kỹ năng sống, nghệ thuật… Những bạn trẻ đang phân vân giữa nhiều hướng đi của tuổi 20 có cơ hội chia sẻ vấn đề của mình, nhận được những lời khuyên tích cực và phần nào đó thay đổi thế giới quan thông qua những cuốn sách được đề cập đến trong buổi tọa đàm.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cho hay giải pháp của thư viện Tạ Quang Bửu cần được nhân rộng.

Thư viện online “bắc cầu” cho giới trẻ đến với sách trong mùa dịch ảnh 2Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Ngọc, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến không gian giao tiếp bên ngoài và các hoạt động vui chơi giải trí hầu như bị tạm dừng, trong đó việc tổ chức các chương trình cho thanh thiếu niên cũng bị ảnh hưởng. Do đó, hoạt động thư viện cần chủ động bắt kịp xu hướng chuyển đổi số của thời đại, sử dụng Internet để kết nối, giúp thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng nguồn thông tin của các thư viện và các xuất bản phẩm một cách dễ dàng thuận lợi hơn, đẩy mạnh số hóa tài liệu để các bạn trẻ có thể đọc trực tiếp bằng điện thoại, máy tính.

Với nỗi trăn trở khi hoạt động thư viện trường học bị gián đoạn do dịch bệnh, thạc sỹ Vương Hương Giang Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Hoàn Kiếm, cho rằng các thư viện trường cần xây dựng website đọc sách online sinh động, phong phú và miễn phí.

“Hiện nay, các bạn trẻ có khá nhiều trang đọc sách online như Waka.vn, tramdoc.vn, sachvui.com…, song nội dung sách nói trên các website này còn hạn chế hoặc phải trả phí, sách văn học liên quan đến môn Ngữ văn trong nhà trường cũng còn rất ít. Theo tôi, website đọc sách cần phát triển sách nói thuộc nhiều thể loại ngôn ngữ (tiếng Anh, Pháp, Nhật…) như vậy học sinh vừa đọc sách vừa có thể rèn luyện ngoại ngữ,” bà Hương Giang góp ý.

Thạc sỹ Hương Giang khẳng định những cuốn sách không chỉ cung cấp tri thức mà còn là người bạn thân thiết, giúp học sinh rời xa cám dỗ từ các trò chơi điện tử, giúp các em thư giãn sau những tiết học online./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục