Thừa Thiên-Huế xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương

Thừa Thiên-Huế có 89 sản phẩm đặc sản nằm trong danh mục phát triển thương hiệu, trong đó, mè xửng và tôm chua Huế đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập nằm trong tốp 50 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Thừa Thiên-Huế xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương ảnh 1Tôm chua - Đặc sản Huế. (Nguồn: hues.vn)

Ông Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, tỉnh đang tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực và đặc sản địa phương.

Trọng tâm là đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đối với đặc sản địa phương; quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ đối với đặc sản địa phương.

Bên cạnh đó, phát triển chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực địa phương; chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên-Huế và hướng dẫn làm đơn đăng ký nhãn hiệu.

Hiện có 89 sản phẩm đặc sản nằm trong danh mục phát triển thương hiệu các đặc sản tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2020; hai sản phẩm mè xửng và tôm chua Huế đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận nằm trong tốp 50 đặc sản quà tặng Việt Nam.

Riêng đối với mặt hàng truyền thống, tỉnh đã ưu tiên đầu tư vốn, chính sách khuyến khích nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở phát huy năng lực, mạnh dạn bỏ thêm vốn đầu tư để mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.

Từ nay đến năm 2020, Thừa Thiên-Huế phấn đấu xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho từ 3-4 loại sản phẩm; hỗ trợ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài từ 1-2 sản phẩm (đặc sản bún bò Huế và mè xửng Huế).

[Video] Bún bò Huế - món súp Việt ngon nhất thế giới

Hiện tỉnh đã xác lập và quản lý, khai thác, phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nón lá, tôm chua, dầu tràm Lộc Thủy và trái cây thanh trà Huế.

Theo ông Hồ Thắng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng ở Huế chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản, bởi điều này không chỉ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức mà còn giúp họ đảm bảo được chất lượng sản phẩm, duy trì và phát triển sản phẩm truyền thống ra thị trường.

Đặc biệt, việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản còn được tránh tình trạng bắt chước, lạm dụng thương hiệu, danh tiếng của sản phẩm đặc sản của tỉnh để sản xuất kinh doanh trái pháp luật và nguy cơ mất thương hiệu sản phẩm truyền thống nếu như không có những động thái trong việc xúc tiến, đăng ký và xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm này.

Đáng chú ý, sau xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể trái cây thanh trà Huế đối với phường Thủy Biều, thương hiệu thanh trà ở đây ngày càng vươn xa từ Bắc đến Nam; uy tín cây thanh trà ngày càng được chú trọng.

Sử dụng nhãn hiệu tập thể "Thanh trà Huế" với 53 hộ thuộc khu vực Lương Quán, Trung Thượng và Đông Phước (phường Thủy Biều, thành phố Huế) phát triển bền vững và tạo nên những vườn cây thanh trà có chất lượng.

Ông Hoàng Trọng Lâm-một hộ dân trồng thanh trà ở khu vực Trung Thượng cho biết, sử dụng nhãn hiệu tập thể "Thanh trà Huế," người dân còn có ý thức hơn bởi luôn đảm bảo từ cây giống đến áp dụng công nghệ sạch trong khâu chăm sóc, đảm bảo trái cây có chất lượng tốt nhất để vừa giữ uy tín cho mình và cũng là giữ uy tín thương hiệu cho cây thanh trà.

Là địa phương có tới 800 hộ trồng thanh trà với tổng diện tích gần 150ha, chiếm 50% diện tích thanh trà toàn tỉnh, thanh trà Thủy Biều được người dân lựa chọn bởi trái đều, vị ngọt thanh nhờ trồng ở vùng đất bồi ven sông Hương.

[Hình thành thương hiệu cho các đặc sản của Thừa Thiên-Huế]

Đặc biệt, sau khi xây dựng thành công thương hiệu "Thanh trà Huế," hiện đặc sản này đã có mặt ở các siêu thị lớn trên toàn quốc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Thủy Biều, ông Nguyễn Quang Huy cho biết, nếu so với các loại cây ăn trái khác thì thanh trà cho giá trị kinh tế cao gấp 5-7 lần.

Hiện, mỗi ha thanh trà cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng nên nhiều hộ dân đang đầu tư vốn chuyển dần diện tích đất trồng các cây lâu năm sang trồng loại cây này.

Tính tổng cộng thu nhập từ cây thanh trà toàn phường Thủy Biều đã đạt khoảng từ 20-25 tỷ/năm.

Thời gian tới, để hỗ trợ các hộ nông dân có vốn cải tạo vườn, đầu tư giống và kỹ thuật mở rộng diện tích, Ủy ban Nhân dân phường Thủy Biều đã liên kết với các ngân hàng cho các hộ nông dân vay vốn với tổng số tiền lên đến 3 tỷ đồng.

Hiện, Ủy ban Nhân dân phường Thủy Biều đang vận động nông dân xóa bỏ các vườn tạp kém hiệu quả chuyển sang trồng thanh trà nhằm nâng cao thu nhập và phát triển đặc sản thanh trà.

Mới đây, có 65 hộ dân với khoảng 10ha thanh trà được phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) thực hiện áp dụng chứng chỉ VietGAP và mã QR code cho sản phẩm.

Việc ứng dụng công nghệ QR Code còn có tác dụng nâng cao uy tín cho trái cây thanh trà ở Hương Vân.

Một điểm đáng lưu ý, thanh trà Hương Vân là sản phẩm thanh trà đầu tiên trên thị trường xây dựng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc thông qua mã phản hồi nhanh (QR Code) nhằm phục vụ chuỗi cung ứng thông qua minh bạch về chất lượng; phục vụ người tiêu dùng về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm; phục vụ cho cơ quan ban ngành liên quan về quản lý nguồn gốc, quy trình chất lượng.

QR code được in trên tem gắn lên mỗi quả thanh trà đạt tiêu chuẩn do phường Hương Vân sản xuất.

Khi khách hàng dùng điện thoại thông minh để quét mã QR code trên tem sản phẩm thì sẽ dễ dàng truy xuất được thông tin về nguồn gốc cũng như các tiêu chuẩn về chất lượng của sản phẩm.

Việc ứng dụng công nghệ cao là một bước tiến mới góp phần khẳng định uy tín và thương hiệu thanh trà Hương Vân; đồng thời, là bước chuẩn bị để đưa đặc sản này vươn xa.

Ngoài ứng dụng sản xuất thanh trà theo hướng VietGAP trên quy mô lớn với đầy đủ chỉ dẫn địa lý, hướng tới cải thiện chất lượng, thương hiệu của thanh trà Huế, việc ứng dụng thêm mã QR code trên tem sản phẩm tạo thêm giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập của người sản xuất.

Từ mô hình 10ha tại phường Hương Vân, các hộ tham gia mô hình sẽ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong cộng đồng để từng bước nhân rộng mô hình này ra các vùng trồng thanh trà khác trong tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục