Hưởng ứng và góp phần thực hiện các chính sách của Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, ngày 17/9, tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cùng Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) phối hợp cùng các đối tác (Liên minh Hành động vì Khí hậu Việt Nam (VCCA), Nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG) tổ chức Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019.
Sự kiện năm nay hướng tới mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi thông tin, đối thoại đa bên để đưa ra các đề xuất giải pháp đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng và mang lại lợi ích lớn nhất cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, với kỷ lục về công suất điện Mặt Trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy vậy, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực, việc làm và nguồn tài chính…
Trong bối cảnh đó, Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019 (diễn ra từ ngày 17- 20/9 tại Hà Nội và An Giang) sẽ tập trung vào chủ đề chính: Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế.
Đây là cơ hội để mang tiếng nói của các bên liên quan đóng góp vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam, cụ thể là đóng góp ý tưởng, giải pháp cho những định hướng phát triển năng lượng sắp tới đây như Quy hoạch điện VIII hay các chính sách phát triển năng lượng tái tạo và khí hậu, bảo vệ môi trường.
[Quy hoạch Điện VIII sẽ tập trung phát triển điện sạch]
Năng lượng tái tạo đã trở thành nguồn cung cấp điện sạch được quan tâm đầu tư lớn nhất và trở thành mũi nhọn của chuyển dịch năng lượng toàn cầu trong vài năm trở lại đây.
Tính đến tháng 4/2019, năng lượng tái tạo chiếm 1/3 công suất điện toàn cầu. Năng lượng tái tạo đã được thừa nhận rộng rãi là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất cho nỗ lực ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trên toàn Thế giới.
Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh của Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2020 tổng nguồn điện quốc gia được cung cấp bằng năng lượng tái tạo là 7% vào năm 2020 và con số này tăng lên 10% vào năm 2030.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), Cơ quan điều phối VSEA, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo đa dạng và dồi dào nên sẽ có nhiều lợi ích khi chuyển dịch sớm sang phát triển năng lượng sạch.
Ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp tư nhân vào thị trường năng lượng sạch.
Do đó, để đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng, hài hòa lợi ích của các bên, chúng ta cần tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, giải pháp, bài học kinh nghiệm giữa các quốc gia, địa phương và hợp tác cùng hành động tháo gỡ khó khăn, mở đường đưa năng lượng sạch tới từng ngôi nhà Việt.
Tại Tuần lễ này, 3 Hội thảo chính sẽ diễn ra gồm Chuyển dịch Năng lượng ở Việt Nam; Tài chính Xanh cho năng lượng tái tạo trong ngành công nghiệp tại Việt Nam; Chuyển dịch năng lượng bền vững: Cơ hội và thách thức với Đồng bằng Sông Cửu Long và Hội thảo chuyên đề (Huy động đồng lợi ích của các giải pháp giảm thiểu tác động Biến đổi khí hậu từ Năng lượng tái tạo) với sự tham gia của nhiều diễn giả, thuộc các Bộ, ban ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu; các tổ chức xã hội dân sự...
Nằm trong chuỗi các sự kiện tại Hà Nội, Tọa đàm “Hội thảo Chuyển dịch Năng lượng ở Việt Nam” diễn ra sáng 17/9 đã cập nhật hiện trạng phát triển hệ thống điện Việt Nam và xu hướng chuyển dịch sang nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Tọa đàm sẽ đề cập và giải đáp vấn đề liệu Việt Nam có thể làm gì để đáp ứng được xu thế chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ như hiện nay ? Việt Nam có thể học hỏi được gì từ các bài học kinh nghiệm chuyển dịch thành công của bạn bè quốc tế ?
Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương Đỗ Đức Quân cho rằng, trong 2 năm qua, Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách và cơ chế hỗ trợ phát triển các loại hình năng lượng tái tạo như hỗ trợ giá cho điện Mặt Trời, điện gió.
Tính tới tháng 7/2019, điện Mặt Trời và điện gió là hai nguồn năng lượng tái tạo chính được đưa vào vận hành thương mại với mức công suất lần lượt đạt 4.543,8MW và 626,8MW, chiếm hơn 9% tổng tổng cơ cấu nguồn điện quốc gia.
Kết quả thực tế này đã vượt xa mục tiêu đặt ra tới năm 2020. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung hơn vào sự cạnh tranh về giá, đấu giá; triển khai áp dụng giá Fit cho điện gió tạo nhiều cơ hội cho các công nghệ mới; cơ hội mở rộng giúp cho các nhà đầu tư phát triển, hưởng lợi cho các công nghệ lưu trữ mới...
Chia sẻ sự đáp ứng của hệ thống điện cho chuyển dịch năng lượng: Bài học từ nước Đức, ông Markus Steigenberger, Phó Giám đốc Agora Energiewende (Đức) cho rằng, Việt Nam cần thực hiện những việc như thay đổi các khung quy định, tài chính và kỹ thuật để đáp ứng phát triển nguồn năng lượng tái tạo; thiết kế các quy định về kỹ thuật phù hợp cho việc hòa lưới các nguồn năng lượng tái tạo; tránh các tác động tiêu cực lên mạng lưới địa phương.
Đồng thời, quy hoạch tài nguyên và lưới điện tích hợp, tối ưu hóa triển khai nguồn năng lượng tái tạo (về mặt địa lý và kỹ thuật); củng cố lưới điện và vận hành để bảo đảm độ tin cậy của hệ thống....
Bên cạnh đó, các đại biểu, chuyên gia cùng thảo luận nhằm tháo gỡ vướng mắc và nhân rộng những bài học thành công để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tái tạo một cách bền vững trong tương lai./.