Năng lượng thông minh: Tối ưu hóa cơ cấu nguồn điện Việt Nam

Theo Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto, trong tương lai, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thêm các nguồn điện Mặt Trời, điện gió, sinh khối, rác thải của mình.
Năng lượng thông minh: Tối ưu hóa cơ cấu nguồn điện Việt Nam ảnh 1Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN)

Theo ông Jaakko Eskola, Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Wartsila, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới về kinh tế và năng lượng.

Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Wartsila nhận định như vậy tại Diễn đàn Năng lượng thông minh-Tối ưu hóa cơ cấu nguồn điện Việt Nam với các giải pháp linh hoạt do Đại sứ quán Phần Lan phối hợp với Tập đoàn Wartsila tổ chức sáng 29/8, tại Hà Nội.

Ông cho biết, sự tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì thời gian tới, do vậy, cần bổ sung thêm công suất phát điện.

Với tiềm năng điện gió, điện Mặt Trời và các loại hình khác, đây là thời điểm lý tưởng để đặt mục tiêu và hướng tới 100% năng lượng tái tạo trong tương lai.

Theo ông Jaakko Eskola, chi phí sản xuất của điện Mặt Trời, điện gió và pin lưu trữ hiện đã giảm nhiều và dự báo, sẽ tiếp tục có sự sụt giảm trong thời gian tới.

Thách thức hiện nay với các nhà quy hoạch nguồn điện và lưới điện là làm thế nào tăng cơ cấu nguồn điện và quản lý, xử lý dao động, ngắt quãng, nâng cao độ ổn định của nguồn này; làm thế nào để tích hợp nguồn năng lượng tái tạo vào trong hệ thống điện.

“Chúng tôi đã làm việc với 78 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi cũng đưa ra các công nghệ sản xuất điện, tích hợp vào các yếu tố mang tính truyền thống, cải thiện khâu điều độ để xử lý dao động quá nhiều," ông Jaakko Eskola nói.

[Phát triển nóng, điện Mặt Trời vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ]

Theo ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai chính sách rất tham vọng để phát triển năng lượng tái tạo với các tiềm năng vốn có của mình.

Trong tương lai, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thêm các nguồn điện Mặt Trời, điện gió, sinh khối, rác thải của mình.

Phần Lan cũng nằm trong tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch này và chúng tôi mong muốn là đối tác với Việt Nam, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng thông minh.

Theo Bộ Công Thương, tổng sơ đồ điện 7 sửa đổi đặt mục tiêu phát triển điện gió, điện Mặt Trời 2025 là 2.000MW và 4.000MW nhưng đến tháng Sáu vừa qua, công suất điện Mặt Trời đã đạt gần 4.500MW, chiếm gần 10% tổng công suất lắp đặt hệ thống.

Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp các đơn vị xây dựng tổng sơ đồ điện 8, có xem xét phát triển năng lượng tái tạo; trong đó, có điện gió và điện Mặt Trời.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, đại diện Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương cho hay, trong Quy hoạch điện 8 sắp tới sẽ cần phải cân nhắc lại về nguồn nhiệt điện và năng lượng tái tạo; trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Tới những năm 2030-2035, Việt Nam có thể có tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 50% tới 70,80% tổng công suất.

“Trong tương lai, cần có chính sách mới về phát triển năng lượng tái tạo, đưa ra mức giá mới cho điện Mặt Trời, điện gió cũng như các chi phí tài chính dài hơi hơn cho năng lượng tái tạo này, vì đây là nguồn mà Việt Nam có tiềm năng lớn.

Bên cạnh đó, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời, điện gió; có chính sách thu hút đầu tư cho năng lượng tái tạo, truyền tải…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục