Thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa Việt Nam và Hong Kong

Theo Giám đốc HKETO, Hong Kong không chỉ đem đến một môi trường kinh doanh ổn định mà còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kết nối với các thị trường khác ở Trung Quốc đại lục.

Quang cảnh buổi giao lưu 'Hong Kong (Trung Quốc) cùng Việt Nam-Khám phá các cơ hội đầu tư và kinh doanh.' (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Quang cảnh buổi giao lưu 'Hong Kong (Trung Quốc) cùng Việt Nam-Khám phá các cơ hội đầu tư và kinh doanh.' (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Việt Nam-Hong Kong (Trung Quốc) có tiềm năng thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực từ tài chính đến công nghệ, thực phẩm, hàng tiêu dùng…

Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại chương trình giao lưu chủ đề “Hong Kong cùng Việt Nam phát triển-Khám phá các cơ hội đầu tư và kinh doanh” do Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hong Kong (HKETO) tại Singapore và Phòng Xúc tiến Đầu tư Hong Kong (InvestHK) tổ chức chiều 19/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.

Tính đến hiện tại, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 đối tác phủ khắp các châu lục. Mối quan hệ hợp tác thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) đã phát triển tốt đẹp trong nhiều năm.

Hong Kong (Trung Quốc) hiện là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và đứng thứ 6 về thị trường xuất khẩu. Năm 2023, quy mô thương mại song phương ước đạt 11,24 tỷ USD.

Cũng trong năm 2023, FDI của Hong Kong (Trung Quốc) vào Việt Nam đạt 4,68 tỷ USD, đứng thứ 3 trong tổng số hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hong Kong (Trung Quốc) trong số các nước ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hong Kong trên toàn cầu.

Theo ông Võ Tân Thành, Hong Kong (Trung Quốc) có thế mạnh về cửa ngõ kết nối đầu tư, thương mại, tài chính, logistics giữa Trung Quốc với khu vực và thế giới thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường khu vực Vịnh lớn Hong Kong-Quảng Châu-Macau. Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai bên cũng như giữa khu vực ASEAN với các nền kinh tế Đông Á và thế giới.

Việc gặp gỡ, giao lưu giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẽ là cơ hội để cập nhật thông tin, chia sẻ các cơ hội hợp tác, gọi vốn, mở rộng đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.

Ông Owin Fung, Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hong Kong (HKETO) cho rằng khi các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, Hong Kong (Trung Quốc) được xem là một trong các đối tác đáng tin cậy. Hong Kong không chỉ đem đến một môi trường kinh doanh ổn định mà còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kết nối với các thị trường khác ở Trung Quốc đại lục.

Đặc biệt, từ cuối năm 2023, Hong Kong (Trung Quốc) đã nới lỏng các yêu cầu đối với công dân Việt Nam khi xin thị thực du lịch và làm việc tại Hong Kong nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, du khách Việt Nam đến tham quan, tìm hiểu các cơ hội đầu tư kinh doanh.

"Thành phố Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính của khu vực, trong khi đó Hong Kong (Trung Quốc) đã là một trong những trung tâm tài chính lớn của thế giới. Vì vậy, Hong Kong sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh các giải pháp cho lộ trình phát triển của một trung tâm tài chính," ông Owin Fung chia sẻ thêm.

Thông tin về môi trường kinh doanh tại Hong Kong (Trung Quốc), bà Alpha Lau, Tổng Giám đốc Phòng Xúc tiến Đầu tư Hong Kong (InvestHK) cho biết Hong Kong có vị trí chiến lược trong kết nối khu vực với thế giới. Đây là cửa ngõ từ Trung Quốc đại lục ra thế giới và thế giới đến với Trung Quốc.

ttxvn_vietnam_hong kong 2.jpg
Bà Alpha Lau, Tổng Giám đốc InvestHK thông tin về môi trường kinh doanh của Hong Kong (Trung Quốc) tại buổi giao lưu. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Hơn nữa, Hong Kong còn có những lợi thế đặc biệt như trung tâm tài chính, vận tải và thương mại quốc tế. Mặc dù là một phần của Trung Quốc nhưng Hong Kong áp dụng hệ thống pháp luật Anh-Mỹ (thông luật), có chính sách thuế đơn giản và thủ tục thành lập doanh nghiệp tối giản, có thể hoàn thành trong một giờ đồng hồ.

Đặc biệt, với chính sách mời gọi đầu tư rộng rãi, InvestHK tư vấn miễn phí và cung cấp các dịch vụ tùy chỉnh để giúp các công ty ở nước ngoài và thành lập và phát triển doanh nghiệp tại Hong Kong một cách dễ dàng.

"Ngành công nghiệp thời trang, thực phẩm đồ uống, nông sản, hàng tiêu dùng… là những lĩnh vực có dư địa tăng trưởng tốt mà doanh nghiệp hai bên có thể hợp tác kinh doanh tại Hong Kong. Việc mở văn phòng công ty hay kinh doanh tại Hong Kong (Trung Quốc) không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khách hàng Hong Kong mà còn là cầu nối để tiến vào Trung Quốc đại lục, du khách và cả các nhà mua hàng quốc tế. Ngoài ra, các bạn trẻ Việt Nam rất giỏi về công nghệ và hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế này để tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hong Kong, gọi vốn từ các quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm cho các dự án sáng tạo của mình," bà Alpha Lau khuyến nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục