Thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt-Đức

Hai bên thống nhất chia sẻ, cung cấp thông tin và tư vấn cho nhau về các hoạt động liên quan đến khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm tổ chức chương trình, thực hiện dự án.
Thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt-Đức ảnh 1Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và lãnh đạo VGI tại đầu cầu Berlin. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Ngày 22/12, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam-Đức (VGI) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings) đã ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) và bộ phận hỗ trợ mạng lưới Văn phòng Khoa học-công nghệ Việt Nam tại các nước cũng tham dự sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Thỏa thuận được ký kết trực tuyến tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Theo nội dung ký kết, hai bên thống nhất chia sẻ, cung cấp thông tin và tư vấn cho nhau về các hoạt động liên quan đến khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm tổ chức các chương trình, thực hiện dự án, trao đổi.

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ họp định kỳ và đột xuất theo hình thức phù hợp để trao đổi thông tin, định hướng hoạt động hợp tác. Trên cơ sở thỏa thuận khung được ký kết, hai bên sẽ thống nhất tiến hành các nội dung hợp tác cụ thể, đảm bảo phù hợp với lợi ích của nhau.

[Cơ hội kết nối cho những công ty khởi nghiệp Việt Nam và Đức]

Phát biểu tại sự kiện trên, ông Trần Hải Thanh, Bí thư thứ nhất phụ trách khoa học-công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, đã giới thiệu tổng quan về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của Đức, cũng như sự hỗ trợ của mạng lưới tri thức và cộng đồng người Việt tại Đức đối với sự nghiệp phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam.

Theo ông, thời gian qua, VGI - một tập hợp gồm nhiều chuyên gia, trí thức và nhà khoa học, đã góp phần thu hút và kết nối các tri thức khoa học, chuyên gia công nghệ người Việt và gốc Việt tại Đức cũng như những cá nhân, tập đoàn, công ty Đức nhiệt tình, chung tay đóng góp cho sự phát triển về khoa học-công nghệ của Việt Nam.

Thỏa thuận vừa được ký kết sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trong nước, đồng thời góp phần thúc đẩy kết nối hợp tác khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các đối tác hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục