Thúc đẩy phát triển ngành in Việt Nam, hướng đến thị trường toàn cầu

Nhiều doanh nghiệp đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước nới lỏng niên hạn cho máy móc, thiết bị ngành in, nhất các trang thiết bị đến từ các nước thành viên G7.
Thúc đẩy phát triển ngành in Việt Nam, hướng đến thị trường toàn cầu ảnh 1Khách tham quan triển lãm ngành in Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Hội ngành in Thành phố Hồ Chí Minh, những năm gần đây, ngành in ở phân khúc thị trường ấn phẩm, sách báo tụt giảm nhanh do sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet. Vì vậy, các doanh nghiệp đã, đang đầu tư, thay đổi phân khúc thị trường hướng đến gia công các sản phẩm bao bì phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tại tọa đàm “Giải pháp kết nối, mở rộng thị trường hoạt động in gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài," do Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội ngành in Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/9, ông Trần Kim Chung, Giám đốc Công ty Sao Nam cho rằng nhu cầu của xã hội dẫn đến sự phát triển của ngành in. Thị trường toàn cầu tăng, công nghiệp in ngày càng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sự dịch chuyển, tăng trưởng của ngành in luôn chịu sự tác động của nền kinh tế của từng quốc gia, nhất là trong xu thế thương mại điện tử làm thay đổi quan điểm của người tiêu dùng.

Để hướng đến in gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hay cung ứng cho thị trường xuất khẩu, ông Trần Kim Chung cho rằng các doanh nghiệp cần quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho người lao động; tăng cường quản trị, ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trên mạng Internet...

[Lượng sách, xuất bản phẩm trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh]

Một trong những điển hình sản xuất kinh doanh hiệu quả là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ITAXA (Thông tấn xã Việt Nam) với hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành in, gần 15 năm tổ chức thực hiện các đơn hàng xuất khẩu sang các nước trong và ngoài khối ASEAN.

Những năm gần đây, Công ty ITAXA đã đẩy mạnh đầu tư về máy móc, trang thiết bị hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa đội ngũ công nhân lao động… để từ đó tạo ra những sản phẩm có giá cả cạnh tranh, đảm bảo chất lượng, thân thiện với môi trường.

Để tham gia chuỗi cung ứng cho thị trường xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ITAXA cho rằng các doanh nghiệp cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý, các chất liệu sản xuất như: giấy, mực, kẽm, keo…; duy trì thường xuyên quy trình hoạt động sản xuất hiện đại, đảm bảo các yếu tố về môi trường, thực hiện tốt công tác bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, tuân thủ tiến độ giao hàng; giữ uy tín đối với thị trường kể cả trong nước hay ngoài nước.

Thúc đẩy phát triển ngành in Việt Nam, hướng đến thị trường toàn cầu ảnh 2 Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Itaxa phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Cùng quan điểm, bà Tô Mỹ Châu, Giám đốc điều hành Công ty Phùng Vĩnh Hưng cho rằng doanh nghiệp ngành in cần trang bị những kỹ năng, kiến thức, ngoại ngữ cho người lao động để tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tạo niềm tin đối với khách hàng; chủ động trong việc nắm bắt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; cần xây dựng tầm nhìn chiến lược bắt kịp với xu hướng thời đại.

Tuy nhiên, để đi đến thành công lớn, hiệu quả hơn, bà Tô Mỹ Châu cho rằng cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước để cùng sẻ chia kinh nghiệm, gia công hợp đồng, nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển ngành in Việt Nam sánh vai cùng các doanh nghiệp, tập đoàn in quốc tế.

Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước nới lỏng niên hạn cho máy móc, thiết bị ngành in, nhất các trang thiết bị đến từ các nước thành viên G7 (gồm Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italy, Canada) bởi giá thành tuy đắt nhưng chất lượng rất tốt, bền.

Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ kinh nghiệm trước những rủi ro trong quá trình thực hiện các hợp đồng, nhất là hợp đồng cho thị trường xuất khẩu như lưu ý việc thống nhất ngôn ngữ hợp đồng; hình thức hợp đồng; xác định rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm; năng lực doanh nghiệp, người tham gia hợp đồng; quy phạm trong sở hữu trí tuệ; xung đột trong hợp đồng, năng lực pháp lý...

Các đại biểu cũng chia sẻ thông tin về tình hình gia công xuất khẩu và các giải pháp thay đổi công nghệ đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế; các đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp; các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm in, phát triển nguồn nhân lực; việc liên kết doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường; kết nối thị trường gia công xuất khẩu thông qua các tiêu chuẩn, chứng chỉ quốc tế; hoạt động in xuất khẩu văn hóa phẩm; kiến nghị trợ giá cước vận chuyển cho các doanh nghiệp xuất khẩu văn hóa phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục