Ngày 6/3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Mội trường của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học-công nghệ công lập. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự.
Khai mạc Hội nghị, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu rõ thời gian qua, sự tham gia của các tổ chức khoa học-công nghệ công lập trong phát triển kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ luôn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và đặc biệt coi trọng.
Hệ thống cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của các tổ chức khoa học-công nghệ công lập liên tục được đổi mới và hoàn thiện, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung.
Đặc biệt, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học-công nghệ công lập được xác định là một trong những biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động của các tổ chức khoa học-công nghệ công lập gắn kết hơn với điều kiện kinh tế thị trường; phát huy hơn vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Sau gần 10 năm triển khai cơ chế này cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá trong hoạt động khoa học-công nghệ được nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương và các tổ chức khoa học-công nghệ tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa thực sự đi vào cuộc sống và có phần chậm trễ.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học đã tập trung thảo luận về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học-công nghệ công lập; phân tích nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sau 10 năm triển khai Nghị định số 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 115) với tinh thần đổi mới và giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho tổ chức khoa học-công nghệ công lập, nhất là các quyền về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân lực, nhiều tổ chức khoa học-công nghệ đã chuyển đổi thành công, khẳng định được vị thế, thương hiệu của đơn vị trên thị trường; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ khoa học.
Tính đến 31/12/2014, trong tổng số 642 tổ chức khoa học-công nghệ công lập có 488 tổ chức đã được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ (đạt 76%). 100% tổ chức khoa học-công nghệ được tự chủ trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học-công nghệ.
Tổ chức khoa học-công nghệ được quyền chủ động ký hợp đồng, liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ, dịch vụ khoa học-công nghệ; được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và sử dụng con dấu của đơn vị sự nghiệp công lập trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức khoa học-công nghệ được giao quyền tự chủ hơn trong việc chi lương, hoạt động bộ máy và sử dụng những nguồn thu khác từ hợp đồng khoa học-công nghệ với tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước...
Bên cạnh mặt tích cực đạt được, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 115 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đúng và đầy đủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thiếu sự quyết liệt và nghiêm túc trong chỉ đạo thực hiện Nghị định 115. Chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn Nghị định 115.
Trình độ cán bộ nghiên cứu tại các tổ chức khoa học-công nghệ công lập, nhất là ở địa phương còn hạn chế, số lượng cán bộ có trình độ cao đang bị mai một dần do tuổi cao hoặc chuyển sang làm việc khác...
Đánh giá về tài chính trong thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Bộ Tài chính cho biết Nghị định 115 được ban hành đã đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng về đổi mới tư duy quản lý đối với hoạt động của các tổ chức khoa học-công nghệ công lập.
Đặc biệt, để Nghị định 115 đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan ban hành một hệ thống chính sách, chế độ tài chính tương đối đồng bộ, theo hướng nâng cao quyền tự chủ, tạo sự chủ động cho các tổ chức khoa học và công nghệ trong việc sử dụng nguồn lực tài chính, lao động, cơ sở vật chất thực hiện nhiệm vụ được giao; thu hút thêm các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, tạo điều kiện nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ khoa học-công nghệ cung ứng, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, các tổ chức khoa học-công nghệ còn chậm chuyển đổi, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trác nhiệm; số lượng tổ chức khoa học-công nghệ chuyển sang loại hình doanh nghiệp khoa học-công nghệ và tự trang trải kinh phí còn chưa nhiều.
Hiện đa số các tổ chức khoa học-công nghệ công lập vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước; huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước chưa được nhiều và việc thương mại hóa sản phẩm khoa học-công nghệ còn hạn chế.
Đối với tình hình thực hiện các quy định về tổ chức, biên chế, nhân lực trong thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học-công nghệ công lập, Bộ Nội vụ đánh giá: Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115 đến nay chưa có nhiều kết quả, các đơn vị chưa tự chủ được nguồn kinh phí bảo đảm tiền lương; kết quả nghiên cứu về cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Nhiều tổ chức khoa học và công nghệ công lập chậm chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ vì còn tư tưởng bao cấp, không muốn bị cắt giảm tiền lương và tiền chi hoạt động bộ máy từ nguồn ngân sách nhà nước...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Nội vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để bảo đảm đồng bộ những quy định có liên quan của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức khoa học-công nghệ công lập thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng một văn bản mới có thể tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học-công nghệ công lập.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc viêc phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức khoa học-công nghệ công lập trực thuộc theo quy định của Nghị định 115; đồng thời kiên quyết cắt kinh phí đối với các tổ chức khoa học-công nghệ không chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các tổ chức khoa học-công nghệ công lập cần công khai, minh bạch trong việc giao, nghiệm thu và kết quả thực hiện đề tài khoa học.../.