Thực tế khó khăn mới đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Nhà kinh tế học Philippe Aghion cho rằng hiện giờ, Tổng thống Macron phải làm nhiều việc để chứng minh ông luôn để tâm đến phe “Áo vàng, cũng như hào phóng hơn trong vấn đề bảo hiểm thất nghiệp.
Thực tế khó khăn mới đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) tới khu vực Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris để xem xét những thiệt hại do những đối tượng biểu tình quá khích gây ra. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nytimes.com, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa phải chiến đấu với một cuộc khủng hoảng cách đây chưa đầy hai tuần gây ra bởi sự tức giận và sức mạnh tập thể của phong trào biểu tình “Áo vàng” càn quét khắp cả nước.

Trên các đường phố Paris, những người biểu tình đã kêu gọi ông Macron từ chức cũng như cáo buộc ông là một tổng thống ngạo mạn của giới nhà giàu.

Hiện giờ, sau khi các cuộc biểu tình đã được kiềm chế và có quy mô nhỏ hơn - một phần là nhờ sự nhượng bộ về kinh tế kịp thời mà Macron hứa hẹn, cũng như một sự thay đổi trong tâm trạng người dân sau vụ khủng bố ở chợ Giáng sinh Strasbourg hôm 11/12 - dường như Macron đã tạm thời thoát khỏi nguy hiểm. Sự sống còn đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông có thể không bị đe dọa nữa, song cấu trúc và hướng đi của nó dường như chắc chắn phải thay đổi.

[Phe "Áo vàng" tiến hành cuộc biểu tình thứ sáu trên toàn nước Pháp]

Ông Macron được bầu vào năm 2017, một phần là dựa trên cam kết sẽ tạo ra một cuộc cách mạng cho Pháp - trong lĩnh vực kinh tế, trong thị trường lao động, và trong mô hình phúc lợi xã hội Pháp. Ông đã đối đầu với các công đoàn, viết lại luật lao động và cắt giảm thuế cho các công ty và giới giàu có, dưới danh nghĩa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo các nhà chính trị, các nhà kinh tế và những người thăm dò ý kiến, kể cả khi những tác động của “Áo vàng” khó có thể nhận thấy từ trước, phong trào này cũng đã buộc Macron phải quay lại việc tăng một số loại thuế và chuyển thêm tiền cho những người lao động nghèo nhất. Phong trào này cũng buộc ông phải suy tính lại về các đề xuất sắp tới của mình nhằm thay đổi luật về lương hưu và thất nghiệp.

Bruno Cautrés, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Science Po, nhận định: “Macron sẽ phải thay đổi không chỉ cách tiếp cận mà cả nội dung.” Cautrés nói rằng phong trào “Áo vàng” được thúc đẩy bởi sự bất bình đẳng về tài chính, những thất bại trong hệ thống bầu cử của Pháp và sự thất vọng của người dân khi không được lắng nghe.

Thực tế khó khăn mới đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ảnh 2Người biểu tình Áo vàng gây bạo loạn tại Paris. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhiều thị trường và những quan chức được bầu khác, những người đã bắt đầu tiếp cận với các thành viên “Áo vàng,” nói rằng Macron không có nhiều lựa chọn ngoài việc chấp nhận đáp ứng các yêu cầu của phong trào này. Họ nói rằng sự xuất hiện của phe “Áo vàng” phản ánh những vấn đề đã tồn tại từ lâu trong hệ thống chính trị và kinh tế của Pháp, tuy nhiên, chính ông Macron cũng nên tự trách mình.

Ông Macron trở thành tổng thống mà chưa từng giữ vị trí dân cử nào trong chính quyền. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng thay vì nhận ra rằng mình thiếu sự lắng nghe, thấu hiểu, Macron lại tránh né các cuộc họp với các thị trưởng và những quan chức được bầu khác, đồng thời từ chối lời đề nghị hợp tác của các công đoàn. Thay vào đó, xung quanh ông chỉ toàn là những cố vấn, những người có thể xuất chúng nhưng lại thiếu hiểu biết về những thay đổi mà những người dân bình thường nhất có thể chấp nhận được.

Jérôme Fourquet, người đứng đầu cuộc thăm dò ý dân của Viện điều tra dư luận IFOP, nói rằng ông Macron đã làm rất ít để giúp chính mình trong vấn đề này. Ông Fourquet nói: “Nền chính trị mà ông triển khai, chấm dứt đánh thuế người giàu, giảm trợ cấp nhà ở và đi xa hơn với việc thúc đẩy thuế nhiên liệu cũng như lời bình luận "chỉ cần băng qua đường để tìm việc làm," tất cả những thứ đó đã hướng sự chỉ trích về phía tổng thống.” Tuy nhiên, Fourquet nói thêm rằng điều này thật bất công bởi đó là sự chồng chất những tức giận đã tích tụ suốt một thời gian dài.

Richard Ramos, một thành viên của Nghị viện Loiret thuộc miền Trung nước Pháp, nhìn chung vẫn ủng hộ Macron. Tuy nhiên, giống như nhiều thị trưởng khác, ông nói rằng Macron đã sai lầm khi không lắng nghe các chính trị gia địa phương trước khi tiến hành các kế hoạch kinh tế và cắt giảm việc đánh thuế những người giàu có nhất Pháp.

Ramos cho biết hầu hết các thành viên “Áo vàng” mà ông gặp đều là những người làm công ăn lương hoặc những chủ doanh nghiệp nhỏ muốn trả lương cho nhân viên của họ nhiều hơn nhưng không đủ khả năng. Ramos nhận định: “Cuộc khủng hoảng niềm tin này không thể giải quyết chỉ bằng bài phát biểu dài 13 phút của tổng thống. Tuy nhiên, điều khiến nó trở nên phức tạp chính là phong trào Áo vàng không công nhận chúng ta là những đại diện của quốc gia. Họ nói với chúng ta rằng: "Các người không lắng nghe chúng tôi." Vì vậy trước khi chúng ta đối thoại, chúng ta phải củng cố niềm tin đó.”

Mọi người giờ đây đang dành những lời khuyên cho tổng thống: về phong cách cá nhân của ông, về cách khiến công dân cảm thấy ông ấy đang lắng nghe họ, về cách xây dựng chính sách. Joséphine Kollmannsberger, thị trưởng thị trấn Plaisir, nói: “Bạn không thể thực hiện một dự án, xây dựng một cái gì đó mà không chia sẻ nó, trình bày nó với những người sống ở đó.”

Một số người khác nhắc nhở Macron rằng dù ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhưng trong một số khía cạnh, ông không đại diện cho đa số. Nhà khoa học chính trị Cautrés coi cuộc bầu cử tổng thống của Macron là một nghịch lý của nền dân chủ Pháp, trong đó các nhà chính trị được bầu hợp pháp có thể không nhất thiết nhận được sử ủng hộ của đa số.

Cụ thể tại Pháp, ứng cử viên tổng thống cạnh tranh trong hai vòng bỏ phiếu và hai người người nhận được nhiều phiếu nhất trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên sẽ đối mặt nhau trong một cuộc bỏ phiếu thứ hai.

Trong vòng đầu tiên, Macron giành được 24% số phiếu bầu, chủ yếu từ những người tin vào sự cải cách của ông, nhưng ở vòng thứ hai, khi ông chống lại ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, ông đã nhận được 66%. Tuy nhiên, nhiều cử tri bỏ phiếu ủng hộ ông ở vòng hai là vì họ muốn chống lại Le Pen, chứ không phải họ ủng hộ ông và chương trình nghị sự của ông.

Mặc dù Macron tuyên bố cắt giảm thuế và chi tiêu trong bài phát biểu hôm 10/12 của mình để giúp đỡ những người lao động nghèo nhất và những người có thu nhập cố định, đồng thời đã tạm dừng tăng thuế nhiên liệu theo kế hoạch, song ông vẫn chưa có những thay đổi trong chương trình cải cách gây ảnh hưởng nhất cho đến nay: đại tu toàn bộ luật lao động. Ông cũng không thu hồi gói thay đổi thuế bao gồm việc loại bỏ một loại thuế đánh vào những người giàu có.

Nhà kinh tế học Philippe Aghion cho rằng hiện giờ, Macron phải làm nhiều thứ để chứng minh rằng ông luôn để tâm đến những nỗi lo của phe “Áo vàng.” Aghion cho rằng tổng thống có thể hào phóng hơn trong vấn đề bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, những người “Áo vàng” sẽ không biến mất. Pierre-Étienne Billot, một người biểu tình, cho rằng đối với Macron, phong trào “Áo vàng” giống như căn bệnh “chấy rận,” cần rất nhiều phương pháp chữa trị. Billot nói: “Rồi một ngày nào đó họ sẽ quay trở lại. Ông ấy sẽ không thể thoát khỏi họ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục