Thực tế phũ phàng của 'mô hình Thụy Điển' trong phòng chống COVID-19

Cách ứng phó lạ thường của Thụy Điển với COVID-19 được một số nước khác ca ngợi. Song, nó cũng góp phần gây ra một trong những tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, vượt cả Mỹ.
Thực tế phũ phàng của 'mô hình Thụy Điển' trong phòng chống COVID-19 ảnh 1Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 28/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Project-syndicate.org đưa tin trong bối cảnh chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang càn quét khắp hành tinh, Thụy Điển là một trong số các nền dân chủ phương Tây theo đuổi biện pháp phong tỏa “quy mô nhỏ.”

Liệu cách tiếp cận phản ánh sức mạnh đặc biệt riêng của xã hội Thụy Điển, trái ngược với những phán xét tiêu cực về nó, có thể được xác định bằng cách so sánh tỷ lệ mắc COVID-19 tại Thụy Điển với các nước láng giềng hay không.

Liệu quyết định bác bỏ sự phong tỏa toàn quốc có thể đề ra được một cách thức khác biệt để đẩy lùi COVID-19 mà vẫn duy trì được một xã hội mở hay không?

Cách ứng phó lạ thường của quốc gia này với COVID-19 được ưa chuộng ở trong nước và đã nhận được sự ca ngợi ở một số quốc gia bên ngoài. Song, nó cũng góp phần gây ra một trong những tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, vượt cả Mỹ.

[Chiến dịch chống COVID-19 tại Thụy Điển khiến người già trả giá]

Tại Stockholm, các quán bar và nhà hàng vẫn chật kín người đến tận hưởng ánh nắng mùa xuân sau một mùa đông dài tối tăm. Các trường học và trung tâm thể dục vẫn mở cửa.

Giới chức Thụy Điển không đưa ra những lời khuyên y tế mà chỉ áp đặt một số lệnh phạt. Không có bất cứ đường lối chính thức nào khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, chính phủ và hầu hết giới phê bình đều tự hào ủng hộ “mô hình Thụy Điển,” với tuyên bố rằng nó được xây dựng dựa trên mức độ tin cậy cao vô địch của người dân vào các thể chế và giữa người dân với nhau.

Thủ tướng Stefan Löfven đã kêu gọi người dân Thụy Điển tự giác kỷ luật, với hy vọng họ hành động một cách có trách nhiệm mà không cần giới chức phải áp đặt các quy định.

Theo cơ quan Khảo sát các Giá trị Thế giới, người Thụy Điển có xu hướng thể hiện sự kết hợp độc đáo giữa niềm tin vào các thể chế công với chủ nghĩa cá nhân cực đoan.

Như nhà xã hội học Lars Trägårdh đã nhận định mỗi người dân Thụy Điển đều tự gánh trên vai mình nhiệm vụ của một người cảnh sát.

Tuy nhiên, chính phủ Thụy Điển đã không hình thành một cách có ý thức một hình mẫu Thụy Điển để đối phó với đại dịch dựa trên sự tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm dân sự đã ăn sâu trong dân chúng.

Thay vào đó, những hành động được định hình bởi các quan chức và sau đó được biện hộ trước thực tế như một minh chứng cho đức hạnh của người Thụy Điển.

Trên thực tế, nhiệm vụ cốt lõi của việc kiểm soát dịch bệnh chỉ nằm trong tay một người duy nhất: nhà dịch tễ học quốc gia Anders Tegnell tại Viện Y tế Công Quốc gia.

Tegnell đã tiếp cận cuộc khủng hoảng bằng quan điểm kiên quyết của riêng ông về con virus này, tin rằng nó sẽ không lan ra ngoài Trung Quốc, và sau đó, chỉ cần theo dõi các ca nhiễm từ nước ngoài vào là đủ.

Vì thế, hàng nghìn gia đình người Thụy Điển trở về từ cuối tháng Hai sau chuyến đi trượt tuyến trên dãy Alpes ở Italy đã được khuyến khích mạnh mẽ là quay trở lại làm việc và đi học nếu không có dấu hiệu bệnh rõ ràng, kể cả những gia đình có các thành viên đã bị mắc bệnh.

Tegnell lập luận rằng không có dấu hiệu của sự lây lan trong cộng đồng tại Thụy Điển, và vì vậy không cần phải có thêm các biện pháp hạn chế diện rộng.

Bất chấp những gì đang xảy ra tại Italy, các khu trượt tuyết ở Thụy Điển vẫn mở cửa để phục vụ kỳ nghỉ và tiệc tùng của người dân Stokholm.

Trong số các tuyên bố của mình, Tegnell chỉ ra rằng các chính sách hạn chế hà khắc nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus có thể giúp người dân Thụy Điển dần dần đạt được sự miễn dịch cộng đồng.

Ông nhấn mạnh rằng chiến lược này sẽ thích hợp hơn cho xã hội.

Còn chính phủ Thụy Điển vẫn rất thụ động. Điều này phần nào phản ánh một nét đặc trưng của hệ thống chính trị tại đất nước này: sự phân chia quyền lực mạnh mẽ giữa các bộ của chính phủ trung ương và các cơ quan độc lập.

Và trong “tình trạng bối rối,” điều này cũng thích hợp để Thủ tướng Löfven cho phép cơ quan của Tegnell đảm trách nhiệm vụ. Sự tin tưởng vào những gì cơ quan này đang làm cho phép chính phủ giảm bớt trách nhiệm trong những tuần lễ bất ổn.

Thêm vào đó, Löfven có vẻ muốn thể hiện sự tin tưởng của ông vào “khoa học và thực tế” bằng cách không làm khó các chuyên gia của mình, giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mặc dù vậy, cần lưu ý rằng lựa chọn chính sách của nhà dịch tễ học quốc gia này đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi các chuyên gia độc lập tại Thụy Điển.

22 trong số hầu hết các giáo sư nổi tiếng nhất đất nước về bệnh truyền nhiễm và dịch tễ học đã đăng tải một bình luận trên tờ Dagens Nyheter nhằm kêu gọi Tegnell từ chức và khẩn khoản yêu cầu chính phủ áp dụng một chiến lược hành động khác.

Đến giữa tháng Ba, khi sự lây lan tăng mạnh trong cộng đồng, Löfven buộc phải đảm nhiệm một vai trò tích cực hơn.

Kể từ đó, chính phủ đã chơi trò đuổi bắt.

Từ 29/3, họ đã cấm các cuộc tụ họp công cộng trên 50 người (giảm từ 500 người), và đề ra thêm các lệnh trừng phạt với những người không tuân thủ.

Tiếp đó từ ngày 1/4, chính phủ cấm đến thăm các viện dưỡng lão, sau khi thực tế chứng minh rằng con virus này đã lây lan cho khoảng một nửa số cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Stockholm.

Cách tiếp cận của Thụy Điển hóa ra là sai lầm, vì ít nhất ba lý do. Tuy nhiên, dù người dân Thụy Điển có ý thức đến mức nào, thì bất cứ xã hội nào cũng đều có những kẻ vô tổ chức, và với một dịch bệnh lây lan mạnh như thế này, không cần nhiều kẻ như thế ở một xã hội để mọi thứ có thể trở nên tồi tệ.

Thêm vào đó, giới chức Thụy Điển cũng mãi mới nhận thức được khả năng lây lan của những bệnh nhân dù không có triệu chứng bệnh. Và thứ ba là thành phần dân chúng của Thụy Điển hiện đã thay đổi.

Thực tế phũ phàng của 'mô hình Thụy Điển' trong phòng chống COVID-19 ảnh 2Một tuyến phố ở Stockholm, Thụy Điển ngày 1/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau nhiều năm nhập cư ồ ạt từ châu Phi và Trung Đông, 25% dân số Thụy Điển - tương đương 2,6 triệu trên tổng số 10,2 triệu dân của nước này - là thế hệ không phải người gốc Thụy Điển ở đây.

Tỷ lệ này còn cao hơn ở khu vực Stokholm. Những người nhập cư đến từ Somalia, Iraq, Syria và Afghanistan chiếm đa số các ca tử vong vì COVID-19.

Nguyên nhân một phần là bởi sự thiếu thông tin bằng các ngôn ngữ của những người nhập cư.

Tuy nhiên, một nhân tố quan trọng hơn là mật độ nhà ở tại một số khu vực ngoại ô đông dân nhập cư, và càng trầm trọng hơn bởi sự gần gũi giữa các thế hệ.

Còn quá sớm để đánh giá được toàn bộ những tác động của “hình mẫu Thụy Điển.”

Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này cao gấp 9 lần tại Phần Lan, gần 5 lần tại Na Uy và hơn hai lần so với Đan Mạch.

Ở mức độ nào đó, những con số này có thể phản ánh lượng cư dân nhập cư lớn hơn nhiều ở Thụy Điển, song sự khác biệt rõ rệt với các nước láng giềng Bắc Âu dù sao cũng rất lớn.

Cả ba nước Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan đều đang áp dụng các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt từ sớm, với đội ngũ lãnh đạo chính trị tích cực và mạnh mẽ.

Trong bối cảnh COVID-19 đang hoành hành khắp các viện dưỡng lão và nhiều cộng đồng khác, chính phủ Thụy Điển đã buộc phải thay đổi.

Những người có thể đã bị hấp dẫn bởi “mô hình Thụy Điển” nên hiểu rằng một đặc trưng rõ rệt của nó chính là tỉ lệ tử vong rất cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục