Có thể nói, đây là một kỳ hội chợ thế giới của những kỷ lục, từ đông khách tham quan nhất, chi phí tốn kém nhất, nhiều màn trình diễn văn hóa nhất cho đến cả số lượng phóng viên, báo đài rầm rộ nhất.
Nhưng câu hỏi lớn nhất trong tâm trí người dân Thượng Hải là liệu vụ đầu tư nhiều tỷ USD này cho một hội chợ “hoành tráng” có đem lại lợi ích? Dù trên khía cạnh nào, đây cũng là câu chuyện của con số hàng trăm tỷ NDT. Và tất cả đang chỉ ra một lợi nhuận kinh tế rõ ràng.
Một quan chức phụ trách truyền thông của ban tổ chức World Expo 2010 khẳng định với báo chí Hongkong hội chợ lần này đạt lợi nhuận, dù nhỏ: “Việc kiểm soát chi phí đã chứng minh đạt hiệu quả và số khách vượt mọi dự kiến dĩ nhiên giúp ban tổ chức có lợi nhuận."
Trước khi World Expo 2010 mở màn, Bí thư Thượng Hải Du Chính Thanh đã tuyên bố mục tiêu có lãi khi mà doanh thu bán vé, đồ lưu niệm và các sản phẩm liên quan đến hội chợ, cho thuê mặt bằng làm dịch vụ bán hàng, ăn uống, nguồn tài trợ…được dự kiến là bù đắp đủ cho chi phí xây dựng và tổ chức.
Ngày 1/5, Thượng Hải chính thức mở cửa World Expo 2010 sau khi đầu tư 18 tỷ NDT (khoảng 2,7 tỷ USD) cho chi phí xây dựng hội chợ trên diện tích 5,28km2 đồng thời xác định một khoản 10,6 tỷ NDT khác cho chi phí hoạt động đến ngày đóng cửa 31/10 vừa qua.
Và cho dù bảng thu chi cuối cùng của World Expo 2010 chưa được công bố, đã có nhiều số liệu mang tính lạc quan. Riêng doanh thu bán vé ước tính đạt 12 tỷ NDT (với giá 160 NDT/vé ngày thường và 200 NDT/vé những ngày đặc biệt).
Doanh thu từ các sản phẩm “ăn theo” đã vượt 30 tỷ NDT từ cuối tháng trước và con số này sẽ tiếp tục tăng bởi dù World Expo kết thúc, không ít đồ lưu niệm, sản phẩm liên quan vẫn đang được tiêu thụ. Doanh thu từ cho thuê mặt bằng trong hội chợ chưa tiết lộ. Và các khoản tài trợ cũng được giữ kín.
Nhật báo giải phóng dẫn lời giáo sư Trần Tín Khang, phụ trách nghiên cứu về World Expo tại Đại học Kinh tế tài chính Thượng Hải, cho rằng tổng doanh thu của hội chợ thế giới lần này có thể đạt 80 tỷ NDT nếu số khách tham quan thực sự vượt 70 triệu lượt.
Ngoài ra, có hàng chục lĩnh vực khác ở Thượng Hải như khách sạn, giao thông, viễn thông, du lịch… cũng được hưởng một cú hích quan trọng.
Điển hình như du lịch. Cục Du lịch Trung Quốc cho rằng World Expo 2010 tạo ra doanh thu tới 80 tỷ NDT cho ngành này với khách sạn, các công ty hàng không và đội ngũ bán lẻ hưởng lợi nhiều nhất.
Chính quyền Thượng Hải cũng hài lòng với nhiều tỷ NDT thuế doanh thu cùng 627.000 việc làm được tạo ra. Không có gì nghi ngờ rằng World Expo sẽ giúp GDP thành phố này tăng mạnh hơn nữa trong năm nay (mức tăng GDP năm ngoái của Thượng Hải là 8,2%).
Tất nhiên, cần xem xét cả những chi phí sẽ không nằm trong bảng thu chi của World Expo mặc dù đây là các con số không nhỏ chút nào. Hàng nghìn nhân viên an ninh bảo đảm an toàn cho hội chợ được trả lương bởi chính quyền địa phương chứ không phải bởi ban tổ chức.
Và bản thân Thượng Hải cũng có một bảng cân đối của riêng mình. Đã có không ít tranh luận khi Thượng Hải quyết định đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng phục vụ World Expo như mở rộng hệ thống tàu điện ngầm lên tới 420km.
Bí thư Du Chính Thanh đã xác nhận Thượng Hải chi ít nhất 300 tỷ NDT để xây dựng cơ sở hạ tầng nhân dịp này, con số vượt xa mức 40 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng cho Olympics Bắc Kinh 2008.
Có những ước tính rằng tổng đầu tư cho các dự án liên quan đến World Expo còn cao hơn nhiều, lên đến 95 tỷ USD. Tuy nhiên, bất kể con số đó có “khủng” thế nào, Thượng Hải cũng sẽ dễ dàng thu lại khi bán đấu giá khu đất dành cho hội chợ vừa qua. Nếu dựa trên mức giá hiện nay ở các khu chính của Thượng Hải, khu đất này có thể đem lại tới 1.000 tỷ NDT.
Một nhà kinh tế tại Thượng Hải nhận xét chiến lược của thành phố với World Expo tỏ ra tốt hơn, hiệu quả kinh tế hơn là Bắc Kinh đã làm với Olympic hai năm trước: “Các sân vận động phục vụ Olympic giờ là sự hoang phí lớn bởi chỉ được sử dụng ít ỏi. Trong khi đó, việc tái phát triển lại khu hội chợ sẽ tạo ra cả núi tiền cho Thượng Hải”./.