Thương mại có tạo được sự ổn định trong quan hệ Mỹ-Trung?

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu từ thương mại, và sau đó xuất hiện gần như ở mọi lĩnh vực như kinh tế, công nghệ và ý thức hệ, bất kể ai "giữ chiếc ghế" Tổng thống tại Nhà Trắng.
Thương mại có tạo được sự ổn định trong quan hệ Mỹ-Trung? ảnh 1Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Nguồn: straitstimes.com)

Trung Quốc mới đây cho hay cuộc đàm phán giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã diễn ra trong bầu không khí xây dựng, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Các vấn đề cụ thể của cuộc đàm phán không được tiết lộ. Tuy nhiên, như đã nêu trong thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen hy vọng hai bên sẽ tiếp tục có các đối thoại trong tương lai.

Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đối thoại trực tuyến với các quan chức của Chính quyền Mỹ. Ông Lưu Hạc đã có cuộc đối thoại trực tuyến với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai.

[Điều gì khiến đàm phán thương mại Mỹ-Trung khó tạo bước đột phá?]

Hai bên khi đó cũng không tiết lộ nội dung cụ thể của cuộc trò chuyện, và chỉ đề cập đến tính chất xây dựng và thẳng thắn của cuộc trao đổi. Về phần mình, bà Katherine Tai nói thêm rằng hai bên đã thảo luận về các nguyên tắc chủ đạo và các vấn đề quan tâm.

Dấu hiệu tích cực nhưng khó có bước tiến nhanh chóng

Vào thời điểm đó, cả giới chuyên gia Trung Quốc và phương Tây đều coi việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh là một dấu hiệu tích cực, đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung đang xuống thấp.

Mỹ liên tục đưa ra những cáo buộc mới chống lại Trung Quốc và áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế mới. Đến lượt mình, Trung Quốc, vì những lý do khách quan, không thể thực hiện các cam kết của mình theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã được ký kết dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các cuộc đàm phán gay gắt tại Anchorage chỉ làm tăng thêm lo ngại rằng không gian đối thoại giữa hai nước đang bị thu hẹp và quan hệ sẽ xấu đi. Do đó, việc nối lại các cuộc đàm phán đã mang lại hy vọng, nếu không phải cho sự bình thường hóa quan hệ sớm thì ít nhất là cho cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn giữa hai bên.

Hơn nữa, trong lần này, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc và Mỹ cho hay ông Lưu Hạc và bà Janet Yellen đã thảo luận về một loạt vấn đề kinh tế vĩ mô và nhất trí rằng quan hệ kinh tế giữa hai nước là rất quan trọng. Hai bên còn rất nhiều nội dung để thảo luận.

Chuyên gia Mei Xinyu, nhà nghiên cứu tại Học viện Thương mại Quốc tế và Hợp tác Kinh tế Trung Quốc thuộc Bộ Thương mại, cảnh báo rằng phía Mỹ cũng hiểu rằng phúc lợi của người dân và sự phục hồi của hoạt động kinh tế tại nước này phụ thuộc trực tiếp vào việc Trung Quốc mua hàng hóa từ Mỹ.

Cả hai bên đi đến kết luận rằng cần phải từng bước nối lại đối thoại. Nhưng thị trường không nên hy vọng vào một kết quả nhanh chóng.

Theo chuyên gia Mei Xinyu, vào thời điểm hiện tại, rất khó để nói liệu Mỹ và Trung Quốc có thể đi đến một thỏa thuận thương mại giai đoạn hai hay không. Washington vẫn duy trì thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc, cũng như mở rộng danh sách các công ty Trung Quốc bị cấm nhận đầu tư từ Mỹ.

Chuyên gia Mei Xinyu nhận xét để bình thường hóa quan hệ thương mại, Mỹ cũng nên có những bước tiến và kiềm chế những biện pháp không thân thiện.

Yêu tố ổn định cho “con tàu” quan hệ Mỹ-Trung

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu từ thương mại, và sau đó xuất hiện gần như ở mọi lĩnh vực như kinh tế, công nghệ và ý thức hệ. Rõ ràng là cuộc đối đầu giữa hai cường quốc sẽ tiếp tục, bất kể ai "giữ chiếc ghế" Tổng thống tại Nhà Trắng.

Do Trung Quốc có cơ hội bắt kịp Mỹ về quy mô nền kinh tế và trình độ phát triển công nghệ ngay trong thập kỷ này, Washington sẽ tiếp tục nỗ lực để kiềm chế sự phát triển của quốc gia tỷ dân. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải kiểm soát sự leo thang tác động đến sự ổn định chiến lược.

Mặc dù tình hình hiện tại trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ thường được gọi là cuộc "Chiến tranh lạnh mới," nhưng bối cảnh hiện nay không thể so sánh với quan hệ giữa Liên Xô cũ và Mỹ. Liên Xô cũ có sự độc lập về kinh tế và thương mại nhiều hơn. Hệ thống tài chính của hai nước cũng không được kết nối với nhau.

Thế giới của hiện tại đã khác. Bản chất toàn cầu của chuỗi cung ứng, cũng như vị trí và vai trò của Trung Quốc và Mỹ trong nền kinh tế thế giới đều xác định nhu cầu tương tác giữa hai cường quốc.

Ví dụ, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Khi Mỹ sử dụng các biện pháp kích thích tiền tệ, nới lỏng định lượng và duy trì mức lãi suất cho vay thấp kỷ lục, đồng tiền Trung Quốc bắt đầu tăng giá. Điều này dẫn đến giá hàng xuất khẩu tăng cao.

Thêm vào đó, giá nguyên liệu và năng lượng cũng tăng bởi vì thế giới đang chờ đợi sự phục hồi nhanh chóng của cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Rõ ràng là các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang gặp khó khăn.

Vào tuần này, các nhà chức trách Trung Quốc cố gắng kiềm chế đà tăng giá của đồng nội tệ với việc công bố những bản tuyên bố kêu gọi thị trường không đi theo xu hướng tăng giá liên quan đến tỷ giá hối đoái của đồng tiền này. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có ý nói rằng tỷ giá hối đoái - dù sẽ ổn định - vẫn có thể biến động theo bất kỳ hướng nào.

Nếu việc duy trì sự cân bằng về quân sự vẫn bảo đảm tính ổn định chiến lược trong quan hệ giữa Mỹ và Liên bang Nga, thì trong trường hợp với Trung Quốc, kết nối thương mại và kinh tế có thể trở thành một bảo đảm như vậy. Điều nghịch lý ở đây là thương mại, đầu tư và sự luân chuyển vốn vẫn là thứ gắn kết Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh đang quan tâm đến điều này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục