Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo xuất khẩu từ các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới giảm mạnh trong quý đầu tiên năm 2014 đã làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Số liệu OECD công bố ngày 27/5 cho biết kim ngạch xuất khẩu của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi - BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) giảm tới 2,6% trong quý I/2014, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 0,1%.
Trong số các nền kinh tế G7 và BRICS, chỉ có Đức và Italy có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương.
Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt trong mùa Đông vừa qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng ở Mỹ, khiến cho kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế đầu tàu thế giới này giảm 1,3% trong quý đầu tiên năm nay, mặc dù kim ngạch nhập khẩu tăng 0,8%.
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản cũng giảm tới 3,5% so với quý trước.
Theo OECD, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc giảm tới 7,3% trong quý I/2014. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nước duy nhất trong khối BRICS có kim ngạch xuất khẩu giảm sút.
Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Nga - nước hiện đang phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt thương mại mạnh mẽ từ phương Tây do cuộc khủng hoảng Ukraine - cũng giảm gần 3% so với quý cuối của năm 2013.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ giảm 3% và kim ngạch nhập khẩu giảm 0,9%. Kim ngạch xuất-nhập khẩu Nam Phi cũng giảm lần lượt là 4,3% và 1,5%.
Các số liệu này cho thấy thương mại toàn cầu có sự khởi đầu chậm chạp trong năm nay mặc dù trước đó Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo thương mại toàn cầu sẽ phục hồi mạnh sau những năm giảm sút.
Tháng trước, WTO nâng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2014 lên 4,7% với nhận định rằng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại trên thế giới.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng ở Ukraine và một số sự kiện khác có thể ảnh hưởng đến dự báo tăng trưởng cũng như làm giảm nhịp độ tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi./.