Trùng phùng trong Đại lễ

"Thương nhớ Thăng Long" trùng phùng trong Đại lễ

Về Hà Nội dịp Đại lễ là ước ao của mỗi người con xa. Ai về được hạnh phúc khôn tả, ai lỗi hẹn Hồ Gươm thì đành gửi tiếng lòng về...
Về với Hà Nội trong dịp Đại lễ là ước mong cháy bỏng cồn cào của người con xa quê hương, nhưng không phải ai cũng có thể trở về. Vì thế, ai đã về được đúng dịp này thì hạnh phúc không tả xiết và ai đành lỗi hẹn với Hồ Gươm thì cũng bùi ngùi hướng trọn tâm hồn về Thủ đô yêu dấu. Khi dịp Đại lễ đã qua song những tiếng lòng vẫn còn ngân mãi.
 
Được nghỉ một tuần, chị Nguyễn Hà cùng chồng là anh Kim Gia lục tục về Hà Nội từ ngày 29/10. Lấy chồng rồi sinh sống tại Trung Quốc đã được 5 năm, năm nào chị Hà cũng về quê để thăm gia đình vào dịp Tết Nguyên đán. Lần này, chị quyết định về nước trước thời gian “quy định” cũng bởi sự kiện Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, chị bảo trong gần 10 ngày qua, chị và chồng đã thăm nhiều nơi và thực sự rất ấn tượng về mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình.

Trên những con đường rực rỡ cờ hoa, chị Hà và anh Kim cảm nhận từng nét đổi thay từng ngày của Thủ đô. “Mới có một năm mà Hà Nội đã đổi khác quá,” chị nói.

Chồng chị Hà – anh Kim Gia là người từng làm việc ở Hà Nội trong vòng hai năm. Do đó, anh Kim Gia có biết về văn hóa Hà Nội và cả tiếng Việt. Nhờ đó, chị Hà cũng đỡ phải hướng dẫn cho chồng tại các điểm du lịch. Anh Kim Gia tỏ ra rất thích thú với những hiện vật tại Bảo tàng Hà Nội.

Chị Hà thì kể, tại Đêm Hồ Gươm lung linh, chị và anh chồng người Trung Quốc đã phải rất vất vả trong dòng người chật ních, để ngắm Tháp Rùa soi bóng xuống mặt nước, ngập trong ánh sáng laser huyền ảo.

Anh Li Thierry đang định cư tại Luxemburg là “con rể” của Hà Nội, về Tổ quốc của vợ trong dịp Đại lễ, anh hết sức hạnh phúc và luôn ánh mắt sáng lên với cặp mày dướn cao đầy ngạc nhiên thích thú trước mọi việc, mọi người. “Vui quá! Tôi vừa hạnh phúc thấy vợ mình được sinh ra mình lớn lên từ một nơi đặc biệt như thế, lại cũng rất thoải mái vì biết cô ấy đang được thỏa lòng ở Hà Nội trong dịp vui.

Anh Nguyễn Minh Châu, đang sống ở  Vientiane (Lào) đã viết bài thơ “Nhớ Hà Nội”: “Dù nơi đất khách quê người/ Lòng ta vẫn nhớ dáng trời Thủ đô/ Nhớ Hà Nội – năm cửa ô/ Bến tàu điện cũ Bờ Hồ còn đây.” Cuối bài thơ là lời tự nhủ như tiếng lòng của mọi người con xa: “Nao lòng nhớ lắm bạn ơi/ Làm sao quên được đất trời Thăng Long/ Chỉ còn tự nhủ cõi lòng/ Dù nơi xa xứ vẫn mong ngày về.

Anh Khăm-hùng Xay-cha-lơn (Phạm Văn Hùng), thành viên Câu lạc bộ đồng hương Xiêng-khoảng cũng có những dòng thơ gửi nhớ: “Xa quê biết mấy thân thương/ Nhớ Tràng An cổ, cốm vương thuở nào/ Tôi hiện đang sống bên Lào/ Tiếng quê vẫn lắng tận vào tâm can/ Nhớ quê, nhớ lắm tiếng đàn/ Mùa xuân ai hát tràn lời nước non.”

Anh Nguyễn Quảng Phong, kiều bào tại Hà Lan: “Chúng tôi rất đỗi vinh dự và tự hào được chứng kiến và hòa mình vào không khí hào hùng của dân tộc với hào khí ngàn năm Thăng Long bất diệt, lòng chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động và có thêm một chút day dứt vì chúng tôi luôn tự hỏi mình đã làm gì, đã mang lại lợi ích gì cho quốc gia, dân tộc, vì sự phồn vinh của nước nhà…

Chị Phan Bích Thiện, kiều bào tại Hunggary: Càng tự hào về Hà Nội, về Tổ quốc Việt Nam mình, chúng tôi càng cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc truyền bá tiếng Việt, truyền bá các giá trị văn hóa của dân tộc cho các thế hệ người Việt tiếp theo. Đồng thời làm sao quảng bá tuyên truyền rộng rãi hơn hình ảnh Việt Nam đổi mới, hình ảnh Việt Nam ngày hôm nay, hình ảnh Hà Nội với bạn bè quốc tế để làm sao thúc đẩy sự đóng góp của kiều bào cũng như bạn bè quốc tế cho đất nước mình…

Album ca nhạc "Khúc hát ngàn năm" là món quà mà nhà thơ Phạm Châu Loan- một kiều bào tại Italia dành tặng Thủ đô nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Mười ca khúc trong album “Khúc hát ngàn năm” được Phạm Châu Loan phổ nhạc từ chính những vần thơ của chị và một số nhà thơ: Lệ Bình, Phạm Thiên Thư, Lê Minh Quốc, Phạm Bích Hằng, Nông Quy Quy…

Chị cho biết: “Trong những năm tháng sinh sống tại nước ngoài, tâm hồn và trái tim tôi vẫn luôn hướng về Tổ quốc, về mảnh đất Hà Thành nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi ước mong CD ca khúc này là món quà thành kính dâng tặng Thủ đô Hà Nội yêu dấu, nơi tôi đã có đầy ắp những kỷ niệm thăng trầm trong cuộc đời”. Khán giả có thể cảm nhận được tình cảm của chị với đất nước qua các nhạc phẩm “Hát ru Việt sử thi,” “Tìm về Hà Nội,” “Gửi Thăng Long- Hà Nội,” “Long Biên cầu nhớ,” “Hà Nội phố xưa”...trong album "Khúc hát ngàn năm".

Chị Đỗ Thị Hoa Lý ( hiện sống tại Kiep) đã viết về quê hương:  Mỗi khi Tết đến, mỗi độ Xuân về lại tha thiết nhớ những “đường phố đông vui  chờ đón Tân Niên”. Nhớ những cánh đào Nhật Tân khoe sắc, thèm được chen vai thích cánh dưới mưa Xuân để viết lên những vần thơ da diết.

Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, Thủ đô vẫn “hào hoa, linh thiêng, nhân kiệt”. Hồ Gươm vẫn trong xanh “như giọt nước mắt long lanh ngàn đời để lại”- như tình yêu tôi mãi mãi với Thủ Đô! Yêu Hà Nội, nhớ những vòm cây hoa tím nhẹ đưa, những con đường ngạt ngào hương hoa sữa, những bờ hồ liễu rủ thướt tha! Muốn nói biết bao nhiêu những lời thương nhớ “Hà Nội ơi ta nhớ không quên, Hà Nội ơi trong trái tim ta..”/.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục