Thông báo mới đây của Bộ Nông nghiệp Pháp khiến người tiêu dùng phải rùng mình: Thịt ngựa có chứa một chất có hại cho sức khỏe con người nhiều khả năng đã được đưa vào dây chuyền thực phẩm.
Người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, một số sản phẩm thịt ngựa tươi có chứa chất phenylbutazone có lẽ đã đi vào bao tử người tiêu dùng. Phenylbutazone được dùng để điều trị chứng viêm gân, bong gân của thú vật. Tuy nồng độ không cao, nhưng dư lượng thuốc thú y phenylbutazone có trong thịt ngựa cũng đủ để gây hại cho sức khỏe con người.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Le Foll đã trấn an người tiêu dùng rằng lượng phenylbutazone tìm thấy trong thịt “rất thấp” và không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Đặc biệt, sự cố này không liên quan tới vụ “ngựa giả bò” vì số thịt này không được “cải trang” để đóng vai thịt bò. Tuy nhiên, thông báo trên của Bộ Nông nghiệp Pháp đang làm gia tăng độ nóng của vụ bê bối “treo đầu bò, bán thịt ngựa.”
Vụ bê bối khiến người tiêu dùng choáng váng và giận dữ trước những mánh lới tinh vi của giới sản xuất và cung ứng thực phẩm.
Từ trước tới nay, châu Âu vẫn tự hào về các quy định chặt chẽ giám sát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Thế nhưng các nhà sản xuất và cung ứng thịt đã bất chấp luật pháp và lợi ích của người tiêu dùng vì lợi nhuận. Giá mỗi ki lô gam thịt ngựa chỉ khoảng 2,6 euro trong khi thịt bò là 5,2 euro. Mức chênh lệch quá lớn khiến người ta nhắm mắt làm ngơ và đẩy số ngựa dư dôi ở một số nước châu Âu vào lò mổ, rồi từ đó gia nhập đường dây khá phức tạp để che mắt nhà chức trách và trốn thuế, cuối cùng có mặt tại những siêu thị lớn như Tesco, Carrefour...
Giờ đây, khi sự việc vỡ lở, các siêu thị mới nhớn nhác ra lệnh thu hồi sản phẩm và đồng thanh xin lỗi người tiêu dùng. Nhưng chẳng dễ lấy lại được niềm tin khi nỗ lực điều tra dường như vấp phải đá bởi tính chất phức tạp của đường dây buôn thịt ngựa.
Ngay sau khi Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) công bố kết quả xét nghiệm ADN hôm 16/1 cho thấy trong 27 mẫu bánh hamburger thì có 10 mẫu chứa thịt ngựa, vụ bê bối đã bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra khắp châu lục. Bản danh sách các nước châu Âu “tay nhúng chàm” đang ngày một dài thêm, đó là Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Áo, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Slovenia, rồi Cộng hòa Séc. Italy là nước mới nhất bị cuốn vào vụ gian lận thịt này.
Nước Pháp đang là tâm điểm của vụ bê bối sau khi người ta phát hiện hàng tấn thịt ngựa từ các lò mổ ở Romania đã được chế biến thành thực phẩm ăn liền bán ở Pháp.
Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định ông sẽ thúc đẩy cho ra đời quy định về nhãn mác thực phẩm chế biến sẵn có hiệu lực trên toàn châu Âu. Findus, một công ty đang trong “tâm bão," cùng chuỗi siêu thị Carrefour và Intermache loan báo tại Hội chợ Nông sản Paria rằng họ sẽ bắt đầu sử dụng nhãn mác có ghi "100% từ Pháp" bắt đầu từ tháng Ba năm nay.
Vụ bê bối “ngựa đội lốt bò” đã lan sang châu Á khi món lasagna nhập khẩu từ châu Âu bị cấm bán tại Hong Kong. Cơ quan An toàn thực phẩm Hong Kong ngày 20/2 đã yêu cầu ParknShop, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất nơi đây, thu hồi món lasagna do Findus sản xuất, vì rất có thể sản phẩm này có pha thịt ngựa vốn chưa được kiểm tra thuốc thú y.
[Vụ bê bối thịt "ngựa giả bò" đã lan sang cả châu Á]
Nestlé - hãng thực phẩm lớn nhất thế giới của Thụy Sỹ và JBS - nhà sản xuất thịt bò hàng đầu thế giới của Brazil, cũng bị cuốn vào vụ "ngựa giả bò."
Ngày 19/2, Nestlé thông báo thu hồi hai loại mỳ thịt bò ăn liền tại các chuỗi siêu thị ở Italia và Tây Ban Nha sau khi các xét nghiệm ADN cho thấy có thành phần thịt ngựa trong đó. Một món bột hấp đông lạnh chứa phomát, sốt cà chua và thịt bò của Nestlé, chuyên cung cấp cho các hãng giải trí, cũng buộc phải rút khỏi thị trường Pháp và Bồ Đào Nha do phát hiện có thịt ngựa.
Nestlé cho biết thịt bò dùng để chế biến các sản phẩm trên do công ty HJ Schypke của Đức cung cấp. Mặc dù khẳng định không gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, Nestlé thừa nhận việc dán nhãn mác sai đối với sản phẩm ăn uống là phụ lòng tin của người tiêu dùng. Chính vì vậy, Nestlé tự nguyện thu hồi ngay lập tức hai sản phẩm mỳ thịt bò trên tại Italy và Tây Ban Nha, đồng thời thông báo ngừng phân phối tất cả những sản phẩm dùng nguồn thịt bò do HJ Schypke cung cấp.
[Nestlé cũng liên quan đến vụ bê bối "ngựa giả bò"]
Nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và cứu ngành công nghiệp chế biến thịt của châu Âu trước nguy cơ bị "khai tử," Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tiến hành xét nghiệm ADN tất cả các sản phẩm thịt để xác định có thịt ngựa pha trộn hay không. Bên cạnh đó, các nước cũng áp dụng nhiều biện pháp khác nhau với hy vọng nhanh chóng dập tắt vụ bê bối thịt "vỏ bò, ruột ngựa" để không gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế của Lục địa Già, vốn đang phải gồng mình chống chọi với cơn bão nợ công.
Trong một phát biểu mới đây trên tờ Bild, Bộ trưởng Phát triển Đức Dirk Niebel có ý tưởng phát các sản phẩm “ngựa giả bò” cho người nghèo. Phe đối lập tại Đức đã ngay lập tức bác “thiện ý” này và cho nó là "lố bịch," là “sự xúc phạm đối với người nghèo”./.
Người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, một số sản phẩm thịt ngựa tươi có chứa chất phenylbutazone có lẽ đã đi vào bao tử người tiêu dùng. Phenylbutazone được dùng để điều trị chứng viêm gân, bong gân của thú vật. Tuy nồng độ không cao, nhưng dư lượng thuốc thú y phenylbutazone có trong thịt ngựa cũng đủ để gây hại cho sức khỏe con người.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Le Foll đã trấn an người tiêu dùng rằng lượng phenylbutazone tìm thấy trong thịt “rất thấp” và không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Đặc biệt, sự cố này không liên quan tới vụ “ngựa giả bò” vì số thịt này không được “cải trang” để đóng vai thịt bò. Tuy nhiên, thông báo trên của Bộ Nông nghiệp Pháp đang làm gia tăng độ nóng của vụ bê bối “treo đầu bò, bán thịt ngựa.”
Vụ bê bối khiến người tiêu dùng choáng váng và giận dữ trước những mánh lới tinh vi của giới sản xuất và cung ứng thực phẩm.
Từ trước tới nay, châu Âu vẫn tự hào về các quy định chặt chẽ giám sát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Thế nhưng các nhà sản xuất và cung ứng thịt đã bất chấp luật pháp và lợi ích của người tiêu dùng vì lợi nhuận. Giá mỗi ki lô gam thịt ngựa chỉ khoảng 2,6 euro trong khi thịt bò là 5,2 euro. Mức chênh lệch quá lớn khiến người ta nhắm mắt làm ngơ và đẩy số ngựa dư dôi ở một số nước châu Âu vào lò mổ, rồi từ đó gia nhập đường dây khá phức tạp để che mắt nhà chức trách và trốn thuế, cuối cùng có mặt tại những siêu thị lớn như Tesco, Carrefour...
Giờ đây, khi sự việc vỡ lở, các siêu thị mới nhớn nhác ra lệnh thu hồi sản phẩm và đồng thanh xin lỗi người tiêu dùng. Nhưng chẳng dễ lấy lại được niềm tin khi nỗ lực điều tra dường như vấp phải đá bởi tính chất phức tạp của đường dây buôn thịt ngựa.
Ngay sau khi Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) công bố kết quả xét nghiệm ADN hôm 16/1 cho thấy trong 27 mẫu bánh hamburger thì có 10 mẫu chứa thịt ngựa, vụ bê bối đã bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra khắp châu lục. Bản danh sách các nước châu Âu “tay nhúng chàm” đang ngày một dài thêm, đó là Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Áo, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Slovenia, rồi Cộng hòa Séc. Italy là nước mới nhất bị cuốn vào vụ gian lận thịt này.
Nước Pháp đang là tâm điểm của vụ bê bối sau khi người ta phát hiện hàng tấn thịt ngựa từ các lò mổ ở Romania đã được chế biến thành thực phẩm ăn liền bán ở Pháp.
Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định ông sẽ thúc đẩy cho ra đời quy định về nhãn mác thực phẩm chế biến sẵn có hiệu lực trên toàn châu Âu. Findus, một công ty đang trong “tâm bão," cùng chuỗi siêu thị Carrefour và Intermache loan báo tại Hội chợ Nông sản Paria rằng họ sẽ bắt đầu sử dụng nhãn mác có ghi "100% từ Pháp" bắt đầu từ tháng Ba năm nay.
Vụ bê bối “ngựa đội lốt bò” đã lan sang châu Á khi món lasagna nhập khẩu từ châu Âu bị cấm bán tại Hong Kong. Cơ quan An toàn thực phẩm Hong Kong ngày 20/2 đã yêu cầu ParknShop, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất nơi đây, thu hồi món lasagna do Findus sản xuất, vì rất có thể sản phẩm này có pha thịt ngựa vốn chưa được kiểm tra thuốc thú y.
[Vụ bê bối thịt "ngựa giả bò" đã lan sang cả châu Á]
Nestlé - hãng thực phẩm lớn nhất thế giới của Thụy Sỹ và JBS - nhà sản xuất thịt bò hàng đầu thế giới của Brazil, cũng bị cuốn vào vụ "ngựa giả bò."
Ngày 19/2, Nestlé thông báo thu hồi hai loại mỳ thịt bò ăn liền tại các chuỗi siêu thị ở Italia và Tây Ban Nha sau khi các xét nghiệm ADN cho thấy có thành phần thịt ngựa trong đó. Một món bột hấp đông lạnh chứa phomát, sốt cà chua và thịt bò của Nestlé, chuyên cung cấp cho các hãng giải trí, cũng buộc phải rút khỏi thị trường Pháp và Bồ Đào Nha do phát hiện có thịt ngựa.
Nestlé cho biết thịt bò dùng để chế biến các sản phẩm trên do công ty HJ Schypke của Đức cung cấp. Mặc dù khẳng định không gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, Nestlé thừa nhận việc dán nhãn mác sai đối với sản phẩm ăn uống là phụ lòng tin của người tiêu dùng. Chính vì vậy, Nestlé tự nguyện thu hồi ngay lập tức hai sản phẩm mỳ thịt bò trên tại Italy và Tây Ban Nha, đồng thời thông báo ngừng phân phối tất cả những sản phẩm dùng nguồn thịt bò do HJ Schypke cung cấp.
[Nestlé cũng liên quan đến vụ bê bối "ngựa giả bò"]
Nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và cứu ngành công nghiệp chế biến thịt của châu Âu trước nguy cơ bị "khai tử," Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tiến hành xét nghiệm ADN tất cả các sản phẩm thịt để xác định có thịt ngựa pha trộn hay không. Bên cạnh đó, các nước cũng áp dụng nhiều biện pháp khác nhau với hy vọng nhanh chóng dập tắt vụ bê bối thịt "vỏ bò, ruột ngựa" để không gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế của Lục địa Già, vốn đang phải gồng mình chống chọi với cơn bão nợ công.
Trong một phát biểu mới đây trên tờ Bild, Bộ trưởng Phát triển Đức Dirk Niebel có ý tưởng phát các sản phẩm “ngựa giả bò” cho người nghèo. Phe đối lập tại Đức đã ngay lập tức bác “thiện ý” này và cho nó là "lố bịch," là “sự xúc phạm đối với người nghèo”./.
Hương Giang (TTXVN)