Tổ máy số 1, Nhà máy Thủy điện Sơn La có công suất 400MW, đã hoàn thành chạy tải, hòa mạng lưới điện quốc gia, vượt trước so với Nghị quyết của Quốc hội hai năm.
Những ngày cuối cùng của đợt phát động thi đua nước rút 125 ngày đêm trên công trường, chuẩn bị cho lễ mừng công thật sôi động.
Ngay sau sự kiện chiếc roto tổ máy số 1 (1/6 tổ máy của Thủy điện Sơn La) nặng ngàn tấn được lắp đặt an toàn vào ngày 20/8/2010, ông Thái Phụng Nê, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La cùng lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà đã bấm nút khởi động chiếc đồng hồ điện tử đếm ngược ngày đêm cho tổ máy số 1 chính thức phát điện.
Để có được giây phút hạnh phúc này, hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân và các chuyên gia nước ngoài trên đại công trường thủy điện Sơn La đã miệt mài lao động ba ca không nghỉ trong suốt gần bảy năm qua cho tổ máy số 1 về đích trước hai năm.
Kỹ sư trẻ Bùi Phương Nam, giám sát thi công xúc động cho biết “Nhớ nhà, nhớ vợ con nhiều nhưng được lao động trên công trường trong quãng thời gian 125 ngày đêm thi đua nước rút là một vinh dự lớn đối với tôi.”
Dòng sông Đà hung dữ giờ đây đã được chặn đứng bởi khối bêtông thân đập chính sừng sững chắn ngang. Nước đổ về chảy qua 12 cửa xả lũ tung bọt trắng xóa.
Ông Nguyễn Hoàng Cường, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Đà 98 thuộc Công ty Sông Đà 9, phấn khởi cho biết việc hoàn thành đổ 2,7 triệu m3 bêtông đầm lăn đập dâng nước công trình thủy điện Sơn La trong thời gian hai năm bảy tháng là sự nỗ lực, cố gắng hết sức to lớn của tập thể cán bộ công nhân viên trong toàn công ty.
Đặc biệt là khối bêtông R4 được thi công trong điều kiện mưa lũ, lúc thì nắng nóng, nhưng chúng tôi đã vượt qua và về đích đúng tiến độ. Đây có thể nói là thành quả lao động sáng tạo, tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới mà chúng tôi rất tự hào đã góp phần xây dựng đập, công trình thuỷ điện lớn của đất nước, ông Nguyễn Hoàng Cường cho biết thêm.
Chuyện thần kỳ diễn ra trên đại công trường này là việc thi công đập dâng ngăn sông Đà, từ bờ phải sang bờ trái mặt đập dài 947m, chiều rộng dưới chân đáy đập là 290m, độ cao của đập 138,1m. Khối lượng bêtông của công trình này hơn 5,3 triệu m3; trong đó bêtông đầm lăn của đập dâng là 2,7 triệu m3. Ngày 25/10 vừa qua, đã hoàn thành việc đổ bêtông đầm lăn trên đập thủy điện Sơn La trong hơn hai năm bảy tháng.
Ông David Morris, chuyên gia kỹ thuật thuộc Công ty Tư vấn giám sát Colenco, vui mừng chia sẻ: Khi công tác đổ bêtông đầm lăn được khởi công vào ngày 11/1/2008, ít ai trong chúng ta nghĩ rằng sẽ được chứng kiến hoàn thành trước tiến độ của một công trình lớn và phức tạp nhất ở Việt Nam. Với tư cách là những người thiết kế, chúng tôi cần tới sự nỗ lực của những người khác để biến những thiết kế trên giấy của chúng tôi trở thành hiện thực.
Tôi thật sự vui mừng bởi nỗ lực của tất cả mọi người tại công trình đã cho phép chúng tôi được chứng kiến những ý tưởng trên trang giấy đã lớn lên thành một công trình có kết cấu vững chắc mà chúng ta nhìn thấy hôm nay, ông David Morris cho biết thêm.
Khi hoàn thành công trình đập dâng, không chỉ đảm bảo tích nước hồ với dung tích đủ chứa 9,26 tỷ m3 nước phục vụ cho sáu tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình đập còn góp phần điều tiết nguồn nước sông Đà cùng với hồ thủy điện Hòa Bình phòng chống lũ cho cộng đồng ở phía hạ lưu.
Trong gian lắp máy, những người thợ áo xanh da trời mang dòng chữ Lilama của Tổng công ty lắp máy Việt Nam đang cần mẫn làm việc. Anh Nguyễn Duy Quang, 23 tuổi, kỹ sư lắp máy của Lilama 10, quê ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho hay tết này anh cùng nhiều công nhân lắp máy của Lilama xin ở lại công trường để tham gia lắp đặt các tổ máy tiếp theo.
Hiện tiến độ công việc đang dồn lên vai nhà thầu lắp máy. Lúc này tại công trường thủy điện Sơn La, hàng ngàn người thợ lắp máy đang lao động khẩn trương cho các tổ máy tiếp tục đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Quang Hà, Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La cho biết việc phát điện tổ máy số 1 sớm hơn hai năm mang một ý nghĩa kinh tế, chính trị hết sức quan trọng, góp phần giải quyết nhu cầu điện đang cấp thiết trên cả nước, nhà máy phát điện sớm hơn sẽ mang lại giá trị kinh tế to lớn cho toàn ngành và cho đất nước.
Nhà máy Thủy điện Sơn La được đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, cách trung tâm hành chính tỉnh Sơn La, thành phố Sơn La, 40km, là bậc thang thủy điện thứ hai trên hệ thống sông Đà. Tổ máy số 1 chính thức phát điện trước hết sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong mùa khô này.
Chỉ hai năm nữa thôi, dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á sẽ hoàn thành với công suất (6 tổ máy) 2.400MW, càng thêm khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam về năng lực quản lý, thiết kế và xây lắp, nhất là đối với các công trình thủy điện lớn của đất nước./.
Những ngày cuối cùng của đợt phát động thi đua nước rút 125 ngày đêm trên công trường, chuẩn bị cho lễ mừng công thật sôi động.
Ngay sau sự kiện chiếc roto tổ máy số 1 (1/6 tổ máy của Thủy điện Sơn La) nặng ngàn tấn được lắp đặt an toàn vào ngày 20/8/2010, ông Thái Phụng Nê, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La cùng lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà đã bấm nút khởi động chiếc đồng hồ điện tử đếm ngược ngày đêm cho tổ máy số 1 chính thức phát điện.
Để có được giây phút hạnh phúc này, hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân và các chuyên gia nước ngoài trên đại công trường thủy điện Sơn La đã miệt mài lao động ba ca không nghỉ trong suốt gần bảy năm qua cho tổ máy số 1 về đích trước hai năm.
Kỹ sư trẻ Bùi Phương Nam, giám sát thi công xúc động cho biết “Nhớ nhà, nhớ vợ con nhiều nhưng được lao động trên công trường trong quãng thời gian 125 ngày đêm thi đua nước rút là một vinh dự lớn đối với tôi.”
Dòng sông Đà hung dữ giờ đây đã được chặn đứng bởi khối bêtông thân đập chính sừng sững chắn ngang. Nước đổ về chảy qua 12 cửa xả lũ tung bọt trắng xóa.
Ông Nguyễn Hoàng Cường, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Đà 98 thuộc Công ty Sông Đà 9, phấn khởi cho biết việc hoàn thành đổ 2,7 triệu m3 bêtông đầm lăn đập dâng nước công trình thủy điện Sơn La trong thời gian hai năm bảy tháng là sự nỗ lực, cố gắng hết sức to lớn của tập thể cán bộ công nhân viên trong toàn công ty.
Đặc biệt là khối bêtông R4 được thi công trong điều kiện mưa lũ, lúc thì nắng nóng, nhưng chúng tôi đã vượt qua và về đích đúng tiến độ. Đây có thể nói là thành quả lao động sáng tạo, tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới mà chúng tôi rất tự hào đã góp phần xây dựng đập, công trình thuỷ điện lớn của đất nước, ông Nguyễn Hoàng Cường cho biết thêm.
Chuyện thần kỳ diễn ra trên đại công trường này là việc thi công đập dâng ngăn sông Đà, từ bờ phải sang bờ trái mặt đập dài 947m, chiều rộng dưới chân đáy đập là 290m, độ cao của đập 138,1m. Khối lượng bêtông của công trình này hơn 5,3 triệu m3; trong đó bêtông đầm lăn của đập dâng là 2,7 triệu m3. Ngày 25/10 vừa qua, đã hoàn thành việc đổ bêtông đầm lăn trên đập thủy điện Sơn La trong hơn hai năm bảy tháng.
Ông David Morris, chuyên gia kỹ thuật thuộc Công ty Tư vấn giám sát Colenco, vui mừng chia sẻ: Khi công tác đổ bêtông đầm lăn được khởi công vào ngày 11/1/2008, ít ai trong chúng ta nghĩ rằng sẽ được chứng kiến hoàn thành trước tiến độ của một công trình lớn và phức tạp nhất ở Việt Nam. Với tư cách là những người thiết kế, chúng tôi cần tới sự nỗ lực của những người khác để biến những thiết kế trên giấy của chúng tôi trở thành hiện thực.
Tôi thật sự vui mừng bởi nỗ lực của tất cả mọi người tại công trình đã cho phép chúng tôi được chứng kiến những ý tưởng trên trang giấy đã lớn lên thành một công trình có kết cấu vững chắc mà chúng ta nhìn thấy hôm nay, ông David Morris cho biết thêm.
Khi hoàn thành công trình đập dâng, không chỉ đảm bảo tích nước hồ với dung tích đủ chứa 9,26 tỷ m3 nước phục vụ cho sáu tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình đập còn góp phần điều tiết nguồn nước sông Đà cùng với hồ thủy điện Hòa Bình phòng chống lũ cho cộng đồng ở phía hạ lưu.
Trong gian lắp máy, những người thợ áo xanh da trời mang dòng chữ Lilama của Tổng công ty lắp máy Việt Nam đang cần mẫn làm việc. Anh Nguyễn Duy Quang, 23 tuổi, kỹ sư lắp máy của Lilama 10, quê ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho hay tết này anh cùng nhiều công nhân lắp máy của Lilama xin ở lại công trường để tham gia lắp đặt các tổ máy tiếp theo.
Hiện tiến độ công việc đang dồn lên vai nhà thầu lắp máy. Lúc này tại công trường thủy điện Sơn La, hàng ngàn người thợ lắp máy đang lao động khẩn trương cho các tổ máy tiếp tục đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Quang Hà, Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La cho biết việc phát điện tổ máy số 1 sớm hơn hai năm mang một ý nghĩa kinh tế, chính trị hết sức quan trọng, góp phần giải quyết nhu cầu điện đang cấp thiết trên cả nước, nhà máy phát điện sớm hơn sẽ mang lại giá trị kinh tế to lớn cho toàn ngành và cho đất nước.
Nhà máy Thủy điện Sơn La được đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, cách trung tâm hành chính tỉnh Sơn La, thành phố Sơn La, 40km, là bậc thang thủy điện thứ hai trên hệ thống sông Đà. Tổ máy số 1 chính thức phát điện trước hết sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong mùa khô này.
Chỉ hai năm nữa thôi, dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á sẽ hoàn thành với công suất (6 tổ máy) 2.400MW, càng thêm khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam về năng lực quản lý, thiết kế và xây lắp, nhất là đối với các công trình thủy điện lớn của đất nước./.
Điêu Chính Tới (TTXVN/Vietnam+)