Thủy hải sản nuôi biển: Cần cân đối giữa sinh kế và bảo vệ môi trường

Trước bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Năm 2023, sản lượng nuôi biển có thể đạt gần 800.000 tấn. (Ảnh: TTXVN)
Năm 2023, sản lượng nuôi biển có thể đạt gần 800.000 tấn. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam có trên 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, trong khi đó diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20%. Mặc dù còn rất nhiều dư địa để phát triển nhưng ngành nuôi biển cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững.

Đây là thông tin được đưa ra Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” do tại Cục Thủy sản; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Thú y; Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 245/11 tại Khánh Hoà.

Nghề nuôi biển quy mô còn nhỏ lẻ

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…

Theo báo cáo của Cục Thủy sản, năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.

Chia sẻ bức tranh toàn cảnh về diện tích và sản lượng nuôi biển năm 2022, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cho biết tổng số cơ sở nuôi biển thống kê chưa đầy đủ tính đến hết năm 2022 khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè.

Về phục vụ nuôi biển, có 764 cơ sở sản xuất thức ăn cho nuôi biển, trong đó có hơn 100 cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp, chiếm hơn 20%. Tổng sản lượng thức ăn hỗn hợp là khoảng 35.000 tấn trong khi thức ăn tươi sống khoảng 46.000 tấn. Ông Khôi đánh giá việc sử dụng thức ăn hỗn hợp còn khá ít.

Ông Khôi cũng chỉ ra một số tồn tại như văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, nhận thức của người sản xuất về thức ăn hỗn hợp/tươi sống, điều kiện sản xuất; chất lượng thức ăn còn hạn chế.

Thông tin thực tế từ địa phương, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết Khánh Hòa có chiều dài đường bờ biển 385 km với 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm eo vịnh kín gió cùng với các cảng nước sâu nên rất thuận lợi cho phát triển thủy sản trong đó có nuôi trồng thủy sản.

Nghề nuôi trồng thủy sản trong đó có nuôi biển đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực thủy sản của Việt Nam cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội tại Khánh Hòa. Diện tích nuôi biển của Việt Nam đạt 85.000ha với 8,9 triệu m3 lồng với tổng sản lượng gần nuôi 750 nghìn tấn/năm góp phần mang lại kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 11 tỷ USD.

Măc dù đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nhưng theo ông Nam, hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ; nuôi với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao.

“Công tác quản lý con giống chưa thực sự hiệu quả đặc biệt là đối với con giống tôm hùm và giống nuôi biển nhập khẩu dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc tôm hùm và sản phẩm nuôi biển đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay,” ông Nam nhận định.

Khó khăn trong phát triển nuôi biển công nghiệp

Hiện nay, phát triển ngành nuôi biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ. Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế.

9103ed7439169048c907.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (hệ thống lồng nuôi; thiết bị quan trắc và giám sát môi trường, dịch bệnh; công nghệ thu hoạch và vận chuyển; công nghệ chế biến và phát triển thị trường…) chưa phát triển đồng bộ. Nguồn lực (tài chính và nhân lực) còn hạn chế. Nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển còn yếu…

Ông Lê Bền, Phó Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho rằng ách tắc đối với nghề nuôi biển đang nằm ở vấn đề giao diện tích mặt nước, điểm xuất phát đầu tiên trong phát triển chuỗi. Mặc khác, với các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu các doanh nghiệp phải hoạt động một cách có trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường.

“Điều này đặt ra vấn đề cân đối giữa sinh kế và bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào các hộ nuôi nhỏ lẻ. Giải pháp đưa ra là phải xây dựng được các cụm công nghiệp nuôi trồng trên biển, tạo tiền đề cho nuôi biển xa bờ, giải quyết được vấn đề môi trường, đầu tư ban đầu cho các hộ nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, cần xử lý được vấn đề gốc rễ là giao diện tích mặt nước,” ông Lê Bền nhấn mạnh.

Trước bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt ra.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết Việt Nam có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nuôi biển: “Trong kế hoạch, từ nay đến 2030, chúng ta phấn đấu đạt sản lượng 1,45 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thách thức thì những tiềm năng, lợi thế đó sẽ không thể phát huy hết được.”

Về giải pháp tháo gỡ những khó khăn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng được quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh…; đầu tư phát triển công nghệ, năng lực chế biến để đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, đủ sức vươn ra tất cả các thị trường trên thế giới; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, nhất là với thị trường lớn, khó tính như Trung Quốc...

“Ngoài ra, chúng ta cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và nuôi biển như số hóa việc cấp mã số vùng nuôi, giải quyết thủ tục cấp phép, giám sát hoạt động…” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục