Thụy Sĩ hỗ trợ thành phố Cần Thơ phát triển du lịch bền vững

Dự án Phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, giai đoạn 2023-2027 mong muốn góp phần xây dựng ngành du lịch bền vững, toàn diện hơn ở Việt Nam.
Thụy Sĩ hỗ trợ thành phố Cần Thơ phát triển du lịch bền vững ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ngày 17/5, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cùng một số lãnh đạo sở, ngành đã làm việc với Đoàn công tác của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), do bà Katrin Ochsenbein, Phó ban Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam làm Trưởng đoàn.

Hai bên thảo luận triển khai thực hiện dự án Phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, giai đoạn 2023-2027.

Đại diện Đoàn công tác, bà Katrin Ochsenbein thông tin SECO hiện đang phụ trách Chương trình Hợp tác và Phát triển Kinh tế của Thụy Sĩ tại Việt Nam.

[Du lịch Cần Thơ trở mình mạnh mẽ, phấn đấu đón 5,2 triệu lượt khách]

Mục tiêu tổng thể của Chiến lược dành cho Việt Nam giai đoạn 2021-2024 là hỗ trợ Việt Nam đạt được tăng trưởng bền vững theo kinh tế thị trường.

Thụy Sĩ đã, đang hỗ trợ Cần Thơ trong các lĩnh vực quản lý tài chính công, phát triển đô thị bền vững và du lịch.

Dự án Phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ (ST4SD), giai đoạn 2023-2027 mong muốn góp phần xây dựng ngành du lịch bền vững, toàn diện hơn ở Việt Nam, thông qua thúc đẩy đối thoại công tư về chính sách du lịch, phát triển kỹ năng điều hành và kinh doanh du lịch bền vững.

Thụy Sĩ hỗ trợ thành phố Cần Thơ phát triển du lịch bền vững ảnh 2Bà Katrin Ochsenbein, Phó ban Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, phát biểu trong buổi làm việc. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Theo quy định đấu thầu của Thụy Sĩ, SECO đã lựa chọn thành công các cơ quan thực hiện và các đối tác phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam để triển khai dự án ST4SD tại Việt Nam gồm: Tổ chức Hợp tác liên minh Thụy Sĩ Helvetas (cơ quan thực hiện chính), Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED), Trường École hôtelière de Lausanne (EHL) chuyên đào tạo điều hành khách sạn và Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Lucerne (HSLU) chuyên về du lịch bền vững.

Đoàn công tác của SECO và dự án ST4SD tiến hành khảo sát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 16-19/5, như một phần của giai đoạn khởi động nhằm xác định các tỉnh, thành phố và đánh giá tiềm năng, khả năng, mức độ cam kết tham gia dự án thời gian tới để triển khai dự án này ở cấp địa phương.

Bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết ngành du lịch thành phố Cần Thơ đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển, đẩy mạnh du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cần Thơ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, định hướng phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh bền vững, đặc biệt là Thụy Sĩ với hai dự án tại Cù lao Tân Lộc và dự án Thư viện trên sông tại khu Chợ nổi Cái Răng.

Trên cơ sở đó, ngành du lịch mong muốn nhận được sự hỗ trợ để xây dựng được các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của Cần Thơ.

Thông tin về định hướng phát triển du lịch của thành phố Cần Thơ thời gian tới, ông Nguyễn Thực Hiện cho hay thành phố sẽ chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí du lịch bền vững; đồng thời kêu gọi các đơn vị đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là hệ thống cầu cảng..., để nhiều tàu du lịch quốc tế có thể ghé đến Cần Thơ trong hải trình xuyên quốc gia.

Bên cạnh đó, việc đưa các sản phẩm OCOP, các làng nghề vào chuỗi sản phẩm du lịch sẽ được thành phố chú trọng, hướng tới đa dạng trải nghiệm cho du khách, dựa trên thế mạnh đặc thù của địa phương.

Năm 2022, tổng lượt khách tham quan, du lịch của Cần Thơ đạt hơn 5,1 triệu lượt, tăng 142% so với cùng kỳ.

Các cơ sở lưu trú phục vụ hơn 2,5 triệu lượt lưu trú, tăng 179% so với cùng kỳ; trong đó khách lưu trú quốc tế đạt hơn 58.000 lượt, tăng 6 lần so với cùng kỳ.

Tổng doanh thu du lịch đạt 4.117 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục