Chỉ còn là hoài niệm

Thuyền độc mộc trên sông Pô Kô chỉ còn là hoài niệm

Thuyền độc mộc từng gắn với những chiến công oanh liệt trên dòng Pô Kô trong thời kỳ kháng chiến, nay chỉ còn là hoài niệm.
Với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, người J’rai ở tỉnh Gia Lai nói riêng, thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện truyền thống để đưa bà con qua sông lên nương làm rẫy, mà nó còn gắn với những chiến công oanh liệt trên dòng Pô Kô trong thời kỳ kháng chiến.

Nhưng nay, bến sông đã vắng bóng những con thuyền và trong mỗi người con J’rai nơi đây, thuyền độc mộc chỉ còn là hoài niệm. Những người biết đẽo thuyền đã dần mất đi theo thời gian, trong khi lớp con cháu lại không muốn gắn bó với nghề này. Thêm vào đó, những cây gỗ có đường kính đủ lớn trong rừng để có thể dùng đẽo một chiếc thuyền độc mộc cũng đã dần hết.

Làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai là địa danh lịch sử gắn liền với tên tuổi anh hùng A Sanh, người đã sử dụng thuyền độc mộc để chở hàng nghìn lượt đò đưa bộ đội qua sông Pô Kô trong các thời kỳ kháng chiến. Đó là niềm tự hào của không chỉ người J’rai mà của cả đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Tuy nhiên, trên quê hương anh hùng A Sanh bây giờ, những chiếc thuyền độc mộc đang có nguy cơ mai một. Làng Nú hiện giờ chỉ còn 3 già làng là già Pêng, già Duit và già HMơnh biết đẽo thuyền độc mộc. Và trong số họ, chỉ có già Pêng có thể tiếp tục với nghề truyền thống này, còn già Duit và già HMơnh đã cao tuổi, sức yếu, tay chân không còn đủ nhanh nhẹn để có thể tạo ra được những sản phẩm cho riêng mình.

Già Pêng, 76 tuổi, kể rằng từ khi còn rất nhỏ, ông đã được theo cha mẹ và những người trong làng vào rừng tìm gỗ để đẽo thuyền độc mộc. Đến năm 30 tuổi, ông đã tự mình đẽo được chiếc thuyền đầu tiên và cho đến nay ông đã cho ra đời khoảng 50 chiếc. Mỗi con thuyền đối với già Pêng là cả một công trình nhiều tâm huyết, gửi gắm bằng cả sức sống, tình yêu với đại ngàn bao la, với dòng sông Pô Kô hiền hòa.

Cũng theo lời già Pêng, để làm được một con thuyền độc mộc phải cần đến 5-6 thanh niên có sức khỏe để gùi gạo, muối vượt qua những con suối, những quả núi để đến được những cánh rừng nguyên sinh tìm đúng cây gỗ sao, loại gỗ vừa nhẹ, lại bền. Cây gỗ sao được chọn làm thuyền phải lớn hơn hai người ôm, thân thẳng không nhiều nhánh.

Khi đi kiếm gỗ trong rừng, ngoài việc chú ý xác định hướng đi, nghệ nhân còn phải lắng tai nghe tiếng hót của chim Pơ Lang. Nếu loài chim này hót phía trước nghĩa là chúng đang dẫn đường và đó là điềm lành mách bảo việc làm thuyền sẽ thuận lợi. Nếu loài chim này hót phía sau thì dù công việc có thuận lợi đến mấy cũng phải quay về vì thần rừng không đồng ý, nếu cố gắng sẽ rước tai họa vào thân, thuyền khó hoàn thành dễ bị vỡ hoặc bị thủng.

Khi đã chọn được cây gỗ ưng ý, nghệ nhân phải dùng rìu để hạ cây rồi chặt tỉa những cành, nhánh của cây cho thật gọn gàng, sau đó dùng những cành, nhánh ấy để nấu cơm cúng Yàng. Lễ vật cúng là một con gà và một ghè rượu. Cúng xong, việc đẽo thuyền mới được tiến hành. Nghệ nhân bắt đầu dùng cuốc chim để khoét lòng thuyền, rìu bào làm nhẵn mặt bên trong và bên ngoài chiếc thuyền.

Ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ, các nghệ nhân phải có con mắt tinh tường, đầu óc phán đoán tốt để đẽo hai mạn thuyền thật cân đối. Khi đã hạ thuyền xuống nước thì nghệ nhân không được phép sửa chữa bất cứ một chi tiết nào. Vì vậy để thử thuyền trước khi hạ thủy, nghệ nhân làm thuyền phải lật úp thuyền xuống và đặt quả trứng gà theo chiều đứng vào chính giữa lưng thuyền. Nếu quả trứng không đổ thì chiếc thuyền này khi xuống nước sẽ không bị nghiêng lệch và đảm bảo tốt mọi yêu cầu về chất lượng./.

Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục