Tiềm năng hợp tác địa phương giữa Việt Nam-Nhật Bản là rất lớn

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng trong buổi làm việc với UBND thành phố Hải Phòng đã đưa ra nhận định tiềm năng hợp tác địa phương Nhật Bản-Việt Nam là rất lớn.
Tiềm năng hợp tác địa phương giữa Việt Nam-Nhật Bản là rất lớn ảnh 1Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nhận bằng khen của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng vì những đóng góp cho công tác đối ngoại của thành phố. (Ảnh: Hữu Thắng/Vietnam+)

Sáng 22/4, trong buổi làm việc với đoàn cán bộ Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, do Phó Chủ tịch Đỗ Trung Thoại dẫn đầu, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng đã đưa ra nhận định tiềm năng hợp tác địa phương Nhật Bản-Việt Nam là rất lớn.

Theo Đại sứ, hợp tác cấp chính phủ trong thời gian qua trên nhiều lĩnh vực vẫn là dòng chủ lưu trong mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. Tuy nhiên, mối quan hệ cấp địa phương giữa các tỉnh thành của Việt Nam với các tỉnh thành của Nhật Bản đang ngày càng mật thiết và có chiều sâu hơn.

Điển hình cho mối quan hệ mang tính thực chất và hiệu quả có thể kể đến như mối quan hệ giữa thành phố Hải Phòng và thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka, trong lĩnh vực môi trường và xử lý nước sạch. Việc tiếp thu các công nghệ cao và kinh nghiệm trong quản lý môi trường đô thị của Nhật Bản đang là một hướng đi mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đánh giá cao những kết quả tích cực từ quan hệ hợp tác giữa thành phố Hải Phòng và thành phố Kitakyushu, coi đây là một điển hình thành công trong quan hệ cấp địa phương và là một mô hình tốt cần nhân rộng trong tương lai.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Đỗ Trung Thoại cũng thông báo tình hình hợp tác giữa Hải Phòng và Kitakyushu trong lĩnh vực môi trường. Cụ thể, thành phố Kitakyushu đã giúp Hải Phòng xây dựng “chiến lược tăng trưởng xanh, giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính” bao gồm các lĩnh vực như xử lý môi trường, cung cấp nước sạch và quy hoạch giao thông vận tải.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết thành phố đã áp dụng thí điểm dự án công nghệ cung cấp công nghệ lọc nước (UBCF) tại Nhà máy nước Vĩnh Bảo và An Dương cho kết quả tốt. Không chỉ hợp tác với Kitakyushu, thành phố Hải Phòng đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với tỉnh Niigata, một địa phương điển hình ở Nhật Bản về sản xuất lúa gạo, trong lĩnh vực cơ giới hóa canh tác nông nghiệp.

Trong chuyến thăm lần này, đoàn Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cũng tìm kiếm cơ hội hợp tác với tỉnh Fukuoka trong lĩnh vực thủy sản và giáo dục-đào tạo như Đại học hàng hải của Hải Phòng và đào tạo cấp phổ thông.

Coi hợp tác cấp địa phương là một hướng đi mới bên cạnh các quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai nước, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho rằng Việt Nam và Nhật Bản cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác nhiều chiều và đa lĩnh vực giữa các địa phương để mang lại lợi ích về nhiều mặt cho cả hai bên và góp phần nâng cao chất lượng sống và sinh hoạt của người dân các tỉnh thành ở Việt Nam.

Ghi nhận nỗ lực của Đại sứ trong vai trò cầu nối giữa các địa phương Nhật Bản với Việt Nam thời gian qua, Phó Chủ tịch Đỗ Trung Thoại đã thay mặt Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng trao tặng bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cho Đại sứ Đoàn Xuân Hưng vì những thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống công tác đối ngoại của thành phố Hải Phòng (25/3/1955-25/3/2015).

Đón nhận bằng khen của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ nỗ lực đóng góp cho mối quan hệ giữa các tỉnh thành Việt Nam với Nhật Bản không chỉ trên lĩnh vực môi trường mà cả nông nghiệp, giáo dục, khoa học công nghệ,… để mối quan hệ hai nước thực sự đi vào chiều sâu trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục