Tiềm năng hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Nga còn rất lớn

Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức Hội thảo bàn tròn “Hợp tác văn hóa Việt-Nga: Thực trạng và triển vọng” nhằm thúc đẩy hợp tác về văn hóa giữa hai nước.
Tiềm năng hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Nga còn rất lớn ảnh 1Đại sứ Ngô Đức Mạnh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Dương Trí/Vietnam+)

Nhằm tìm giải pháp đẩy mạnh hợp tác văn hóa, cũng như chuẩn bị tổ chức các sự kiện văn hóa quan trọng, ngày 20/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức Hội thảo bàn tròn “Hợp tác văn hóa Việt-Nga: Thực trạng và triển vọng.”

Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh, đại diện Bộ Ngoại giao Nga, Bộ văn hóa Nga và nhiều viện nghiên cứu về Việt Nam và ASEAN, cùng đông đảo nhà Việt Nam học, giáo viên và sinh viên khoa tiếng Việt của một số trường đại học của Nga và các cán bộ chủ chốt Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga.

[Việt Nam-Nga tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ, hành chính]

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh rằng Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ hữu nghị, truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện. Bên cạnh các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học-kỹ thuật, lĩnh vực văn hóa cũng được lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy phát triển.

Hiện hai nước đang tiến hành một loạt hoạt động hợp tác văn hóa như "Những ngày văn hóa Nga," "Tuần lễ phim Nga" tại Việt Nam và ngược lại; giáo dục thanh niên về truyền thống hữu nghị hai nước; trao đổi đoàn trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông...đặc biệt sắp tới hai bên sẽ ký Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2019-2020.

Đại sứ đề nghị các đại biểu tích cực trao đổi những biện pháp thiết thực nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động giao lưu văn hóa, giữa hai nước.

Các tham luận trình bày tại hội thảo đã nêu bật những mặt làm được trong hợp tác văn hóa hai nước Việt Nam-Liên bang Nga trong thời gian qua, đồng thời đề cập tới những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Các đại biểu nhất trí cho rằng văn hóa Nga đã đi sâu vào tiềm thức bao thế hệ người Việt Nam, tuy nhiên sau khi Liên Xô tan rã, mất một khoảng thời gian dài bị ngưng trệ. Mặc dù, gần đây tình hình đã được cải thiện, song kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Giáo sư Grigory Lokshin, nhà Việt Nam học thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga phát biểu: "Những vấn đề hôm nay chúng ta thảo luận có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì đã chín muồi từ lâu. Chúng khiến tôi, với tư cách là một người đã dành trọn cuộc đời để cải thiện mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam, cảm thấy rất lo lắng." Ông đề nghị các cơ quan, ban, ngành hai nước nỗ lực hơn nữa để nhân dân hai nước ngày càng xích lại gần nhau hơn.

Chia sẻ ý kiến này, bà Elena Zubtsova - nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga tại Hà Nội, nhấn mạnh: "Trong những năm vừa qua, đại đa số người Việt Nam không biết về nước Nga trong mỗi vấn đề, lĩnh vực khác nhau, còn ở Nga, người dân chỉ biết đến Việt Nam như là nơi có thể đi du lịch, nghỉ hè mà thôi, chứ không biết gì về văn hóa, tình hình chính trị, kinh tế của Việt Nam." Theo bà, cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực truyền thông để giúp người dân nắm rõ tình hình của mỗi nước.

Nhiều cuốn sách viết về Việt Nam và sách dịch từ các tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng của Việt Nam cũng được giới thiệu tại hội thảo. Điều đáng nói, phong trào học tiếng Việt ở Nga đang có chiều hướng tăng lên. Đây là tín hiệu tích cực trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam tại Nga.

Tiềm năng hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Nga còn rất lớn ảnh 2Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Dương Trí/Vietnam+)

Cô Elena Chimenheva, giáo viên dạy tiếng Việt cho cán bộ ngoại giao Nga chia sẻ: "Bây giờ ở Nga có rất nhiều người muốn học tiếng Việt, muốn biết nhiều về Việt Nam. Mặc dù tiếng Việt đối với người Nga hết sức phức tạp, nhưng cán bộ giảng dạy đang rất cố gắng truyền đạt những hiểu biết tiếng Việt, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam cho người học. Đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là làm sao ở nước Nga có nhiều sách giáo khoa tiếng Việt cho người nước ngoài, để sinh viên học tiếng Việt có cơ hội sang Việt Nam thực tập, đọc nhiều tác phẩm văn hóa Việt Nam, tham quan triển lãm, hội họa..."

Kết luận hội thảo, Đại sứ Ngô Đức Mạnh đánh giá cao cả ý kiến của các đại biểu, đồng thời bày tỏ hy vọng những kinh nghiệm, sự hiểu biết và sáng kiến được trình bày hôm nay sẽ góp phần phát triển hơn nữa hợp tác văn hóa giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục