Tiền Giang: Lấy công nghiệp chế biến làm trụ đỡ cho nông nghiệp

Tỉnh Tiền Giang hình thành 4 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu lợi thế của địa phương như lương thực, thủy hải sản, rau quả.
Tiền Giang: Lấy công nghiệp chế biến làm trụ đỡ cho nông nghiệp ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Tiền Giang chú trọng phát triển ngành công nghiệp chế biến nhằm phát huy vai trò trụ đỡ vững chắc cho nông nghiệp-nông thôn, đảm bảo nền nông nghiệp tăng trưởng bền vững, hiệu quả.

Tỉnh hình thành 4 khu công nghiệp; trong đó, có 3 khu công nghiệp lấp đầy trên 92% tổng diện tích; 5 cụm công nghiệp đang hoạt động; trong đó, có 4 cụm công nghiệp lấp đầy gần 100% diện tích; đồng thời, tăng cường mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản lợi thế địa phương: lương thực-thực phẩm xuất khẩu, thủy hải sản, rau quả, thức ăn chăn nuôi…

Phát triển công nghiệp chế biến

Hàng năm, Tiền Giang đạt sản lượng lúa trên 800.000 tấn, trên 1,53 triệu tấn trái cây các loại, trên 1 triệu tấn rau màu, trên 213.000 tấn tôm cá các loại.

Ngoài ra, còn có tổng đàn gia cầm trên 17,66 triệu con, đàn lợn trên 248.000 con, đàn bò trên 121.000 con…Đây là nguồn nông sản hàng hóa dồi dào phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Toàn tỉnh hiện có trên 500 doanh nghiệp chuyên doanh xay xát, chế biến lúa gạo tiêu dủng và xuất khẩu, tập trung tại các huyện, thị vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, thị xã Cai Lậy.

Khu vực Bà Đắc-An Cư, huyện Cái Bè tập trung hàng trăm cơ sở chế biến lúa gạo xuất khẩu với sản lượng mỗi năm lên đến hàng triệu tấn gạo, được mệnh danh là “Cảng gạo Đồng Tháp Mười.”

[Tiền Giang: Giải quyết đầu ra cho vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản]

Hầu hết doanh nghiệp đều đầu tư dây chuyền tự động hóa từ phơi sấy, phân loại, đánh bóng, tách màu, chọn hạt đến đóng gói sản phẩm, giúp nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa đưa ra thị trường.

Với sản lượng lúa thu mua khoảng 2,6 triệu tấn/ năm và chế biến gạo thành phẩm khoảng 1,3 triệu tấn/ năm, Tiền Giang là một trong những trung tâm tiêu thụ lúa hàng hóa và cung ứng gạo lớn cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh thu hút trên 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu có tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng với tổng công suất chế biến 165.000 tấn sản phẩm/ năm. Lĩnh vực chế biến trái cây đang hấp dẫn các nhà đầu tư với 14 doanh nghiệp chế biến trái cây đang hoạt động với công suất nhà máy chế biến vào khoảng 47.000 tấn/năm.

Các doanh nghiệp chú trọng hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm. Không chỉ sơ chế, xuất khẩu trái cây tươi, các doanh nghiệp còn xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến thêm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao như Puree từ trái cây, trà mãng cầu, nước ép bưởi, sản phẩm từ đông trùng hạ thảo.

Ngoài ra, còn có 10 doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đều là những thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước và xuất khẩu, được trang bị dây chuyển sản xuất hiện đại bảo đảm sản lượng và chất lượng thức ăn phục vụ ngành chăn nuôi trong ngoài tỉnh.

Ứng dụng công nghệ gắn kết với công nghiệp chế biến

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, giai đoạn 2003-2020, địa phương triển khai 22 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ trên các lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật bảo quản và chế biến sản phẩm.

Tiền Giang: Lấy công nghiệp chế biến làm trụ đỡ cho nông nghiệp ảnh 2Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Trên lĩnh vực trồng trọt tập trung nghiên cứu, ứng dụng các quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, tuyển chọn, phục tráng các giống cây trồng có chất lượng cao song song với quy hoạch cải tạo vườn trồng cây ăn quả đặc sản, hình thành những vùng chuyên canh qui mô lớn như: dứa, sầu riêng, bưởi da xanh, thanh long xuất khẩu.

Cùng với đó, Tiền Giang quan tâm nhân giống các cây đầu dòng cung cấp cho nhu cầu sản xuất của nông dân, nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm trừ sâu sinh học, các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp vừa chủ động phòng ngừa sâu bệnh gây hại, hạn chế ô nhiễm môi trường vừa tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản chủ lực.

Tỉnh cũng triển khai song song 2 dự án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030” và dự án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020- 2025 và định hướng đến năm 2030” nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hai loại trái cây chủ lực có giá trị xuất khẩu, thông qua tổ chức lại sản xuất, gắn kết với chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao thay vì chủ yếu xuất khẩu tươi sống như hiện nay.

Ngoài ra, tỉnh chọn tạo giống các vật nuôi thế mạnh như gà ta, gà ri, dê, cút, tôm, cua, sò huyết… gắn với đổi mới quy trình canh tác, ứng dụng khoa học cao; đồng thời, nghiên cứu bảo quản và chế biến nông sản, đa dạng hóa sản phẩm từ nguồn nguyên liệu dứa, xoài, mít, sả…sẵn có tại địa phương nhằm tăng giá trị gia tăng vừa đa dạng hóa sản phẩm.

Bên cạnh đó, địa phương còn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chế biến áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, có giải pháp tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong ngoài nước…

Việc gắn kết nền nông nghiệp hàng hóa với phát triển công nghiệp chế biến giúp địa phương tháo điểm nghẽn về đầu ra nông sản hàng hóa khi thị trường có biến động, nâng cao giá trị gia tăng nông sản chủ lực, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, đảm bảo an sinh xã hội và đổi mới nông nghiệp-nông thôn.

Từ khi trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, trong nửa đầu năm 2022, Ngành Nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,84%, cao nhất trong 5 năm qua.

Nông sản hàng hóa thông qua chế biến hoặc xuất tươi đều được tiêu thụ hết, không có tình trạng “tắc nghẽn” khâu lưu thông, nông dân phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, ổn định cuộc sống.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang Võ Văn Bình, tuy vậy, địa phương vẫn đối mặt không ít khó khăn, thách thức trong vấn đề phát triển công nghiệp chế biến làm hậu cần, thúc đẩy nông nghiệp địa phương phát huy các lợi thế và nguồn lực thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Rõ nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai thường xuyên xảy ra tác động đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa; nông dân đa phần còn giữ những tập quán cũ trong sản xuất đã lỗi thời, không còn phù hợp với nhu cầu thị trường về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa tốt không đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản.

Mặt khác, nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của sự phát triển, nhất là vẫn còn thiếu các công trình có quy mô lớn, công trình giao thông – thủy lợi trọng yếu kết nối vùng, liên vùng. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư vẫn còn hạn chế, chưa có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tàu về chế biến và xuất khẩu nông sản đầu tư vào địa phương.

Ông Võ Văn Bình cho biết xác định phát triển công nghiệp chế biến đồng hành với phát triển nông nghiệp, khai thác các thế mạnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và của tỉnh là hướng phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới thành công.

Từ đó, để tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến trong giai đoạn mới, tỉnh khẩn trương hoàn thành và tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp Luật Quy hoạch nhằm tìm ra ý tưởng mới, phương pháp mới khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế địa phương, thúc đẩy lộ trình tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến.

Đồng thời, tỉnh tập trung nghiên cứu, chuyển giao các đề tài khoa học công nghệ ứng dụng đến người dân và doanh nghiệp, nhất là những lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học,…nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ từ nguồn vốn Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ của tỉnh, Quỹ Khuyến công quốc gia, Quỹ Khuyến công tỉnh,...gắn với đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng giá trị gia tăng nông sản hàng hóa…

Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển thị trường theo hướng gắn với thị trường vùng Kinh tế trọng điểm phía nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0…

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng thêm ngành nông-lâm-ngư nghiệp 3,5%/năm, ngành công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng 11,2-11,5%/ năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục