Tiền Giang: Giải quyết đầu ra cho vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản

Huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã cấp 84 mã số vùng trồng, trong đó 69 mã vùng trồng để xuất khẩu trái cây đặc sản sang Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia, Newzeland, 15 mã vùng trồng xuất sang Trung Quốc.
Tiền Giang: Giải quyết đầu ra cho vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản ảnh 1Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Nằm ở phía Đông tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo là một trong những địa bàn trọng điểm về trồng cây ăn quả đặc sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, đặc biệt đây cũng là địa phương sở hữu thương hiệu “thanh long Chợ Gạo” nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang.

Theo lãnh đạo địa phương, huyện mở rộng diện tích vườn trồng cây ăn quả lên gần 9.400ha, đạt gần 95% chỉ tiêu cả năm; trong đó có gần 7.000ha thanh long, còn lại là các cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, cây có múi, mãng cầu... Ngoài ra, địa phương còn có 7.260ha dừa, tăng 410ha so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê của huyện cho thấy hiện có khoảng 7.500ha vườn cây ăn quả, trên 6.000ha dừa chuyên canh đang cho trái. Sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay được trên 127.000 tấn trái cây các loại, đạt gần 53% chỉ tiêu cả năm và trên 60.000 tấn dừa quả, đạt trên 93% chỉ tiêu cả năm.

Chợ Gạo đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng sức cạnh tranh của nông sản chủ lực, kết nối thị trường, giải quyết đầu ra cho các loại trái cây đặc sản nói chung, đặc biệt là trái thanh long, trái dừa thế mạnh địa phương trong nỗ lực phát huy tiềm năng và thế mạnh kinh tế vườn.

Đồng thời, huyện Chợ Gạo quan tâm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng các vùng chuyên canh và chuỗi ngành hàng đạt chuẩn về chất lượng, xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa chủ lực của huyện đạt OCOP…

[Giá thanh long ở Tiền Giang đang có xu hướng tăng trở lại]

Mặt khác, Chợ Gạo chú trọng lồng ghép với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên nhiều mặt như: chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp thông qua các dự án liên kết nhằm hình thành chuỗi khép kín từ đầu vào sản xuất đến đầu ra sản phẩm trên các nông sản chủ lực của mình như thanh long, dừa, bưởi, cút, gà ri, lợn....

Đặc biệt, huyện khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP đồng thời với nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả cao trong nông dân, tạo sự lan tỏa rộng khắp.

Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại cho nông sản địa phương hoặc đưa lên trang web ở địa chỉ: nongsanchogao.com cũng như hỗ trợ các cơ sở xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các cơ sở hoặc doanh nghiệp thu mua nông sản xuất khẩu trên địa bàn…

Nhờ vậy, Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An nhiều năm nay đã ký được hợp đồng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và một số nước châu Âu với sản lượng từ 1.000-1.500 tấn thanh long đạt chuẩn GlobalGAP mỗi năm.

Đây là hợp tác xã đi đầu trên lĩnh vực chuyển giao kỹ thuật canh tác thanh long đặc sản theo hướng GAP cũng như liên kết chuỗi giá trị để giải quyết đầu ra nông sản hàng hóa.

Bí thư Huyện ủy Chợ Gạo Ngô Hữu Thệ cho biết để tạo đột phá, khai thông dòng chảy nông sản chủ lực của địa phương đến với thị trường trong nước và xuất khẩu, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chợ Gạo khóa XII đã ban hành đồng thời hai Nghị quyết liên quan đến giải quyết đầu ra cho trái cây đặc sản.

Đó là Nghị quyết số 10-NQ/HU về lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh dừa đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 11-NQ/HU về lãnh đạo phát triển kinh tế tập thể, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025.

Đây là hai nghị quyết mang tính đột phá trong định hướng sản xuất nông nghiệp của huyện với điểm nhấn trọng tâm phát huy lợi thế về đất đai, trình độ và kinh nghiệm sản xuất của nông dân trong giai đoạn mới nhằm định hình nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả, hội nhập mạnh mẽ.

Cũng theo lãnh đạo huyện Chợ Gạo, từ đầu năm đến nay, địa phương đã mở được 24 lớp tập huấn sản xuất theo tiêu chí VietGAP cho nông dân. Dự kiến, năm 2022, Chợ Gạo mở 80 lớp tập huấn nông dân sản xuất theo tiêu chí VietGAP.

Đồng thời, toàn huyện cũng đã có 2.000ha thanh long đạt tiêu chí VietGAP, 200 ha thanh long đạt tiêu chí GlobalGAP. Từ nay đến cuối năm, dự kiến địa phương có thêm 120 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chí GlobalGAP.

Bên cạnh đó, Chợ Gạo cũng xây dựng được mạng lưới 140 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ nông sản và 25 hợp tác xã nông nghiệp sẵn sàng kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua các kênh phân phối trong ngoài tỉnh khi trở lại trạng thái bình thường mới khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.

Để tạo thuận lợi cho các cơ sở thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản chủ lực, huyện Chợ Gạo đã cấp 84 mã số vùng trồng; trong đó có 69 mã vùng trồng xuất sang Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia, Newzeland, 15 mã vùng trồng xuất sang Trung Quốc và 31 mã đóng gói cho các cơ sở thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu trái cây trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục