Tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank đứng đầu toàn ngành

Lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt mức kỷ lục 8.900 tỷ đồng, hoàn thành 75% mục tiêu của năm và ghi nhận tăng trưởng doanh thu 16 quý liên tiếp.
Tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank đứng đầu toàn ngành ảnh 1Giao dịch tại Techcombank. (Nguồn: Techcombank)

Tại cuộc gặp mặt chuyên gia phân tích chiều nay (28/10), lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết mặc dù tổng tài sản của ngân hàng này đứng thứ 6 trên thị trường nhưng chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), ROA (tỷ số lợi nhuận trên tài sản) lại đang đứng đầu thị trường.

Bà Trần Thị Minh Lan Giám đốc Khối Chiến lược và Phát triển Techcombank cho biết thêm, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng đã dẫn đầu thị trường với mức tăng 13% so với đầu năm, cao hơn đáng kể mức tăng trưởng huy động 8,6% giúp tỷ lệ CASA trên tổng huy động của Techcombank đạt mức 30%. 

Với tỷ lệ này, CASA của Techcombank đã vượt Vietcombank và MBBank (tương đương mức 27,1% và 27,8%).

“Đây là niềm mơ ước từ lâu của Techcombank, bởi đằng sau CASA không chỉ là nguồn vốn rẻ mà còn là niềm tin của khách hàng,” bà Lan chia sẻ.

[Techcombank được trao quyết định áp dụng chuẩn mực Basel II ]

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank cũng cho biết, tính đến hết quý 3 lợi nhuận trước thuế đạt mức kỷ lục 8.900 tỷ đồng, hoàn thành 75% mục tiêu của năm và ghi nhận tăng trưởng doanh thu 16 quý liên tiếp.

Đặc biệt, huy động vốn của ngân hàng đạt 218.700 tỷ đồng, giúp Techcombank duy trì thanh khoản dồi dào và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi đạt 70,9%, thấp hơn nhiều so với giới hạn 80% của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 36,1%,tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức 1,8% nhờ chiến lược quản trị rủi ro thận trọng.

Thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 10.100 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và giảm chi phí cho vay từ đầu năm.

Cũng theo lãnh đạo Techcombank, dư nợ tín dụng tăng 12,5%, vượt xa mức trung bình của toàn ngành và dự kiến năm nay dư nợ tín dụng của ngân hàng sẽ đạt 17%.

Ngoài ra, chi phí dự phòng giảm 66% khi Techcombank tiếp tục hưởng lợi từ chất lượng tài sản lành mạnh; tỷ lệ chi phí trên thu nhập ổn định ở mức 34,5%, giữ vững theo mục tiêu ban đầu của ngân hàng; tổng tài sản tăng 15% so với cuối năm 2018, đạt mức 367.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng trưởng cho vay đạt 28,4%; tỷ lệ an toàn vốn cuối kỳ theo Basel II đạt 16,5%, cao hơn gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của trụ cột 1 Basel 2.

NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) của Techcombank trong năm 2019 đạt 3,8% và là mức cao trên thị trường hiện nay. Lãnh đạo Techcombank lý giải, mức NIM tăng cao là do ngân hàng này vẫn để lãi suất huy động ở mức thấp và có lượng nguồn tiền tiền gửi không kỳ hạn dồi dào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục