Chiều 17/3, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Lễ tiếp nhận trang thiết bị phần cứng Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Dự buổi Lễ có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, lãnh đạo một số bộ, ngành, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA tại Việt Nam (JICA) và các cơ quan liên quan của Nhật Bản.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết ngày 9/1/2020, Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã ký Công hàm trao đổi giữa hai Chính phủ về phi dự án “Cung cấp thiết bị phần cứng của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ." Đây là văn kiện hợp tác quan trọng thể hiện sự nỗ lực, cam kết mạnh mẽ và mong muốn hợp tác, hỗ trợ của hai bên trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Triển khai văn kiện đã ký kết, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thực hiện các quy trình, thủ tục để có thể tiếp nhận trang thiết bị phần cứng của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ từ phía Nhật Bản.
Theo kế hoạch ban đầu, toàn bộ thiết bị phần cứng được chuyển cho Chính phủ Việt Nam vào tháng 6/2021, như vậy, so với dự kiến đã thực hiện nhanh hơn 3 tháng.
Đây là trung tâm báo cáo Chính phủ duy nhất của Việt Nam, đã kết nối với 15 bộ và 54 địa phương, tương tác điều hành trực tuyến thông qua hệ thống mạng dữ liệu của Bộ Quốc phòng, mạng chuyên dùng, internet với gần 58 điểm cầu tại các bộ, ngành, địa phương; kết nối hàng trăm camera giám sát tại các trung tâm hành chính công, trung tâm điều hành, khu vực biên giới, cửa khẩu và các hồ đập thủy điện...
[Infographics] Những dấu ấn đặc biệt trong xây dựng Chính phủ điện tử
Trung tâm đã cung cấp dữ liệu của 110/200 chỉ tiêu kinh tế-xã hội phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ; cung cấp điểm tin hàng ngày phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với 63 địa phương cung cấp dữ liệu trực tuyến cho 8 chỉ tiêu kinh tế-xã hội hằng tháng.
Kết quả này là có sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, JICA Việt Nam, các bộ, cơ quan phía Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Ngân hàng Vietcombank.
Toàn bộ Trung tâm báo cáo do Văn phòng Chính phủ quản lý, hạ tầng kỹ thuật và máy chủ được giao cho VNPT, Văn phòng Chính phủ không phát sinh thêm bộ máy và con người.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nêu lên 4 hệ thống, nền tảng Chính phủ điện tử quan trọng mà Văn phòng Chính phủ đã vận hành, giúp chuyển đổi phương thức làm việc trên giấy sang môi trường điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, gồm: trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống e-Cabinet, Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng khẳng định trang thiết bị kỹ thuật hiện đại do phía Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ sẽ góp phần hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu đơn giản hóa chế độ báo cáo, xây dựng bộ chỉ số phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nâng cao hiệu quả việc ra quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dựa trên dữ liệu trực tuyến, dữ liệu mở, khoa học dữ liệu, ứng dụng công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên để hiện thực hóa cam kết tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.
Bộ trưởng tin tưởng rằng với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của phía bạn, Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, từ đó, góp phần hiện thực hóa phương châm 12 chữ vàng của Chính phủ Việt Nam: “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá," góp phần vào sự phát triển của đất nước và mối quan hệ tốt đẹp của hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio bày tỏ tự hào và vinh dự khi Chính phủ Nhật Bản được cung cấp gói thiết bị phần cứng được sản xuất tại đất nước này với có độ tin cậy cao để sử dụng cho Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thể hiện niềm tin của Chính phủ Việt Nam đối với Nhật Bản. Theo Đại sứ, công tác xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử là nhiệm vụ rất quan trọng, đã được lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành đồng tâm, nỗ lực thực hiện.
Việc ứng dụng Chính phủ điện tử tại Văn phòng Chính phủ là một trong những nỗ lực cải cách mà Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm phục vụ công tác xem xét và quyết định thực hiện chính sách một cách nhanh chóng hơn.
Thấu hiểu những mong muốn mạnh mẽ này của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản đã và đang hỗ trợ hết sức trong khả năng có thể.
Điểm lại quá trình hợp tác giữa hai bên trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, Đại sứ Yamada Takio cho biết Nhật Bản mong muốn hợp tác trong lĩnh vực số, trong đó, Chính phủ điện tử là lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa hai nước. Các thiết bị phần cứng được trao tặng là thành quả của quá trình thực hiện nhờ vào sự chỉ đạo mạnh mẽ của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Dự án này là biểu trưng của hợp tác số trong mối quan hệ hữu nghị Nhật-Việt.
“Việt Nam thành công trong khống chế dịch COVID-19, thu hút được nhiều sự quan tâm trên thế giới khi các doanh nghiệp xem xét, sắp xếp lại chuỗi cung ứng. Trong giai đoạn hậu COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang lựa chọn Việt Nam là điểm đầu tư mới. Điều này giúp mở rộng khả năng hợp tác của hai nước trong lĩnh vực số," Đại sứ Yamada Takio nhấn mạnh.
Ông bày tỏ tin tưởng với thế mạnh của mỗi bên, doanh nghiệp Nhật Bản sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và doanh nghiệp Việt Nam có nguồn nhân lực ưu tú, sẽ hợp tác tốt trong lĩnh vực số trong tương lai./.