Sáng 18/9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ tổng kết bước 1 việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường.
Báo cáo của Chính phủ cho rằng việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa qua đã đạt được mục tiêu đề ra; tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, điều hành của Ủy ban Nhân dân đồng thời phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính.
Chính phủ đề xuất Quốc hội hai phương án, trên cơ sở kết quả bước 1 đạt được, đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 để thực hiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5/2011.
Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội phương án mở rộng thêm phạm vi thí điểm tại 20 tỉnh, thành phố bảo đảm đại diện cho các vùng, miền của cả nước.
Ủy ban Pháp luật - cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao thẩm tra báo cáo của Chính phủ cho rằng thời gian thí điểm vừa qua (từ 4/2009 đến 9/2010) là quá ngắn nên việc đánh giá kết quả thí điểm chưa toàn diện, khách quan, chưa lường hết được những vấn đề phức tạp, vướng mắc có thể phát sinh.
Theo Ủy ban Pháp luật, chỉ có thể khẳng định tại các địa phương thí điểm, bộ máy chính quyền cơ sở cơ bản vẫn vận hành tốt, góp phần bảo đảm hoạt động của bộ máy Nhà nước được thông suốt và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương.
Việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, ủy viên Ủy ban Nhân dân huyện, quận, phường, người đứng đầu được chọn cho cấp phó... đã tạo điều kiện cho sự điều hành tập trung của cơ quan hành chính cấp trên với cấp dưới và thuận lợi hơn cho việc điều động, luân chuyển cán bộ.
Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ những vướng mắc trong việc tổ chức thí điểm bỏ Hội đồng Nhân dân ở huyện, quận, phường thời gian qua như việc lúng túng trong tìm kiếm phương thức bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân để thay thế cho vai trò của Hội đồng Nhân dân trước đây. Bên cạnh đó, vẫn chưa có cơ chế giám sát, kiểm tra hữu hiệu để thay thế chức năng giám sát của Hội đồng Nhân dân đối với hoạt động của Ủy ban Nhân dân và các cơ quan tư pháp, nhất là giám sát việc chi tiêu ngân sách Nhà nước ở địa phương.
Bên cạnh đó, việc giao cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh giám sát đối với hoạt động của Ủy ban Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện, quận ở những địa phương thực hiện thí điểm đã nảy sinh những bất hợp lý và chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.
Cơ quan thẩm tra cũng muốn làm rõ bản chất của vấn đề vì sao Hội đồng Nhân dân hoạt động hình thức và tìm ra sự khác biệt của chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn thông qua hoạt động thí điểm này.
Trên tinh thần đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần tiếp tục thực hiện thí điểm tuy nhiên, chỉ nên tiến hành tại 10 tỉnh, thành phố, không cần mở rộng như đề xuất của Chính phủ.
Đa số các ý kiến thảo luận tại phiên họp đều tán thành với ý kiến đánh giá của Ủy ban Pháp luật, cho rằng cần tiếp tục tổ chức thí điểm thêm một thời gian nữa để tổng kết vai trò và tổ chức của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và các cơ quan, tổ chức khác ở huyện, quận, phường để cải tiến, sắp xếp, tổ chức lại cơ quan chính quyền địa phương các cấp hành chính.
Các ý kiến cũng cho rằng chỉ nên tiếp tục thí điểm trong phạm vi 10 tỉnh thành như trước đây, không cần thiết phải mở rộng thêm 20 tỉnh, thành phố như đề xuất của Chính phủ.
Có ý kiến đề xuất cần lấy ý kiến tham khảo của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học về vấn đề này để có cái nhìn tổng quát và đầy đủ hơn.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước cho rằng chưa nên bỏ Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường, phải tiếp tục duy trì những nơi đã tổ chức thí điểm.
Đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền đề nghị khi phân tích, đánh giá kết quả thí điểm cần phân tích rõ ưu điểm, nhược điểm của từng cấp huyện, quận, phường.
Một số ý kiến cho rằng báo cáo của Chính phủ cần làm rõ và đề xuất mô hình ưu việt nhất trong quản lý đô thị vì đây là một trong những mục tiêu quan trọng để đảm bảo bộ máy quản lý Nhà nước phù hợp và thông suốt tại cả các vùng đô thị và nông thôn trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Lê Thị Thu Ba cũng cho rằng thời gian hơn 1 năm vừa qua là chưa đủ để đánh giá một cách chính xác toàn diện việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, huyện, phường./.
Báo cáo của Chính phủ cho rằng việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa qua đã đạt được mục tiêu đề ra; tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, điều hành của Ủy ban Nhân dân đồng thời phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính.
Chính phủ đề xuất Quốc hội hai phương án, trên cơ sở kết quả bước 1 đạt được, đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 để thực hiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5/2011.
Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội phương án mở rộng thêm phạm vi thí điểm tại 20 tỉnh, thành phố bảo đảm đại diện cho các vùng, miền của cả nước.
Ủy ban Pháp luật - cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao thẩm tra báo cáo của Chính phủ cho rằng thời gian thí điểm vừa qua (từ 4/2009 đến 9/2010) là quá ngắn nên việc đánh giá kết quả thí điểm chưa toàn diện, khách quan, chưa lường hết được những vấn đề phức tạp, vướng mắc có thể phát sinh.
Theo Ủy ban Pháp luật, chỉ có thể khẳng định tại các địa phương thí điểm, bộ máy chính quyền cơ sở cơ bản vẫn vận hành tốt, góp phần bảo đảm hoạt động của bộ máy Nhà nước được thông suốt và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương.
Việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, ủy viên Ủy ban Nhân dân huyện, quận, phường, người đứng đầu được chọn cho cấp phó... đã tạo điều kiện cho sự điều hành tập trung của cơ quan hành chính cấp trên với cấp dưới và thuận lợi hơn cho việc điều động, luân chuyển cán bộ.
Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ những vướng mắc trong việc tổ chức thí điểm bỏ Hội đồng Nhân dân ở huyện, quận, phường thời gian qua như việc lúng túng trong tìm kiếm phương thức bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân để thay thế cho vai trò của Hội đồng Nhân dân trước đây. Bên cạnh đó, vẫn chưa có cơ chế giám sát, kiểm tra hữu hiệu để thay thế chức năng giám sát của Hội đồng Nhân dân đối với hoạt động của Ủy ban Nhân dân và các cơ quan tư pháp, nhất là giám sát việc chi tiêu ngân sách Nhà nước ở địa phương.
Bên cạnh đó, việc giao cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh giám sát đối với hoạt động của Ủy ban Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện, quận ở những địa phương thực hiện thí điểm đã nảy sinh những bất hợp lý và chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.
Cơ quan thẩm tra cũng muốn làm rõ bản chất của vấn đề vì sao Hội đồng Nhân dân hoạt động hình thức và tìm ra sự khác biệt của chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn thông qua hoạt động thí điểm này.
Trên tinh thần đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần tiếp tục thực hiện thí điểm tuy nhiên, chỉ nên tiến hành tại 10 tỉnh, thành phố, không cần mở rộng như đề xuất của Chính phủ.
Đa số các ý kiến thảo luận tại phiên họp đều tán thành với ý kiến đánh giá của Ủy ban Pháp luật, cho rằng cần tiếp tục tổ chức thí điểm thêm một thời gian nữa để tổng kết vai trò và tổ chức của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và các cơ quan, tổ chức khác ở huyện, quận, phường để cải tiến, sắp xếp, tổ chức lại cơ quan chính quyền địa phương các cấp hành chính.
Các ý kiến cũng cho rằng chỉ nên tiếp tục thí điểm trong phạm vi 10 tỉnh thành như trước đây, không cần thiết phải mở rộng thêm 20 tỉnh, thành phố như đề xuất của Chính phủ.
Có ý kiến đề xuất cần lấy ý kiến tham khảo của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học về vấn đề này để có cái nhìn tổng quát và đầy đủ hơn.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước cho rằng chưa nên bỏ Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường, phải tiếp tục duy trì những nơi đã tổ chức thí điểm.
Đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền đề nghị khi phân tích, đánh giá kết quả thí điểm cần phân tích rõ ưu điểm, nhược điểm của từng cấp huyện, quận, phường.
Một số ý kiến cho rằng báo cáo của Chính phủ cần làm rõ và đề xuất mô hình ưu việt nhất trong quản lý đô thị vì đây là một trong những mục tiêu quan trọng để đảm bảo bộ máy quản lý Nhà nước phù hợp và thông suốt tại cả các vùng đô thị và nông thôn trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Lê Thị Thu Ba cũng cho rằng thời gian hơn 1 năm vừa qua là chưa đủ để đánh giá một cách chính xác toàn diện việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, huyện, phường./.
Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)