Tiêu điểm trong ngày: Hướng tới một ASEAN tự cường và sáng tạo

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Singapore đã khép lại với các nội dung cơ bản xác định trọng tâm ưu tiên hợp tác ASEAN 2018.
Tiêu điểm trong ngày: Hướng tới một ASEAN tự cường và sáng tạo ảnh 1Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng quốc phòng ASEAN. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) và Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM Retreat) tại Singapore đã khép lại với các nội dung cơ bản xác định trọng tâm ưu tiên hợp tác ASEAN 2018, định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực và trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Đây là các hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên của ASEAN do Singapore chủ trì trong năm 2018, năm thứ 3 triển khai Cộng đồng ASEAN.

Tại AMM Retreat, các bộ trưởng nhất trí cao với chủ đề ASEAN 2018 là xây dựng một “ASEAN tự cường và sáng tạo," nhấn mạnh cần nâng cao tính tự cường mọi mặt của khu vực, cả trong các nội dung chính trị - an ninh lẫn hợp tác kinh tế - thương mại nhằm nâng cao tình đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Các nước cho rằng cần tận dụng các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đề ra các giải pháp kịp thời, sáng tạo, vừa ứng phó hiệu quả với các thách thức, vừa nâng cao đoàn kết, tự cường ASEAN. Theo đó, các bộ trưởng kiến nghị lãnh đạo cấp cao thông qua Tuyên bố Tầm nhìn các lãnh đạo ASEAN về một ASEAN tự cường và sáng tạo do nước Chủ tịch ASEAN Singapore soạn thảo, và Tuyên bố các lãnh đạo về hợp tác an ninh mạng.

[Việt Nam tự tin cùng ASEAN hướng tới phát triển thịnh vượng, bao trùm]

Trong văn kiện trên, Singapore đã đưa ra 10 nguyên tắc cơ bản bao gồm nguyên tắc "thống nhất và tập trung," "chỉ đạo dựa trên các quy định" và "nắm bắt công nghệ," cùng 30 lĩnh vực ưu tiên đòi hỏi lãnh đạo các nước ASEAN đưa ra cam kết cụ thể. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm việc thúc đẩy một hiệp ước dẫn độ giữa các nước ASEAN nhằm chống tội phạm xuyên quốc gia, thuyết phục Trung Quốc ký Bộ Quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), thiết lập một mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN hay đưa ra các sáng kiến chống khủng bố và cực đoan hóa.

Văn kiện do Singapore soạn thảo cũng đề cập đến một loạt những thách thức mà các nước ASEAN đang phải đối mặt, như sự không rõ ràng ngày càng tăng trong bức tranh chiến lược toàn cầu, bạo lực bắt nguồn từ chủ nghĩa cực đoan, biến đổi khí hậu và các vấn đề hàng hải. Tất cả những vấn đề được Singapore đề cập trong văn kiện dài 7 trang nhằm mục đích tạo dựng một ASEAN có sức mạnh để "đối chọi với những thách thức trên tinh thần hợp tác, thống nhất và đạt hiệu quả cao."

Trong khi đó, ADMM Retreat tập trung thảo luận các mối đe dọa khủng bố trong khu vực và Singapore. Với vai trò là quốc gia đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN 2018, Singapore thúc đẩy tăng cường hợp tác chống khủng bố giữa các thành viên thông qua các giải pháp mới và sáng tạo. Đặc biệt, Singapore sẽ tập trung vào ba mũi nhọn chính, bao gồm thúc đẩy hợp tác chống khủng bố khu vực; tăng khả năng chống các mối đe dọa về hóa học, sinh học...; xây dựng lòng tin trong lĩnh vực hàng không và hàng hải.

Theo giới phân tích, là Chủ tịch ASEAN, Singapore đang ở vào một vị trí đặc biệt để có thể đưa khu vực hướng tới sự hợp tác sâu rộng hơn. Tính đến nay, Singapore là quốc gia phát triển nhất ở Đông Nam Á với rất nhiều tiềm lực và ảnh hưởng. Là thành viên sáng lập ASEAN, Singapore đóng vai trò như một trụ cột duy trì ASEAN, góp phần không nhỏ vào những nỗ lực giúp khối đứng vững trong các giai đoạn khủng hoảng suốt 5 thập kỷ qua. Điều này có được một phần là nhờ những cam kết kiên định của giới lãnh đạo Singapore đối với sự thịnh vượng của ASEAN, cùng sự hỗ trợ của một nhóm các nhà ngoại giao tài năng từng nhiều lần chứng minh được khả năng xử lý rất hiệu quả các bất đồng trong khu vực.

Những nhân tố này đặt tân Chủ tịch ASEAN vào vị thế đặc biệt để định hướng khu vực theo hướng hợp tác sâu rộng hơn. Chủ đề  “ASEAN tự cường và sáng tạo"  mà Singapore lựa chọn cho năm Chủ tịch 2018 này đã khái quát hóa những ưu tiên của chính giới đảo quốc sư tử.

Trước đó, Thủ tướng Lý Hiển Long đã từng khẳng định những ưu tiên của quốc gia này khi Singapore đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN hồi tháng 11 năm ngoái, đó là thúc đẩy một trật tự dựa trên luật pháp tại châu Á và giải quyết hiệu quả hơn những thách thức an ninh, cả truyền thống và mới xuất hiện, trong khu vực. Singapore cũng sẽ tăng cường xúc tiến các cuộc đàm phán và các dự án hiện hành nhằm đẩy mạnh sự kết nối giữa các nền kinh tế, với mục tiêu thiết lập một thị trường ASEAN trong vòng 1 thập kỷ tới. Không chỉ vậy, nhà lãnh đạo này khẳng định trên cương vị mới, Singapore sẽ nỗ lực đẩy mạnh hơn hợp tác khu vực trong công tác chống khủng bố, nhất là trước mối đe dọa từ các nhóm thân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Các nỗ lực này có thể được hiện thực hóa bằng các biện pháp tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, tiến hành các cuộc tuần tra biên giới chung, phối hợp giám sát và ngăn chặn các giao dịch tài chính bất minh hay hoạt động của các phần tử khủng bố, tổ chức các hoạt động huấn luyện chống khủng bố và hỗ trợ trang thiết bị tân tiến cho các nước kém phát triển hơn trong khu vực.

ASEAN vận hành trên cơ chế đồng thuận, song quốc gia trên cương vị Chủ tịch luân phiên có “đặc quyền” trong việc định hướng mục tiêu và hướng đi của các cuộc thảo luận khu vực nhạy cảm. Với vị trí được luân phiên từ nước thành viên này sang nước thành viên khác mỗi năm, nước Chủ tịch ASEAN có quyền phủ quyết các tuyên bố mà họ xem là không có lợi cho lợi ích khu vực, hay đơn phương ra “tuyên bố chủ tịch” trong trường hợp nảy sinh những bất đồng không thể hòa giải giữa các nước thành viên. Nước Chủ tịch cũng có những ảnh hưởng đáng kể trong việc định hình các thỏa thuận đa phương khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục