Tiêu dùng và đầu tư công: Hai động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực tiêu dùng và giải ngân đầu tư công đã trở thành ‘điểm sáng’ và là động lực quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Những rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu và tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xuất-nhập khẩu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam đã có những kết quả tích cực. Song, những rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu và tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xuất-nhập khẩu, khiến hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Nội dung trên được Tiến sỹ Cấn Văn Lực nhấn mạnh khi đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội trong 5 tháng của năm 2023 trong cuộc trò chuyện với Báo điện tử VietnamPlus.

Tiêu dùng trở thành bệ đỡ quan trọng

- Với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ cùng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và xã hội, nền kinh tế đã có những chuyển biến lạc quan. Xin ông cho biết đâu là những điểm sáng trong “bức tranh” chung?

Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Sau gần nửa chặng đường của năm 2023, nền kinh tế đã ghi nhận những điểm sáng, phải kể đến sự tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ và tỷ trọng giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh. Đây là hai động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, mặt bằng giá cả cơ bản là ổn định đồng thời lạm phát và lãi suất cũng đang trên đà giảm.

Trong tháng 5, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát ổn định và trong tầm kiểm soát.

[Ngành Thuế rà soát tất cả các khoản có thể thu để đảm bảo dự toán 2023]

Để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét giảm 2% thuế giá trị gia tăng, áp dụng trong vòng 6 tháng cuối năm và hành Nghị định 12/NĐ-CP về giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, Nghị quyết 82/NQ-CP nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch. Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành và trần tiền gửi ngắn hạn (lần giảm thứ 3 liên tiếp trong vòng 3 tháng) đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

Đối với đầu tư nước ngoài, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg nhấn mạnh tạo thuận lợi hơn nữa cho thu hút đầu tư nước ngoài (cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường xúc tiến và quản lý) và sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là ngày 26/5, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 470/CĐ-TTg về tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Trên nền tảng đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm đã đạt 519 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch COVID-19). Tính chung 5 tháng, Việt Nam đã đón hơn 4,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 12,6 lần so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm đã đạt 519 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng quan trọng, như lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đang suy giảm, lĩnh vực tiêu dùng trở thành bệ đỡ quan trọng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng cũng cần lưu ý đang có dấu hiệu chậm lại (trong 3 tháng đầu năm tăng 13,9%, lũy kế 4 tháng tăng 12,77% và 5 tháng tăng 12,55% so với cùng kỳ năm trước).

Trên thị trường, lạm phát giữ ổn định dù nhiều hàng hóa do Nhà nước quản lý tăng giá. Cụ thể, CPI tháng 5 tăng nhẹ 0,01% so với tháng Tư và CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55%, giảm so với mức tăng 3,84% của 4 tháng. Đây là mức lũy kế thấp nhất kể từ đầu năm 2023. Xu hướng hạ nhiệt của lạm phát tương đối rõ nét khi chỉ số CPI giảm 3 tháng liên tiếp. Trên cơ sở đó, CPI bình quân cả năm dự kiến nhiều khả năng ở mức 3,8%-4,2%, thấp hơn so với mục tiêu 4,5%.

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh và là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Lũy kế 5 tháng, tổng vốn thực hiện đạt 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với mục tiêu cao đã được Thủ tướng giao khoảng 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022, các bộ, ngành, địa phương vẫn cần tiếp tục tập trung, nỗ lực hơn nữa, nhất là trong quá trình chuẩn bị và triển khai các dự án trọng điểm trong các tháng còn lại của năm nay.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, tỷ giá cơ bản là ổn định. Cụ thể, lãi suất huy động trong tháng 5 giảm nhẹ với mức giảm 0,2%-0,5%/năm, lãi suất điều hành và hạ trần tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm 0,5% xuống 5%, điều này giúp giảm lãi suất đầu vào và tạo cơ sở để các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cho vay có thể có độ trễ từ 1-3 tháng, do các tổ chức tín dụng phải trả lãi suất huy động cao theo cam kết đối với các khoản tiền gửi trước đó.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực đánh giá tiêu dùng và đầu tư công vẫn là hai động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: Vietnam+)

Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn

Ông đánh giá thế nào về những rủi ro, thách thức và nguyên nhân của những vấn đề này là gì?

Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Mặc dù hoạt động kinh tế trong nước trong tháng 5 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức lớn. Có thể nhận thấy 5 rủi ro, thách thức chính vẫn hiện hữu, như rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn còn phức tạp, khó lường. Đặc biệt là căng thẳng Nga-Ukraina và biện pháp trừng phạt, trả đũa giữa phương Tây và Nga khó đoán định, có tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam.

Trong nước, rủi ro tài khóa (nợ công, thâm hụt ngân sách) tăng cộng thêm giá cả, lạm phát dù giảm nhưng còn ở mức cao. Bên cạnh đó, các vấn đề về thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.

Trên thực tế, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung 5 tháng ước giảm 2% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát, lãi suất còn ở mức cao, khiến nhu cầu đầu tư, tiêu dùng suy giảm, tác động tiêu cực đến thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hệ quả là số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chủ lực và truyền thống bị thu hẹp, làm suy yếu lĩnh vực công nghiệp-sản xuất xuất khẩu.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 5 tháng tăng 20,3% và doanh nghiệp hoàn tất giải thể tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Kết quả khảo sát 9.556 doanh nghiệp về triển vọng đến cuối năm 2023:

Nguồn: Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV        (Đơn vị: %)

Kết quả, thu ngân sách Nhà nước giảm 3 tháng liên tiếp, (tính riêng tháng Năm giảm 22,9% so với tháng 5/2022, tháng Tư giảm 16,7%, tháng Ba giảm 5,6%), điều này phản ánh tình hình khó khăn của doanh nghiệp khi tình hình xuất-nhập khẩu giảm.

Rà soát tổng thể từ các cuộc khảo sát, các cuộc họp với doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề gần đây cho thấy doanh nghiệp đang gặp phải 4 khó khăn, vướng mắc chính.

Một là về vấn đề pháp lý, môi trường kinh doanh dù đang được quan tâm cải thiện, tháo gỡ dần, nhưng khâu thực thi vẫn chậm và yếu. Một phần là do các quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa nhất quán, chưa đủ rõ ràng, nhưng chủ yếu là do nỗi lo sợ trách nhiệm, sợ sai, chưa vì mục tiêu chung trong khi năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế và khâu phối kết hợp chưa tốt.

Hai là vấn đề tài chính, thể hiện qua 3 khía cạnh về nghĩa vụ thuế và phí, nợ phải trả cho đối tác, khách hàng, nợ đọng lẫn nhau và khả năng tiếp cận vốn. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các tổ chức tài chính trở nên thận trọng hơn khi khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của bên vay ở mức thấp hơn, nhưng quan trọng hơn là khả năng hấp thụ vốn, nhu cầu vốn ở mức thấp. Kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp vẫn bị thu hẹp (do thị trường chứng khoán phục hồi chậm, còn thị trường trái phiếu chưa khôi phục được niềm tin).

Khó khăn lớn thứ ba là chi phí đầu vào (bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay) còn ở mức cao, trong khi đầu ra/nhu cầu bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu và các mặt hàng chủ lực. Bốn là về vấn đề lao động. Thị trường lao động thay đổi sau dịch bệnh, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa theo kịp, do đó xảy ra tình trạng mất cân đối cung-cầu.

4 nhóm giải pháp chính

-       Trong bối cảnh đó, theo ông đâu là giải pháp để có thể thúc đẩy sản xuất tạo tiền đề vực dậy khu vực doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung?

Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Giải pháp hiện nay được đề xuất và đang tháo gỡ nhiều, nhưng chưa có tính hệ thống và ưu tiên cụ thể. Về cơ bản, các cấp quản lý nên tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất, cần tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc đã được chỉ ra thời gian qua để cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh. Những vướng mắc chính hiện nay cần tháo gỡ kịp thời, bao gồm vấn đề đăng kiểm, kiểm định xe; phòng cháy, chữa cháy; visa cho du khách và chuyên gia; hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết dứt điểm những vụ việc vi phạm về chứng khoán, bất động sản trong thời gian qua; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quá trình thanh, kiểm tra cần được tổ chức khoa học, có kế hoạch, không trùng lặp....

Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức thực hiện đúng thời hạn và tốt những quyết sách mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay. Cụ thể là trong gần 3 tháng qua, hàng loạt quyết sách liên quan đến các lĩnh vực y tế, đất đai, bất động sản, xây dựng, tài chính, tín dụng, xuất nhập khẩu... cần được nghiêm túc và quyết liệt tổ chức thực hiện.

Các doanh nghiệp cần tính cả bài toán dài hạn, trong đó chú trọng quản lý rủi ro, chuyển đổi số và xanh hóa. (Ảnh: Vietnam+)

Thứ ba, các cấp sớm quyết định, ban hành các cơ chế, chính sách bổ sung. Theo đó, với chính sách tiền tệ, cần tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Thông tư 02, 03, cần tiếp tục giảm lãi suất cả huy động và cho vay, duy trì hỗ trợ thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng kịp thời và đẩy nhanh cơ cấu lại các tổ chức yếu kém.

Với chính sách tài khóa, Chính phủ cần tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng với thủ tục gọn, thực hiện nhanh, kịp thời, cân nhắc gói cho vay trả lương (lãi suất 0%. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu, xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi 2022-2023 sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội (mới có thể cho vay lãi suất thấp và nguồn vốn mồi bền vững). Đặc biệt, mọi quyết sách đều cần được giao trách nhiệm, thời hạn cụ thể, có chế tài phù hợp trong trường hợp không thực hiện.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí, giải quyết đúng các cam kết trả nợ (chấp nhận phải bán tài sản, nếu cần). Hơn thế, các doanh nghiệp cũng cần tính cả bài toán dài hạn hơn, như chú trọng quản lý rủi ro, chuyển đổi số và xanh hóa, bởi đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục