Tìm cách giữ chân ‘đại bàng’ khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng

Hiện có 1.015 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Các quốc gia có công ty mẹ ước tính sẽ thu chênh lệnh hơn 12.000 tỷ đồng.
Tìm cách giữ chân ‘đại bàng’ khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Nếu các quốc gia áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì các biện pháp ưu đãi thuế trước đây của Việt Nam sẽ không còn nhiều tác dụng. Từ đó, việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư quốc gia sẽ đứng trước những thách thức không nhỏ.

Trên thực tế, thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới và có nhiều yếu tố kỹ thuật, do đó Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam,” ngày 18/4.

Khẩn trương có giải pháp thích ứng

Hiện nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu, Thuỵ Sỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, HongKong, Australia… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong khi đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và đây sẽ là các quốc gia có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính, hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế này. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD (do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng vào tháng 8/2022). 

Theo đó, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đồng thời khẩn trương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ứng phó cho Việt Nam.

[Quy chế hoạt động của Tổ công tác đặc biệt về thuế tối thiểu toàn cầu]

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết đối với phần lớn quốc gia có vốn đầu tư ra nước ngoài lớn sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%).

Bên cạnh đó, một số nước thu hút lớn đầu tư nước ngoài cũng đã có các giải pháp nhằm đảm bảo tính cạnh tranh. Cụ thể, Chính phủ Thái Lan dự kiến xây dựng một “gói” pháp lý chính sách để thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó bao gồm các chính sách mới về ưu đãi thuế nội địa, mức thuế tối thiểu trong nước và quy định hỗ trợ khác (như hỗ trợ chi phí phát triển cơ sở hạ tầng, trợ giá điện); Ấn Độ đã có chính sách hỗ trợ chi phí sản xuất công nghệ cao bằng một khoản tiền đối với mỗi chiếc điện thoại trị giá khoảng 130USD.

Tìm cách giữ chân ‘đại bàng’ khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng ảnh 2Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Minh, các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có việc áp dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn để tránh việc các tập đoàn phải nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty con có thuế suất thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính. Một số nước cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để "giữ chân" các công ty thuộc đối tượng của Thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các công ty mới.

Hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và quyền thu thuế

Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, ông Minh cho rằng có thể cân nhắc các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp. Song, các giải pháp phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu đồng thời phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế cũng như đảm bảo sự công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Lãnh đạo ngành thuế đề xuất một số giải pháp, bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất; đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp; bảo vệ môi trường; hỗ trợ nhà ở cho công nhân; hỗ trợ bảo hiểm xã hội-y tế cho người lao động; hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thân thiện môi trường.

Để thực hiện được chương trình hỗ trợ, ông Minh cho rằng Nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và có độ mở của nền kinh tế lớn, chủ yếu tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài nên cho dù có tham gia hay không tham gia thì các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu vẫn có tác động rất lớn. Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, nhấn mạnh Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để thích ứng với bối cảnh mới phù hợp với các quy tắc chung của thuế tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn song phải hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và quyền thu thuế của Việt Nam để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Ông Quỳnh đề xuất bổ sung quy định về cơ chế thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn đối với các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam đang có mức thuế suất thực tế tối thiểu dưới 15% và giữ nguyên mức thuế suất phổ thông 20% như hiện nay.

Chuyên gia này cũng cho rằng việc hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cần xác định mục tiêu rõ ràng, không chỉ nhằm phù hợp với việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu mà còn nhằm thiết kế lại các chính sách ưu đãi thuế một cách đồng bộ với các chính sách khác ngoài thuế nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư. Thêm vào đó, các nhà hoạch định chính sách cần rà soát, chỉnh sửa các quy định của Luật Đầu tư liên quan đến hình thức ưu đãi đầu tư, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, ngành nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư...

“Cùng với việc xem xét sửa đổi chính sách ưu đãi thuế hợp lý hơn, Việt Nam cũng cần nghiên cứu, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư về các chính sách ngoài thuế, như miễn, giảm tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp...,” ông Quỳnh nói.

Tìm cách giữ chân ‘đại bàng’ khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng ảnh 3Các đại biểu đóng góp đề xuất tại Hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam là nước chủ yếu tiếp nhận đầu tư, do đó theo ông Robert King, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam, cho rằng bài toán về chính sách đặt ra cho Việt Nam tại thời điểm này là đạt được hai mục tiêu quan trọng về chủ động giành quyền đánh thuế và tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Trên cơ sở đó, ông Robert King đề nghị Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn. Cùng với đó, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư để tăng tính cạnh tranh, trong đó các khoản hỗ trợ phải đảm bảo sẽ không chỉ áp dụng cho những đối tượng bị ảnh hưởng của việc thực hiện thuế suất tối thiểu toàn cầu, mà cần mở rộng ra cho cả các đối tượng khác. Mặt khác, Chính phủ có thể cân nhắc giải pháp tài chính hỗ trợ song không được thể hiện mối liên quan đến số thuế nộp bổ sung.

“Bối cảnh suy thoái kinh tế chung cùng lúc các quy tắc mới về thuế tối thiểu được áp dụng có thể xem như là tác động kép đối với các doanh nghiệp. Và, đối tượng ảnh hưởng của các quy tắc này lại là các doanh nghiệp lớn mà Việt Nam đang muốn thu hút. Vì vậy tại thời điểm này, sự đồng hành của Chính phủ với nhà đầu tư là yếu tố đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết để giữ chân và thu hút ‘đại bàng,’ ông Robert King nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục