Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án thủy điện Ialy mở rộng

Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, thủy điện Ialy mở rộng là công trình thuộc nhóm A, nhưng do cơ chế chính sách, thủ tục xây dựng, công trình này kéo dài đến 4 năm.
Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án thủy điện Ialy mở rộng ảnh 1Ban Quản lý dự án Điện 2 báo cáo tiến độ thi công công trình. (Ảnh: Ngọc Hà/Vietnam+)

Tại cuộc họp của đoàn công tác Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng nhằm tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ vào sáng 7/9 ở tỉnh Gia Lai, đại diện các nhà thầu thi công đều cho rằng năm 2022 là năm bản lề của dự án này nên đã tập trung nhân lực và thiết bị triển khai các gói thầu để đảm bảo tiến độ cam kết với chủ đầu tư.

Khó khăn lớn nhất của các nhà thầu thi công vẫn là giá cả nhiên liệu tăng cao so với thời điểm dự thầu, cụ thể sắt thép tăng 30%, ximăng tăng từ 25-30% và không có chiều hướng giảm, xăng dầu tăng gần 100%. Nhà thầu đề nghị EVN điều chỉnh trượt giá cho phần thi công sát với thực tế, đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tiến độ cung cấp thiết bị cơ điện chậm, bị hạn chế vận chuyển nguyên vật liệu nên chi phí gia tăng. Trong khi đó, vào thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19, do phải giãn cách, nhiều công nhân không quay trở lại làm việc khiến các nhà thầu bị thiếu lực lượng lao động.

Liên danh nhà thầu Lũng Lô-Xây dựng Trường Sơn-Sông Đà-Đầu tư và Xuất nhập khẩu Việt Nam-Công ty cổ phần Lilama 10 thi công xây lắp công trình Thủy điện Ialy mở rộng và đảm nhận thi công cả dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng cho rằng trong các gói thầu Liên danh đảm nhiệm đến thời điểm này, chưa có mốc tiến độ nào chậm.

“Tuy nhiên, nhà thầu trăn trở vấn đề giá nhiên, nguyên vật liệu tăng quá cao làm ảnh hưởng đến tài chính của các nhà thầu, cần EVN tổng hợp đơn giá thực tế để trình Chính phủ chủ trương điều chỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn và chia sẻ với các nhà thầu. Bên cạnh đó, gói thầu cung cấp thiết bị cơ điện và dịch vụ kỹ thuật dự kiến chậm khoảng 3-6 tháng sẽ ảnh hưởng đến hạng mục nhà máy," Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 chia sẻ.

Về phía đơn vị sẽ tiếp quản nhà máy, Giám đốc Công ty thủy điện Ialy Đoàn Tiến Cường cho biết đơn vị đã chuẩn bị nhân lực để cuối năm 2023 sẵn sàng tiếp quản nhà máy mới.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Điện 2, do biến động giá nhiên, nguyên vật liệu tăng cao sẽ khó khăn cho công tác đấu thầu gói thầu vận chuyển thiết bị sắp tới và yêu cầu Công ty Thủy điện Ialy hạn chế Thủy điện Ialy hiện hữu xả lũ trong năm nay giúp các nhà thầu tiếp tục thi công bê tông nhà máy, vượt qua được năm nay sẽ đạt đến thành công của dự án này.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện 2 (EVN) cho biết Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng được xây dựng thuộc xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và xã Ia Mơ Nông, Ia Kreng, thị trấn Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

[Ký hợp đồng cung cấp thiết bị cho Dự án Thủy điện Ialy mở rộng]

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án Điện 2, đến đầu tháng Chín này, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công phần diện tích không vướng rừng tự nhiên trong năm 2021. Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng tại văn bản số 656/TTg-NN ngày 22/7/2022.

Hiện Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định thu tiền trồng rừng thay thế số 523/QĐ-UBND ngày 15/8/2022. Đến nay, Ban Quản lý dự án Điện 2 đã hoàn thành việc nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum. Ban cũng đang phối hợp với địa phương để làm các thủ tục xin thu hồi đất để dự kiến hoàn thành trong tháng Chín này.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đang đợi hướng dẫn từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hướng dẫn đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất.

Cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Minh, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng của cuộc chiến Nga-Ukraine làm cho giá cả vật liệu tăng cao so với thời điểm dự thầu, tuy nhiên Liên danh các nhà thầu đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong điều hành, thi công trên công trường. Nhiều hạng mục đã vượt tiến độ so với tiến độ thi công được duyệt từ 1-3 tháng.

Cụ thể, về thi công gói thầu xây lắp chính, Ban Quản lý dự án Điện 2 cho biết nhà thầu đã đắp đất đá 84.083m3, đạt 34,1%, đào đá ngầm 244.058m3, đạt 64,3%, đổ bêtông hở 18.949m3, đạt 13,2%; trong đó các hạng mục, kênh xả Nhà máy, bêtông Nhà máy bản đáy đến cao độ 286m, giếng đứng tháp điều áp, đường ống áp lực, đào và gia cố Hầm dẫn nước đang đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án thủy điện Ialy mở rộng ảnh 2Công trường thi công Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng. (Ảnh: Ngọc Hà/Vietnam+)

Các hạng mục đã hoàn thành như: ngầm tràn, hầm phụ 1, ngách thi công, hầm phụ 2, hầm phụ 2A, hầm phụ 2B, hầm phụ 3, hầm phụ 3A, đê quây cửa lấy nước, hầm vận hành VH2, đào và gia cố buồng trên, buồng dưới tháp điều áp, tường dẫn dòng T1, đào và gia cố hố móng nhà máy, kênh dẫn dòng (phạm vi không vướng rừng tự nhiên), tường chắn TC2, hố móng kênh dẫn vào và cửa lấy nước giai đoạn 1 và 2.

Nhân lực trên công trường cơ bản đáp ứng tiến độ thi công các hạng mục công trình. Công ty Thủy điện Ialy tiếp tục kiểm soát an ninh, người, xe máy, tốc độ phương tiện vận chuyển qua đập, kiểm sát tải trọng phương tiện trước khi vào công trường.

Để quản lý tiến độ của các gói thầu và tiến độ tổng thể dự án, kiểm soát chặt chẽ các công việc trên đường găng, Ban Quản lý dự án Điện 2 đã áp dụng phần mềm (Microsoft Project) trong việc quản lý tiến độ của các gói thầu và tiến độ tổng thể dự án.

Theo ông Nguyễn Đức Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện 2, từ khi khởi công công trình đến nay, lực lượng Tư vấn giám sát đã có mặt thường xuyên tại hiện trường để kịp thời giải quyết các công việc liên quan, bố trí lực lượng trực hiện trường các ca thi công nhằm phát hiện, cảnh báo để nhà thầu khắc phục với các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình, an toàn, môi trường...

Ban Quản lý dự án Điện 2 còn giám sát, đôn đốc thi công thông qua hệ thống Camera giám sát và kiểm soát an ninh của nhà thầu đã lắp đặt tại công trường; trong đó, nhà thầu đã thực hiện lắp đặt 15/15 camera giám sát thi công tại các hạng mục nhà máy, kênh xả, các cửa hầm, bãi lắp ráp.

Các hình ảnh thu được được truyền về màn hình giám sát của Ban điều hành dự án, điện thoại của cán bộ của các bên liên quan. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án Điện 2 đã cập nhật báo cáo tình hình thi công hằng ngày bằng hình ảnh, báo cáo tuần, báo cáo tháng, nhật ký hằng ngày... lên phần mềm quản lý đầu tư và giám sát xây dựng của EVN.

Tại cuộc họp, Ban Quản lý dự án Điện 2 kiến nghị các nhà thầu hoàn thành tiến độ và biện pháp thi công tổng thể phù hợp với tiến độ cung cấp thiết bị, gửi Ban làm cơ sở báo cáo EVN điều chỉnh tiến độ dự án.

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cần tăng cường nhân lực để tổ chức thi công 3 ca liên tục đáp ứng yêu cầu tiến độ cho đổ bêtông nhà máy, đường vận hành. Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô đẩy nhanh tiến độ thi công giếng đứng đường ống áp lực đồng thời, chuẩn bị cốp pha, vật tư, nhân lực để thi công bêtông hầm dẫn nước.

Công ty Thủy điện Ialy tiếp tục hỗ trợ vận hành hồ chứa Thủy điện Ialy hiện hữu để hạn chế tối đa việc xả lũ giúp công trường tiếp tục thi công bêtông nhà máy.

Ban cũng kiến nghị EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) điều tiết vận hành tối đa các tổ máy của Thủy điện Ialy hiện hữu nhằm tạo dung tích phòng lũ, hạn chế thấp nhất việc xả tràn để tạo điều kiện thi công bêtông nhà máy, đồng thời phê duyệt đề cương dự toán gói thầu vận chuyển và gói thầu thí nghiệm hiệu chỉnh làm cơ sở để Ban tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Sau khi nghe các kiến nghị của các nhà thầu và Ban Quản lý dự án dự án Điện 2, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết hai ngành giao thông và xây dựng các nhà máy điện đang gặp khó khăn về vấn đề giá nhiên, nguyên vật liệu tăng cao, vì vậy kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh giá một số mặt hàng như sắt thép, ximăng, xăng dầu làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình.

Tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án thủy điện Ialy mở rộng ảnh 3Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Ngọc Hà/Vietnam+)

Theo ông Dương Quang Thành, thủy điện Ialy mở rộng là công trình thuộc nhóm A, nhưng do cơ chế chính sách, thủ tục xây dựng, công trình này kéo dài đến 4 năm. Tuy nhiên, việc đấu thầu qua mạng đã chọn được các nhà thầu trong nước đủ năng lực, từng thi công nhiều công trình của EVN đã tạo thuận lợi cho quá trình thi công. Địa chất từ khi thiết kế đến thi công dự án đều đảm bảo cũng là một thuận lợi khi triển khai dự án này.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án, Công ty Thủy điện Ialy và địa phương phối hợp chặt chẽ để có giải pháp phòng chống lũ trong năm nay nhằm hạn chế thiệt hại khi thi công công trình

Theo ông Cao Xuân Thành, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực, về kiến nghị của các nhà thầu về giá nhiên, nguyên vật liệu tăng cao, Chính phủ đang xem xét và yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính tìm giải pháp tháo gỡ. Trước mắt, EVN nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ về tài chính để chia sẻ khó khăn với các nhà thầu.

Dự án Thủy điện Ialy mở rộng có tổng vốn đầu tư 6.389 tỷ đồng, do EVN làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Điện 2 thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án. Dự án được khởi công tháng 6/2021, mốc tiến độ phát điện tổ máy 1 là 30/6/2024, tổ máy 2 là 30/9/2024 và hoàn thành công trình vào 30/12/2024.

Dự án có quy mô giữ nguyên các hạng mục của Nhà máy Thủy điện Ialy hiện hữu với công suất lắp máy 360 MW, bao gồm 2 tổ máy, điện lượng trung bình nhiều năm 233,2 triệu kWh, khả năng huy động công suất vào giờ cao điểm 364,01 triệu kWh.

Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 (PECC1) là nhà thầu lập thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng; Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển Năng lượng Việt Nam là đơn vị tư vấn thẩm tra thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công và thiết bị cơ điện; Ban Quản lý dự án Điện 2 tự giám sát phần xây dựng; Trung tâm dịch vụ sửa chữa-EVN và Công ty Thủy điện Ialy giám sát phần lắp đặt thiết bị.

Liên danh các Tổng công ty: Lũng Lô-Xây dựng Trường Sơn-Sông Đà-Đầu tư và Xuất nhập khẩu Việt Nam-Công ty cổ phần Lilama 10 là nhà thầu thi công xây lắp công trình.

Các nhà thầu Consortium of ANDRITZ HYDRO GmbH and Computer-Communication-Control 3C Incorporation (“ANDRITZ-3C”) là nhà thầu cung cấp thiết bị cơ điện.

Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp-Công ty cổ phần (MIE) - Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME)-Tổng công ty Cơ điện Xây dựng-Công ty cổ phần (AGRIMECO)-Công ty cổ phần Lilama 10 là nhà thầu cung cấp thiết bị cơ khí thủy công…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục