Tìm lại ký ức Hà Nội xưa qua hương vị ẩm thực truyền thống

Dù là lần đầu tổ chức nhưng Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 (diễn ra từ tối 11-14/10) tạo bất ngờ cho người dân và du khách về một không gian trưng bày đẹp, hài hòa, giàu chất văn hóa và quy tụ nhữ
Tìm lại ký ức Hà Nội xưa qua hương vị ẩm thực truyền thống ảnh 1Người dân tham quan và mua món ăn tại các gian hàng ẩm thực. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Dù là lần đầu tổ chức nhưng Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 (diễn ra từ tối 11-14/10) tạo bất ngờ cho người dân và du khách về một không gian trưng bày đẹp, hài hòa, giàu chất văn hóa và quy tụ những tinh hoa ẩm thực của đất Hà thành.

Đến với lễ hội, mọi người như tìm lại được ký ức xưa với những món ăn giản dị, tao nhã, gắn bó suốt cả tuổi thơ, thậm chí đi theo cuộc đời họ cả một chặng đường dài.

Sống lại những giá trị truyền thống

Sau khi xếp lại những chồng bánh chưng vừa gói xong lên chiếc chõng tại gian trưng bày nghề làm bánh chưng Tranh Khúc, ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thường Tín chia sẻ. Dù các vùng miền trên cả nước đều có tập quán gói bánh chưng trong dịp Tết nhưng bánh chưng Tranh Khúc nổi danh khắp nơi nhờ có bí quyết riêng.

Vẫn là nguyên liệu sẵn có nhưng gạo nếp phải trộn vừa vặn muối, đỗ xanh phải đồ chín trước khi gói để hết mùi ngái và giữ được lâu, thịt lợn phải trần qua nước nóng trước khi thái. Khi chín cắt miếng bánh ra nhân nằm gọn gàng bên trong, trông đẹp mắt. Quá trình luộc cũng phải kỳ công, đảm bảo sôi 8 tiếng, vừa lửa để khi bóc ra ăn cảm thấy chắc miếng bánh, vừa đảm bảo độ dẻo ngon, mềm của gạo, vừa có bùi của đậu xanh, độ ngậy của thịt quyện với nhau.

Ông Thanh cũng cho biết, mỗi buổi gia đình ông mang lên lễ hội từ 100-150 chiếc bánh chưng nhưng chỉ sau một vài tiếng đồng hồ khách đã mua hết, nhiều người tới hỏi cũng không còn.

Còn tại gian trưng bày cốm Mễ Trì tấp nập người tham quan, thưởng lãm, mua cốm và sản phẩm chế biến từ cốm. Những bó lúa nếp xanh non được xếp xung quanh tạo ấn tượng về sự gần gũi, thân quen của một làng nghề truyền thống vùng ven Hà Nội.

Anh Đỗ Tuấn Anh, một người sinh ra và lớn lên tại làng cốm Mễ Trì, đồng thời đang có cơ duyên gắn bó với văn hóa quê hương giãi bày, hiện đang là mùa cốm nên trong làng anh luôn rộn ràng. Cả làng có tới 81 hộ đang sản xuất cốm. Cốm được làm từ nhiều loại lúa khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là lúa nếp cái hoa vàng. Theo kinh nghiệm của người dân Mễ Trì, để có một mẻ cốm ngon, người thợ phải thực sự khéo tay và tinh tế. Cơ bản giữ được cách làm như cổ truyền nên cốm Mễ Trì đảm bảo độ dẻo thơm, thanh khiết đặc trưngnhư là biểu trưng của hương vị mùa Thu Hà Nội.

Không chỉ có bánh chưng Tranh Khúc, cốm Mễ Trì, đến với Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội, người ta gặp lại những món ngon nổi tiếng của Hà Nội như: Bánh cuốn Thanh Trì (Hoàng Mai), bún Phú Đô (Nam Từ Liêm), xôi-chè Phú Thượng (Tây Hồ), bánh tẻ Phú Nhi và tương Đường Lâm (Sơn Tây), giò chả Ước Lễ (Thanh Oai), phở Hà Nội... Được gây dựng từ những bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, thợ giỏi cả trăm năm qua, những món ngon này tiếp tục trao truyền qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn được gìn giữ như một vốn quý. Ở đó có sự kết tinh của mồ hôi, công sức, tâm huyết, bí truyền riêng của từng làng nghề để tạo ra hương vị đặc trưng không nơi nào có được.

Đó là hương vị phở truyền thống có vị thơm của thịt bò, hành lá, độ ngọt của nước dùng; là đĩa bánh cuốn Thanh Trì mềm mại, thanh mát, trộn lẫn với lá hành phi mỡ tạo vị ngon khó quên; là giò chả Ước lễ có vị giòn, ngọt, thơm mùi thịt không thể lẫn; là bánh dày Quán Gánh làm bằng gạo nếp quý được trồng cấy chính trên quê hương hòa cùng hương vị của đỗ xanh… Chẳng thế mà từ xa xưa, các món ngon Hà Nội đã đi vào những trang viết của các nhà văn nổi tiếng Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… Và giờ đây, các món ngon này cùng tụ hội trong một lễ hội văn hóa ẩm thực, gợi lại cho khách tham quan những ký ức ngọt ngào về một Hà Nội xưa cũ. Không chỉ có vậy, người dân còn được tham quan, giao lưu với nghệ nhân về quy trình thực hành nhiều món ẩm thực nổi tiếng của đất Hà thành, tập trung vào tinh hoa ẩm thực từ gạo và các món gắn liền với Tết Việt.

Đúng nghĩa là một lễ hội, lại được thiết kế trong một không gian mở, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 được bài trí tinh tế, có sự rực rỡ của cờ hội, băng rôn, thảm hoa nhưng có nét trầm của những mái nhà truyền thống, góc phố cổ, tường gạch cũ, khoảng sân phơi. Ấn tượng nhất là khu vực tái hiện lại không gian văn hóa của các nghề truyền thống gắn với di sản ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội. 10 gian hàng với quy mô lớn tái hiện lạị lịch sử hình thành và quá trình phát triển của các nghề truyền thống. Mỗi gian hàng được thiết kế theo một phong cách khác nhau dựa trên nền kiến trúc nhà truyền thống mang đặc trưng riêng của từng làng nghề, phố nghề. Gian nào cũng trưng bày các câu đối, bức tranh, tấm ảnh giới thiệu về văn hóa của món ngon đó cùng các dụng cụ chế biến liên quan.

Tìm lại ký ức Hà Nội xưa qua hương vị ẩm thực truyền thống ảnh 2Đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trao chứng nhận cho các làng nghề ẩm thực Hà Nội tham dự lễ hội. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Xây dựng thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng

Dù chưa kết thúc nhưng thành công của Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội là không thể phủ nhận khi mỗi ngày nơi này đón tới hàng nghìn người dân Thủ đô và du khách đến tham quan, trải nghiệm. Khu vực nào cũng thu hút rất đông khách, gương mặt ai cũng rạng ngời niềm vui. Được trưng bày bắt mắt, nhiều người không quên ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ.

Bà Phạm Thị Liên, trú tại huyện Văn Giang, huyện Hưng cho biết, dù không phải là người Hà Nội nhưng bà luôn trân trọng văn hóa, những nếp truyền thống của Hà Nội. Khẳng định ẩm thực Hà Nội luôn có sự tinh tế và lấy làm tiếc khi không có nhiều điều kiện để tìm hiểu, thưởng thức nhưng khi biêt Hà Nội tổ chức hễ hội văn hóa ẩm thực, bà đã rủ bạn bè đến tham quan.

Còn với chị Đào Minh Ngân, trú tại Làng quốc tế Thăng Long, quận Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ, rất lâu rồi Hà Nội mới tổ chức được sự kiện mang đặc trưng riêng của Thủ đô để mọi người thêm niềm tự hào và có nơi để vui chơi. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa với những người hay hồi tưởng về quá khứ như chị. Chị cho rằng, dù lễ hội vẫn còn những điều cần hoàn thiện nhưng đây cũng là cố gắng của Ban tổ chức khi tổ chức một sự kiện mang hơi hướng của văn hóa Hà Nội, điều đó đã phần nào thỏa mãn được nguyện vọng của mọi người.

Ẩm thực của người Hà Nội được coi là thứ truyền tải nét văn hóa thanh lịch của người dân Kinh kỳ, lịch sự và tao nhã. Thông qua ẩm thực, người ta phần nào hiểu được điều kiện kinh tế, văn hóa, lối sống của người Hà Nội, cũng như khả năng cảm thụ, thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội. Hiện, Hà Nội đang nắm giữ 81 món ăn truyền thống được người dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Lễ hội nhằm từng bước giới thiệu di sản phi vật thể này, vừa để bảo tồn các giá trị văn hóa của Hà Nội vừa để tạo sản phẩm du lịch mới.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, nếu lễ hội năm nay thành công, các năm tiếp theo ngành văn hóa Thủ đô tiếp tục giới thiệu ẩm thực Hà Nội đến người dân và du khách để Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Thủ đô.

Không giống như bất kỳ sự kiện quảng bá, giới thiệu ẩm thực thông thường khác, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 thiên về khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống ẩm thực, để người dân hiểu hơn về tinh hoa các món ngon cổ truyền, hiểu về cách tạo ra món ngon đó và tâm huyết của những người giữ nghề. Có thể hiểu, ý tưởng của những người tổ chức lễ hội này hướng vào việc tôn vinh những giá trị truyền thống của ẩm thực và không ngoài mục đích bảo tồn, phát huy giá trị ẩm thực Hà Nội. Điều đó không khó hiểu khi ẩm thực Hà Nội được coi là di sản văn hóa, nổi danh không chỉ trong nước mà cả nước ngoài và là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Hà Nội. Một sản phẩm du lịch văn hóa mới của Thủ đô đang dần hình thành với nhiều kỳ vọng đặt ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục