Tin bão gần cho Liên minh cầm quyền ở Nhật Bản

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Công minh sẽ phải đối mặt với tình huống khó xử liên quan tới nỗ lực sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng Shinzo Abe.
Tin bão gần cho Liên minh cầm quyền ở Nhật Bản ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin Jiji Press, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Công minh - đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền hiện nay ở Nhật Bản - ngày càng gia tăng kể từ khi hai đảng này bắt đầu thành lập liên minh hai thập kỷ trước.

Tuy nhiên, hai đảng sắp phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa, có thể đe dọa tới sự tồn tại của liên minh này.

LDP, Đảng Công minh và Đảng Tự do (đã giải thể) đã thành lập chính phủ liên minh vào năm 1999. Kể từ sau đó, LDP và Đảng Công minh - chính đảng được thành lập trên cơ sở các thành viên của tổ chức Phật giáo Soka Gakkai - đã hợp tác với nhau trong mọi cuộc bầu cử, thậm chí ngay cả thời điểm khi hai đảng này không nắm chính quyền trong khoảng 3 năm.

Mối quan hệ đối tác này tồn tại bởi hai đảng đặt ưu tiên cho sự ổn định của chính quyền bất chấp những khác biệt về chính sách. Tuy nhiên, sắp tới, hai đảng sẽ phải đối mặt với tình huống khó xử liên quan tới nỗ lực sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng Shinzo Abe.

Phát biểu với các phóng viên hôm 4/10, Thủ tướng Abe, người đang giữ chức Chủ tịch LDP, nói liên minh cầm quyền “ưu tiên cho sự ổn định chính trị trong các thời kỳ Bình Thành (Heisei) và Lệnh Hòa (Reiwa).”

[Thủ tướng Nhật đọc thông điệp Năm mới, cam kết cải cách nhiều lĩnh vực]

Đó là một “sự hài hòa tốt đẹp” cho phép hai đảng chia sẻ những thành quả và bổ sung cho nhau.”

Về phần mình, ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch của Đảng Công minh, nói liên minh giữa hai đảng đã “góp phần cho sự ổn định chính trị và mang lại nhiều thành tựu.”

Năm 1998, LDP thất bại nghiêm trọng trong cuộc bầu cử Thượng viện. Điều này đã khiến LDP mất đa số ghế tại Thượng viện nhưng vẫn duy trì kiểm soát Hạ viện- cơ quan quyền lực của Quốc hội.

Sau khi Thủ tướng Ryutaro Hashimoto từ chức sau thất bại của LDP trong cuộc bầu cử Thượng viện, ông Keizo Obuchi, người kế nhiệm Thủ tướng Hashimoto, đã thành công trong việc thuyết phục Đảng Công minh hợp tác để tạo thuận lợi cho hoạt động của Quốc hội.

Sau đó, Đảng Tự do đã tham gia vào liên minh này để hình thành nên một chính phủ liên minh ba bên vào tháng 10/1999.

Mặc dù có những biến động sau đó, trong đó có việc Đảng Tự do rời khỏi liên minh, nhưng LDP và Đảng Công minh vẫn nỗ lực duy trì liên minh này kể từ năm 2003.

Mối quan hệ đối tác đó vẫn duy trì trong hơn 20 năm qua nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa hai đảng trong các cuộc bầu cử.

LDP có lợi khi duy trì quan hệ hợp tác với Đảng Công minh bởi vì Soka Gakkai vẫn kiểm soát từ 20.000 đến 30.000 phiếu bầu tại mỗi khu vực bầu cử một ghế.

Các ứng cử viên của LDP được Đảng Công minh hậu thuẫn thường kêu gọi các cử tri ủng hộ cho họ theo hình thức phổ thông đầu phiếu tại các khu bầu cử và ủng hộ cho các ứng cử viên của Đảng Công minh trong các cuộc bầu cử theo hình thức đại diện tỷ lệ.

Tuy nhiên, LDP và Đảng Công minh vẫn có khác biệt về chính sách an ninh. Khác biệt này thể hiện rõ khi họ soạn thảo dự luật cho phép Nhật Bản vận dụng quyền phòng ngự tập thể của Liên hợp quốc hoặc trợ giúp cho một đồng minh đang bị tấn công.

Dự luật này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Soka Gakkai bởi nó đi ngược lại triết lý của Đảng Công minh là một “chính đảng hòa bình.”

Cuối cùng, Đảng Công minh vẫn đồng ý với quyết định của chính quyền Abe về việc thay đổi cách diễn giải Hiến pháp của Chính phủ thay vì cho phép sử dụng một cách hạn chế quyền phòng ngự tập thể.

Gần đây, Đảng Công minh đang phải hứng chịu áp lực từ LDP, chính đảng đang chiếm ưu thế ở hai viện của Quốc hội. Vấn đề lớn nhất đối với liên minh cầm quyền hiện nay sẽ là lập trường của Đảng Công minh đối với kế hoạch sửa đổi Hiến pháp của LDP.

LDP đã soạn thảo một loạt đề xuất, trong đó có đề xuất đề cập tới Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong Điều 9 của Hiến pháp nhằm xác định rõ tình trạng pháp lý của lực lượng này. Nhiều thành viên của Đảng Công minh phản đối đề xuất trên do lo ngại đề xuất này có thể hủy hoại nguyên tắc chỉ đạo của đảng.

Chủ tịch Yamaguchi nói: “Mối đe dọa đó là liệu chúng tôi (LDP và Đảng Công minh) có thể đạt được đồng thuận thông qua các cuộc thảo luận về các quan điểm khác nhau. Chúng tôi cần cố gắng tăng cường sự hiểu biết, đồng thời phân tích phản ứng của người dân."

Tuy nhiên, một thành viên cao cấp của Đảng Công minh cho rằng “từ trong thâm tâm của mình, ông Yamaguchi muốn tránh vấn đề sửa đổi Hiến pháp này bởi vì ông ủng hộ Hiến pháp hiện nay.

Các nguồn tin cho biết Đảng Công minh không có ý định nhượng bộ về quan điểm trong việc bảo vệ “bộ luật tối thượng” (Hiến pháp) này. Và vì vậy, Đảng Công minh có thể sẽ phải đối mặt với phép thử về các giá trị cốt lõi của mình trong quá trình xử lý các đề xuất sửa đổi Hiến pháp của LDP./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục