Tín nhiệm quốc tế về đầu tư của Nam Phi bị hạ xuống mức ''vô giá trị''

Nam Phi đang thực hiện phong tỏa trên toàn quốc trong 21 ngày, đồng nghĩa với việc nước này sẽ mất hàng tỷ rand doanh thu từ thuế và phải bơm thêm tiền để hỗ trợ nền kinh tế đang suy thoái.
Người dân xếp hàng trong trung tâm thương mại Menlyn tại thủ đô Pretoria tối 26/3 để mua lương thực, thực phẩm tích (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)
Người dân xếp hàng trong trung tâm thương mại Menlyn tại thủ đô Pretoria tối 26/3 để mua lương thực, thực phẩm tích (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s tối 27/3 (giờ địa phương) đã hạ mức xếp hạng đầu tư và trái phiếu chính phủ của Nam Phi xuống mức “vô giá trị” – không đáng đầu tư, nghĩa là hiện cả 3 hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế, gồm Moody’s, S&P và Fitch, đang có cùng mức đánh giá “vô giá trị” đối với Nam Phi.

Quyết định của Moody’s được đưa ra dựa trên quan ngại về nợ của Chính phủ Nam Phi, khả năng kiểm soát chi tiêu công (đặc biệt là tiền lương công chức) rất hạn chế.

Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn khi Nam Phi đang thực hiện phong tỏa trên toàn quốc trong 21 ngày từ 27/3-16/4/2020 nhằm đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong thời gian phong tỏa, Nam Phi sẽ mất hàng tỷ rand doanh thu từ thuế và phải bơm thêm tiền để hỗ trợ nền kinh tế đang ở trong tình trạng suy thoái.

Theo ước tính của Moody’s hiện nay, nợ công của Nam Phi sẽ ở mức 91% GDP vào năm 2023.

Với việc cả 3 hãng Moody’s, S&P, Fitch đều xếp hạng trái phiếu Chính phủ Nam Phi ở mức không đáng đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm cách bán tháo trái phiếu Chính phủ Nam Phi đang nắm giữ với tổng trị giá ước tính khoảng hơn 12 tỷ USD.

Về mặt lý thuyết, các khoản vay nước ngoài thời gian tới của Chính phủ Nam Phi sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn, nghĩa là Đất nước Cầu vồng sẽ có ít tiền hơn cho các dịch vụ (y tế, giáo dục,…) và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Do phải trả nhiều tiền lãi hơn cho khoản nợ, Chính phủ Nam Phi sẽ cần nhiều tiền hơn để trang trải các chi phí cơ bản, dẫn đến thuế cao hơn. Đồng nội tệ rand yếu hơn, dẫn đến khả năng tăng giá xăng, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

Tuy nhiên, do giá dầu thế giới đang ở mức thấp kỷ lục nên tác động của giá nhiên liệu và mặt hàng liên quan khác tại Nam Phi cũng bớt nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, các mặt hàng nhập khẩu như đồ điện tử và máy móc nhập khẩu sẽ trở nên đắt hơn do đồng rand yếu.

[Nam Phi thông báo các ca tử vong đầu tiên do COVID-19]

Các ngân hàng lớn tại Nam Phi gồm Standard Bank, Absa, Nedbank và FirstRand phải đưa ra lãi suất vay cao hơn - điều này có thể gây thêm áp lực đối với các ngân hàng thương mại này để thu hút tiền gửi từ khách hàng, thông qua phí và lãi suất cao hơn.

Theo luật định, các ngân hàng buộc phải nắm giữ trái phiếu chính phủ, điều này sẽ làm tổn thương các ngân hàng nếu các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu. Tuy nhiên, đây không phải là thời gian bình thường.

Tác động của đại dịch COVID-19 và tình trạng phong tỏa đất nước có thể sẽ làm lu mờ hoàn toàn việc hạ cấp của Moody’s.

Trên khắp thế giới, các nước giàu đã đồng loạt công bố các biện pháp bảo vệ nền kinh tế, cắt giảm lãi suất, thường ở mức xấp xỉ 0% để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Nhiều trái phiếu chính phủ - bao gồm của cả Mỹ - hiện cung cấp lợi suất âm, nghĩa là các nhà đầu tư đang trả tiền cho các quốc gia này để có được đặc quyền cho họ vay tiền.

Đây là tín hiệu rất tốt cho trái phiếu Nam Phi, vốn vẫn đang duy trì mức lãi suất hấp dẫn, hiện ở mức trên 10%.

Khi khủng hoảng của đại dịch COVID-19 lắng xuống, các trái phiếu này có thể trông rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế đang cố gắng tìm kiếm lợi nhuận.

Các nhà đầu tư quốc tế sẽ bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận trong nhóm “rác” với những nước cung cấp mức lãi suất tốt nhất và Nam Phi là một trong những lựa chọn an toàn nhất. Điều này là do phần lớn nợ trái phiếu của Chính phủ Nam Phi đang là bằng đồng rand, không phải là USD.

Theo Kho bạc nhà nước Nam Phi, người nước ngoài hiện đang nắm giữ khoảng 37% (tương đương hơn 48 tỷ USD) trong tổng trái phiếu chính phủ trong nước và con số này dự kiến sẽ giảm đáng kể với tác động kết hợp của COVID-19 và hạ cấp đầu tư của Moody’s.

S&P và Fitch duy trì mức đánh giá “rác” đối với đầu tư và trái phiếu Chính phủ Nam Phi từ năm 2017). /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục