Tỉnh Bắc Ninh đề ra 2 kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm

Cục Thống kê dự báo kết quả và xác định cập nhật hai kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm 2023 của Bắc Ninh là GRDP cả năm 2023 tăng trưởng âm; và GRDP cả năm tăng trưởng 0%.
Tỉnh Bắc Ninh đề ra 2 kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm ảnh 1Công ty TNHH Điện tử Foster (Nhật Bản) chuyên sản xuất các loại loa tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới triển vọng phục hồi tăng trưởng Tổng Sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Do khó khăn sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh ở mức -12,59% (trong khi cao điểm của đại dịch COVID-19 vẫn đạt tăng trưởng khá tốt, 6 tháng đầu năm 2021 tăng 7,5% và năm 2022 tăng 14,1%).

Cả 3 động lực chính của tăng trưởng là xuất khẩu; đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài đều chịu tác động từ bên ngoài; xuất khẩu đơn đặt hàng suy giảm; giải ngân vốn đầu tư công chậm; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm nhiều.

Với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, do chuyển đổi mục đích đất sử dụng nên diện tích đất gieo trồng tiếp tục xu hướng giảm; đồng thời do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng cây hằng năm, 6 tháng đầu năm 2023 cũng giảm xuống so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi số lượng đầu con, bò, lợn và gia cầm giảm, số lượng trâu tăng. Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng ước giảm, chỉ đạt 40.458 tấn.

Mặc dù, diện tích nuôi trồng thủy sản giảm nhẹ so với cùng thời điểm năm trước nhưng tổng sản lượng thủy sản vẫn tăng, đạt 19.800 tấn.

Do cơ sở sản xuất quy mô lớn thuộc ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học bị sụt giảm nhiều, kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất sản phẩm phụ trợ cũng sụt giảm theo trong 6 tháng đầu năm 2023 nên ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng âm nhiều (-17,56%).

Các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật dân dụng giảm sút do vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước triển khai chậm so với kế hoạch do những vướng mắc ở nhiều khâu triển khai thực hiện. Vì vậy, giá trị tăng thêm của ngành xây dựng cũng giảm, ước đạt 1.468 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

[Tỉnh Bắc Ninh quảng bá các cơ hội đầu tư với doanh nghiệp Mỹ]

Một điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của tỉnh là khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 48.917 tỷ đồng tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải ước đạt 5.029 tỷ đồng, tăng 9,2%.

Giá trị tăng thêm (theo giá so sánh) 6 tháng đầu năm của các ngành dịch vụ ước tính đạt 12.875 tỷ đồng, tăng 5,44% so với cùng kỳ năm trước.

Trên cơ sở diễn biến kết quả kinh tế 6 tháng vừa qua, Cục Thống kê dự báo kết quả và xác định cập nhật hai kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm 2023.

Một là, trong trường hợp tăng trưởng 6 tháng cuối năm có chuyển biến tích cực hơn và tăng nhẹ (+1,01%) thì tính chung cả năm, GRDP tỉnh Bắc Ninh sẽ rơi vào tăng trưởng âm (-5,25%).

Hai là, kinh tế Bắc Ninh thoát được trạng thái suy thoái ngay từ quý 3 và có mức tăng trưởng khá; quý 4 tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước để cả năm 2023 có thể thoát khỏi tăng trưởng âm, đạt mức tăng 0%.

Tỉnh Bắc Ninh đề ra 2 kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm ảnh 2Công nhân lao động làm việc tại Công ty TNHH Deli Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2023, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GRDP, các sở, ban, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các giải pháp về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Trong đó có 3 giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, để thúc đẩy xuất khẩu, các doanh nghiệp phải tiếp cận được nguồn vốn nhằm giúp họ đủ năng lực về tài chính để chống đỡ khó khăn, đồng thời bám sát nhu cầu thị trường thế giới để duy trì đẩy mạnh tăng trưởng.

Thứ hai, cần phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đúng theo kế hoạch đề ra. Nếu vốn đầu tư công đạt được kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng mới bứt phá được.

Thứ ba, tích cực triển khai các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhất là đầu tư FDI, cũng như chú trọng đầu tư cơ sở, vật chất hạ tầng nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục