Tỉnh Bến Tre đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Tỉnh triển khai xây dựng thí điểm vùng sản xuất tập trung giai đoạn 2021-2023 trên các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, đến nay đã xây dựng được mô hình thí điểm trên dừa, sầu riêng và bưởi da xanh.

Dây chuyền dán mác, đóng bao bì sản phẩm bưởi da xanh tại Bến Tre. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Dây chuyền dán mác, đóng bao bì sản phẩm bưởi da xanh tại Bến Tre. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Để phát huy thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp, trong thời gian qua, Bến Tre đã tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, đồng thời tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, Chuyển đổi Số toàn diện. Đây được coi là "chìa khóa" để nền nông nghiệp địa phương phát triển bền vững, hiện đại.

Nói không với hóa chất

Tại mảnh vườn khoảng 1ha, với hơn 400 gốc bưởi da xanh của ông Vương Thành Công ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, thuốc hóa học được loại bỏ hoàn toàn, thay vào đó là những bầy kiến vàng đóng vai trò tiêu diệt các loài sâu rầy, dịch hại.

Không chỉ vậy, ông Công còn quan tâm đến sức khỏe của đất, loại bỏ hoàn toàn các phân bón vô cơ, thay vào đó ủ phân từ các phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Công chia sẻ bón phân hữu cơ sẽ giúp đất tươi xốp, bộ rễ cây khỏe, từ đó, hút chất dinh dưỡng nuôi cây tốt. Khi sử dụng phân hữu cơ tuổi thọ cây trồng kéo dài, trái tốt, ngon ngọt, chi phí giảm so với phân vô cơ, không xảy ra trường hợp "bạo phát, bạo tàn."

Theo ông Công, thay vì sản xuất chủ yếu tập trung vào sản lượng như trước đây, hiện nay nông dân đã ý thức hơn trong việc thay đổi phương thức sản xuất tập trung vào chất lượng nông sản theo hướng "sản xuất sạch-nông nghiệp xanh." Chính điều này, vừa mang đến sự an toàn cho người sản xuất, bảo vệ môi trường, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và từng bước "gõ cửa" các thị trường khó tính.

Tiếp chúng tôi tại vườn dừa hơn 2ha ở xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, nông dân Phạm Văn Hà cho biết trước đây 2ha dừa của gia đình bán với giá cả bấp bênh do thương lái quyết định và thu mua không ổn định.

Vì vậy, khi Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh thành lập, sản xuất dừa theo hướng hữu cơ và liên kết doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, ông Hà mạnh dạn tham gia. Đối với ông Hà, đây là mối liên kết giúp nông dân có cơ hội thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Điều tiên quyết là nông dân cần giữ chữ tín, tuân thủ quy trình sản xuất, không sử dụng các loại phân thuốc hoá học trong phòng trừ sâu bệnh trên cây dừa.

Ông Hà cho biết canh tác dừa hữu cơ mang lại hiệu quả rất cao, sản lượng tăng 20-30%. Với 2ha, ông Hà trồng hơn 400 cây dừa, mỗi tháng thu hoạch từ 2.500-3.000 trái. Bên cạnh đó, ông Hà tự mua phân chuồng từ các hộ nuôi dê, bò trong xã để về ủ phân hữu cơ bón cho cây dừa, tiền đầu tư phân hữu cơ giảm 50% so với sử dụng phân bón hóa học. Nếu giá trung bình 80.000 đồng/chục, mỗi năm ông Hà thu nhập 120-150 triệu đồng. Như vậy, thu nhập từ cây dừa hữu cơ rất lớn, đảm bảo được đời sống của người dân trồng dừa.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, Bến Tre hiện có tổng diện tích liên kết chuỗi giá trị đối với cây dừa là 23.747ha, chiếm 30% diện tích dừa toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 24.640ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương; trong đó, diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 18.525ha. Đến nay, toàn tỉnh có 17 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 808,51ha; 43 vùng trồng xuất khẩu (93 mã) với diện tích 705,51ha; 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan...

ttxvn-dua-5933.jpg
Dừa xiêm xanh của người dân Bến Tre. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Tỉnh đã triển khai xây dựng thí điểm vùng sản xuất tập trung giai đoạn 2021-2023 trên các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, đến nay đã xây dựng được mô hình thí điểm trên dừa, sầu riêng và bưởi da xanh. Cụ thể đã triển khai xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung với diện tích 2.202,69ha. Trong số đó, có 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, diện tích 2.162,69ha; 1 vùng sản xuất dừa uống nước với diện tích 40ha. Đặc biệt trong năm 2023, trái dừa tươi đã nhận được tín hiệu đáng mừng khi 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc công bố cho phép nhập khẩu trái dừa tươi.

Tỉnh cũng xây dựng thí điểm vùng sản xuất tập trung sầu riêng tại xã Tân Phú, Châu Thành với tổng diện tích chứng nhận VietGAP là 76,5ha, trong đó diện tích liên kết đạt 55,7ha giữa Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú với 2 công ty (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Green Powers và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàn Châu-Á Châu).

Riêng ở Châu Thành đã xây dựng mô hình thí điểm vùng sản xuất bưởi da xanh với diện tích 60,8ha (kế hoạch là 50ha). Hỗ trợ xây dựng chứng nhận VietGAP đạt 100% và thực hiện liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên xuất nhập khẩu Trái cây Hương Miền Tây, sản lượng liên kết tiêu thụ khoảng 500 tấn/năm.

Phát triển nông nghiệp số

Gắn bó và làm giàu nhờ nuôi tôm công nghệ cao, nông dân Lê Văn Sấm, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, trở thành một trong những điển hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao thành công đầu tiên của tỉnh Bến Tre. Với trên 40ha nuôi tôm công nghệ cao, ông Sấm thu hoạch trung bình 70-90 tấn/ha, mỗi năm thu lợi từ 30-50 tỷ đồng.

Theo ông Sấm, từng "lận đận" với con tôm biển hơn 20 năm, có lúc ông phải bán ao để trả nợ vì tôm nuôi nhiễm bệnh. Năm 2013, ông "chơi lớn" đầu tư thử nghiệm mô hình nuôi tôm công nghệ cao, đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy, cách làm so với cách nuôi truyền thống trước đây. Đặc biệt phải đầu tư trang thiết bị cho ao nuôi, ao nuôi được trải bạt hoàn toàn. Hệ thống xử lý chất thải trong ao, hệ thống tạo oxy cho ao cũng phải được đầu tư bài bản.

"Ưu điểm của mô hình mới là có thể kiểm soát được môi trường nuôi, quản lý dịch bệnh, năng suất tôm thu hoạch cao gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Khả năng thành công trên 90%, một năm có thể nuôi 2-3 vụ. Tuy nhiên, cần chia tôm theo từng giai đoạn nuôi để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước giúp tôm mau lớn, tránh dịch bệnh. Đa số người nuôi tôm hiện nay ứng dụng công nghệ cao chia thành 2-3 giai đoạn nuôi như ươm giống, tôm nhỏ, tôm lớn… để giúp tôm đạt hiệu quả," ông Sấm lưu ý.

Tính đến cuối năm, tỉnh Bến Tre đã phát triển được hơn 3.110ha tôm công nghệ cao. Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030; trong đó, có nuôi tôm công nghệ cao, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển 4.000ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao và đến năm 2030 là 5.000ha.

ttxvn-thu-hoach-tom-925.jpg
Thu hoạch tôm. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi theo hướng công nghệ cao; đồng thời, tập trung phát triển nhanh, mạnh đối với tôm sú, tôm chân trắng có thị trường tốt; nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi 2 giai đoạn để nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, đơn vị đang triển khai ứng dụng Map4D GIS Platform cho việc số hóa, quản lý nuôi tôm công nghệ cao (4.000ha) tại tỉnh Bến Tre, để xây dựng phần mềm số hóa, quản lý 1.900ha vùng nuôi tôm công nghệ cao, hướng đến việc mở rộng phạm vi số hóa, quản lý 4.000ha theo quy hoạch giai đoạn 2021-2025 và xây dựng giải pháp phát triển phạm vi nuôi chuyên canh tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã phối hợp ngành chuyên môn, các địa phương xây dựng bản đồ chuyên đề nông nghiệp trồng trọt tỉnh Bến Tre, cho phép cập nhật thông tin lên bản đồ các dữ liệu đã chuẩn hóa GIS và phần mềm quản lý cây trồng nông nghiệp tích hợp trên bản đồ số; ứng dụng công nghệ Blockchain phục vụ quản lý và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương.

Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng mô hình Chuyển đổi Số trong quản lý Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn, tỉnh Bến Tre áp dụng công nghệ số trong quản lý chương trình OCOP, nâng cao giá trị và thương hiệu của các sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện thành công chương trình Chuyển đổi Số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Xác định Chuyển đổi Số trong nông nghiệp là bước tiến đầy cơ hội và cũng nhiều thách thức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho rằng nếu chủ động thực hiện Chuyển đổi Số trong nông nghiệp sớm sẽ giúp nông nghiệp tỉnh nắm bắt thời cơ, lợi thế tạo động lực mới cho nông nghiệp, nông thôn phát triển hiệu quả, bền vững.

Bến Tre đã triển khai hệ thống giám sát và theo dõi sâu bệnh hại thông minh trên cây ăn trái tích hợp camera điện toán biên, hệ thống quan trắc chất lượng nước thông minh và hệ thống bơm nước thông minh đầu tư vùng thí điểm hợp tác xã bưởi da xanh Giồng Trôm…

Bên cạnh đó, Bến Tre còn triển khai mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 và thiết bị thông minh vào quản lý, canh tác và truy xuất nguồn gốc chuỗi giá trị bưởi da xanh Bến Tre, quản lý sản phẩm nuôi cấy mô trong phòng nuôi cấy tế bào thực vật; triển khai nhật ký điện tử, ứng dụng công nghệ tưới tự động, phun thuốc tự động đối với cây trồng, máy cho tôm ăn tự động, ứng dụng tế bào quang điện (Solar cells) đối với thủy sản. Một số trang trại chăn nuôi đã đầu tư công nghệ chuồng lạnh, điều chỉnh ánh sáng tự động, nhiệt độ, ẩm độ…

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh của đã đầu tư lắp đặt 14 trạm quan trắc tự động thông minh đo từ 9-14 thông số môi trường nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Ba Tri và Thạnh Phú. Tất cả các dữ liệu quan trắc được chia sẻ cho đơn vị, nông dân trên địa bàn huyện để tiếp cận theo dõi, chủ động phòng ngừa, dự báo trong sản xuất.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cũng phát triển nền tảng dữ liệu số nông nghiệp và nền tảng truy xuất nguồn gốc, với 23 phần mềm/cơ sở dữ liệu đang sử dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục