Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tháng Bảy là các du khách đến với nước Pháp lại có cơ hội được chiêm ngưỡng những thiên đường hoa oải hương đang khoe sắc với sắc màu tím biếc và hít hà hương thơm cỏ ngọt trên những cánh đồng trải dài bất tận.
Trên những cánh đồng ấy, có hình ảnh chiếc máy kéo đang miệt mài thu hoạch những chùm cây oải hương để sản xuất tinh dầu.
Đây được coi là một ngành công nghiệp thời thượng tại Pháp trong thời gian gần đây.
[Video] Những cánh đồng hoa oải hương thơ mộng tại Tây Ban Nha
Bên cạnh lý do cải thiện sự đa dạng sinh học trong khu vực, một lý do khác để trồng những loại cây này là chúng mang lại "doanh thu tốt hơn so với các loại cây trồng khác như ngô, lúa mỳ hoặc lúa mạch," anh Vincent Jamonet, chủ một cơ sở sản xuất tinh dầu hoa oải hương ở vùng Drome, miền Đông Nam nước Pháp cho biết.
Nhờ sự phổ biến ngày càng tăng của các loại hương liệu, hoa oải hương Pháp đã được ưa chuộng trở lại sau nhiều năm suy giảm do sự xâm nhập của vi khuẩn.
Gia đình Jamonet đã trồng 100ha (tương đương 250 mẫu Anh) cây hoa oải hương, 1/5 trong số đó được trồng hữu cơ và họ hy vọng sẽ mở rộng diện tích cây trồng lên 150 ha trong tương lai.
Tinh dầu hoa oải hương dùng trong sản xuất nước hoa, dầu thơm và mỹ phẩm được bán với giá khoảng 100-150 euro (tương đương 110-170 USD) mỗi kg.
Trong khi đó, tinh dầu hoa lavandin, một giống hoa lai có khả năng hấp thụ ánh nắng Mặt Trời và cung cấp số lượng lớn hơn nhưng mùi vị không ngọt như oải hương, được sử dụng trong chất tẩy rửa, xà phòng và chỉ được bán với giá 28-40 euro.
Tuy nhiên, mức giá này đã tăng khoảng 20% so với năm ngoái và tăng 30% trong vòng 5 năm qua.
Theo giới chuyên gia, ngoài sản xuất tinh dầu, các cây oải hương còn được sử dụng trong mỹ phẩm, thuốc và các sản phẩm gia dụng, đồng thời đây cũng là loại cây duy nhất ở Pháp có diện tích trồng đang tăng lên dù chúng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong hàng triệu ha đất canh tác của nước Pháp.
Trong giai đoạn 2010-2016, diện tích trồng cây oải hương đã tăng thêm khoảng 40%, lên mức 53.000ha (130.000 mẫu Anh), trong khi diện tích đất trồng trọt nói chung đang bị thu hẹp bởi sự đổ bộ của các đô thị.
Số lượng nhà sản xuất hoa oải hương cũng tăng từ 1.000 lên khoảng 1.400 và Pháp hiện đã có 120 nhà máy chưng cất loại hoa này.
"Đây là một lĩnh vực mà bạn có thể kiếm sống và là nơi bắt đầu của những người nông dân trẻ," Alain Aubanel, người đứng đầu liên đoàn Cihef chuyên theo dõi hoạt động sản xuất tinh dầu, chia sẻ.
Mặc dù vậy, kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây hoa oải hương của nước Pháp hiện đang vấp phải sự cạnh tranh từ phía Bulgaria, quốc gia hiện là nơi sản xuất oải hương truyền thống hàng đầu thế giới.
Với việc Bulgaria đặt mục tiêu sản xuất 600 tấn hoa oải hương trong năm nay, gấp đôi sản lượng của năm 2018, nước này sẽ vượt qua sản lượng của Pháp đến 5 lần.
Vì thế, thay vì cố gắng cạnh tranh về số lượng và chủng loại, người nông dân Pháp đang hướng tới mục tiêu sản xuất một sản phẩm chất lượng cao hơn, đó là "một loại rượu vang đến từ vùng Ardeche, không giống như loại rượu vang tuyệt vời của vùng Bordeaux," ông Aubenal nói.
"Các công ty lớn của Pháp như Dior, Chanel, Guerlain, L'Occitane, L'Oreal, Yves Rocher đều mua hoa oải hương Pháp," ông nói thêm./.