Tinh thần Đức trong sứ mệnh lịch sử chống đại dịch COVID-19

Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh, để đối phó với dịch bệnh COVID-19, một lần nữa tinh thần Đức cần được thắp sáng để những người dân nước này sát cánh, chiến thắng một kẻ thù vô hình.
Cảnh sát Đức kiểm tra hành trình của lái xe tại Freilassing, miền Nam Đức, giáp giới Áo trong bối cảnh Berlin áp đặt lệnh kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, ngày 16/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Đức kiểm tra hành trình của lái xe tại Freilassing, miền Nam Đức, giáp giới Áo trong bối cảnh Berlin áp đặt lệnh kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, ngày 16/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Diễn biến quá nhanh chóng của dịch COVID-19 khiến nước Đức nói riêng, thế giới nói chung như đặt trong tình thế “trực chiến,” quay cuồng với dịch bệnh.

Mọi kế hoạch thay đổi theo hướng quyết liệt từng giờ, từng ngày. Người dân Đức, vốn ban đầu có phần coi nhẹ virus SARS-CoV-2, nay đã cảm thấy có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào.

Những lo ngại, đề phòng đã phần nào hiển hiện rõ hơn trên gương mặt và cách hành xử của người dân ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Thực sự chỉ trong vài ngày qua, nước Đức đã có quá nhiều thay đổi. Thay đổi từ tần suất xuất hiện của các vị lãnh đạo cao nhất, tới những quy định, chính sách mới liên tục được đưa ra, cho đến cuộc sống thường nhật của người dân.

[Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Angela Merkel về đại dịch COVID-19]

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi đây là thách thức nghiêm trọng nhất mà nước Đức phải đối mặt kể từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai và là nhiệm vụ lịch sử mà dân tộc Đức cần phải giải quyết lúc này.

Bài phát biểu của bà Merkel được nhiều kênh truyền hình lớn của Đức truyền dẫn tối 18/3 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi tầm quan trọng của thông điệp mà nhà lãnh đạo Đức muốn gửi gắm đã được truyền thông cả nước nhấn mạnh trước đó.

Bản thông điệp được coi như lời hiệu triệu dân chúng, làm lay động lòng người mà Thủ tướng Đức muốn truyền tới mọi tầng lớp dân chúng trong bài phát biểu dài gần 13 phút là “đoàn kết, đồng lòng và cùng vượt qua khủng hoảng.”

Bà gửi lời cảm ơn những người ở tuyến đầu chống dịch, bày tỏ sự thấu hiểu với những lo ngại của người dân, đồng thời kêu gọi mỗi người cùng chung tay thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch để đẩy lùi virus quái ác.

Thủ tướng Merkel cũng trấn an người dân, kêu gọi người dân không cần hoảng loạn tích trữ thực phẩm quá mức, bởi nhà nước trong mọi hoàn cảnh luôn có trách nhiệm đảm bảo nguồn cung ứng lương thực.

Nữ lãnh đạo Đức nêu rõ trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến nghiêm trọng, các nhà khoa học Đức đang nỗ lực hết sức để sớm điều chế thành công thuốc và vắcxin phòng dịch.

Lúc này, điều quan trọng là người dân cần góp phần giảm tốc độ lây lan dịch, kéo dài thêm thời gian và không để các bệnh viện phải quá tải khi phải tiếp nhận cùng lúc quá nhiều bệnh nhân.

[Ifo dự báo kinh tế nước Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái]

Đúng một tuần trước, Thủ tướng Merkel lần đầu xuất hiện trước báo chí để nói về dịch bệnh cùng Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn.

Bà ca ngợi Bộ trưởng Spahn thực hiện rất tốt công việc và cho biết chính phủ liên bang đã vào cuộc từ rất sớm, luôn thảo luận chặt chẽ trong nội các về tình hình dịch bệnh.

Thế nhưng sự xuất hiện có chút muộn màng của nữ Thủ tướng đã làm dấy lên những phản ứng trái chiều của dư luận.

Liên tiếp những ngày sau đó là những cuộc họp bất thường, những quyết định chóng vánh và kiên quyết được đưa ra.

Một trong những cái khó của "vị tư lệnh ngành y" Spahn là dù chiến lược đã đưa ra, nhưng chiến lược đó lại không thể mang tính ràng buộc pháp lý.

Chế độ nhà nước liên bang cũng như những quy định chuyên ngành (như Luật chống lây nhiễm) đã quy định rõ điều đó, rằng các bang, thấp nữa là các cấp thành phố, có quyền tự quyết và những khuyến cáo của chính phủ liên bang chỉ mang tính… tham khảo.

Chỉ khi những người đứng đầu các cấp đồng ý thì những khuyến cáo của chính quyền trung ương mới có thể trở thành quy định và có hiệu lực. Đó cũng là lý do giải thích tại sao Đức không thể làm quyết liệt ngay từ đầu.

Tinh thần Đức trong sứ mệnh lịch sử chống đại dịch COVID-19 ảnh 1 Nhân viên của trung tâm xét nghiệm COVID-19 chuyển các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tại bệnh viện Ludwigsburg, Đức ngày 14/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cũng chỉ khoảng 1 tuần trước, những ý tưởng như đóng cửa biên giới, áp đặt giới nghiêm… nghe có vẻ nặng nề, nhưng tình hình đã thay đổi từng giờ và điều đó đã diễn ra.

Ở nước Đức lúc này, mỗi buổi sáng ngủ dậy, vào mạng xem những con số nhảy múa trong đêm thì người ta không khỏi rùng mình, bởi số người nhiễm trong vài ngày qua đã tăng theo cấp số nhân, thường là vài trăm, thậm chí đến cả nghìn người chỉ trong một đêm.

Kể từ khi nước Đức quyết định đóng cửa biên giới, đóng cửa trường học, các trung tâm mua sắm,… hủy mọi sự kiện, nhất là khi thành phố đầu tiên, rồi bang đầu tiên là Bayern áp đặt lệnh giới nghiêm, người Đức nhận ra nguy cơ thực sự đã đứng trước cửa mọi gia đình.

Những nơi tham quan, điểm du lịch nổi tiếng đã bớt người qua lại, lác đác đã có những người đeo khẩu trang. Họ cũng ít nói hơn, đi nhanh hơn và có khoảng cách với những người xung quanh.

Dù vậy, vẫn có những người “mũ ni che tai,” vẫn tụ tập vui vẻ ngoài phố. Thực ra thì những người này đã nghĩ quá đơn giản. Nước Đức tuy có hệ thống y tế tốt, có thể chăm lo sức khỏe cho mọi người, nhưng họ không tính tới việc hệ thống ra sao nếu quá tải với giường bệnh và nhân lực trong cùng một thời điểm.

Thủ tướng Merkel trong một cuộc họp báo tuần trước đã phải dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học về sự nguy hiểm của loại virus corona mới, rằng sẽ có tới 60-70% dân số Đức bị nhiễm nếu không có biện pháp ngăn chặn.

Đó cũng là lời cảnh tỉnh của nhà lãnh đạo Đức với thái độ bàng quang, thờ ơ của một bộ phận không nhỏ người dân khi họ không hợp tác, không tuân thủ những hạn chế và quy định về dịch tễ được đưa ra.

Sự “dửng dưng” này là một trong những yếu tố để nữ Thủ tướng Đức phải phát bản thông điệp đặc biệt trên truyền hình, một sự kiện hiếm có của các vị thủ tướng Đức cho đến nay, cũng như của cá nhân bà Merkel kể từ khi nhậm chức thủ tướng năm 2005.

Nước Đức đã trải qua biết bao thăng trầm để có ngày hôm nay. Chiến tranh tưởng như đã cướp đi của họ tất cả, thế nhưng từ đống đổ nát sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai, tinh thần Đức của những người dân ấy đã "choàng tỉnh" và có những bước phát triển ngoạn mục khiến thế giới phải nể phục như ngày nay.

Như lời bà Merkel, giờ đây, nước Đức lại phải đối mặt với thách thức to lớn như vậy và một lần nữa, tinh thần Đức lại được thắp sáng để họ sát cánh, cùng đối phó với một kẻ thù vô hình.

Nhà lãnh đạo Đức tin tưởng rằng, với sự đồng lòng, và với những biện pháp chưa từng có, chắc chắn nước Đức sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục