Tình trạng khô hạn nghiêm trọng đe dọa châu Âu

Từ tháng Hai đến tháng Năm, lượng mưa ở châu Âu giảm nghiêm trọng, chỉ bằng 40-80% lượng mưa trung bình cùng thời điểm từ 1951-2000.
Ngày 9/6, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã công bố một báo cáo cho biết châu Âu vừa trải qua thời kỳ khô hạn kéo dài từ tháng Một đến tháng Năm vừa qua.

Theo số liệu của Trung tâm quan sát mưa toàn cầu (GPCC), trong bốn tháng từ tháng Hai đến tháng Năm, lượng mưa đo được tại nhiều khu vực rộng lớn ở châu Âu giảm nghiêm trọng, chỉ bằng 40-80% lượng mưa trung bình cùng thời điểm từ năm 1951 đến năm 2000, thậm chí ở nhiều khu vực Tây và Trung Âu, lượng mưa còn thấp dưới mức 40%.

Khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Năm là thời kỳ khô hạn cực đoan, tác động nặng nề nhất đến các nước Pháp và Đức, tương tự như trận đại hạn ở châu Âu năm 1976 và những năm 1990.

Trong khi đó, từ tháng Ba đến tháng Năm, nước Anh cũng phải hứng chịu đợt khô hạn trầm trọng nhất kể từ năm 1953.

Số liệu của GPCC cũng cho thấy năm nay là một trong 10 năm khô hạn nhất ở Thụy Sĩ kể từ năm 1864 và ở Pháp kể từ năm 1975.

Tháng 4 vừa qua là một trong 10 tháng Tư khô hạn nhất ở Đức kể từ năm 1881, đồng thời mùa Xuân năm nay là mùa Xuân khô hạn nhất ở nước này kể từ năm 1893.

Các diễn biến thời tiết bất lợi trên đã khiến ngành nông nghiệp ở Tây và Trung Âu bị tác động nặng nề, làm giảm sản lượng lương thực trên toàn châu Âu. Trong khi đó, mực nước các con sông ở châu Âu ngày càng xuống thấp, đặc biệt là sông Rhine, khiến giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn.

Trong tháng Năm, mực nước các sông ở Đức xuống thấp nhất trong cùng kỳ trong vòng 100 năm qua. Khô hạn kéo dài cũng đã gây ra cháy rừng ven biển ở Hà Lan và nhiều khu vực ở miền Bắc nước Anh. Chỉ số cảnh báo nguy hiểm về cháy rừng đã được nâng lên mức cao nhất ở miền Bắc nước Đức.

Châu Âu hiện đang lo ngại một mùa Hè nắng nóng và hanh khô bất thường có thể ảnh hưởng đến hệ thống vận hành và khai thác điện trong khu vực, trước hết do hoạt động gián đoạn tại một số nhà máy thủy điện và điện nguyên tử vì nước sông xuống thấp dưới mức cho phép để vận hành nhà máy.

WMO cho rằng nguyên nhân thời tiết khô hạn kéo dài và nghiêm trọng ở châu Âu là do vùng áp cao ở các khu vực Tây và Trung Âu đã ngăn không cho dòng không khí lạnh ở Bắc Đại Tây Dương tràn xuống châu lục này.

Thông thường, hiện tượng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và tạo ra các điều kiện khí hậu rất ổn định, nhưng năm nay lại kéo dài bất thường khiến thời tiết khô hạn thống trị toàn châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục