Tổ chức Lao động Quốc tế kêu gọi hành động chấm dứt lao động trẻ em

Tại hội thảo cấp cao với chủ đề “Công bằng xã hội cho tất cả. Chấm dứt lao động trẻ em!” diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã kêu gọi hành động để chấm dứt lao động trẻ em.
Tổ chức Lao động Quốc tế kêu gọi hành động chấm dứt lao động trẻ em ảnh 1Trẻ em làm việc tại một mỏ vàng ở Gam, Cộng hòa Trung Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em 12/6, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã kêu gọi hành động để chấm dứt lao động trẻ em.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong khuôn khổ hội thảo cấp cao với chủ đề “Công bằng xã hội cho tất cả. Chấm dứt lao động trẻ em!” diễn ra cùng ngày bên lề phiên họp của Hội nghị Lao động Quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ.

Tại hội thảo này, các đại biểu tập trung thảo luận mối liên hệ giữa công bằng xã hội và xóa bỏ lao động trẻ em. Theo đó, cuộc chiến chống lao động trẻ em mang tính cấp thiết và cần phải có cách thức để thúc đẩy công bằng xã hội.

Trong một phát biểu trực tuyến trước đó cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế Gilbert F. Houngbo nhấn mạnh lần đầu tiên sau 20 năm, lao động trẻ em đang gia tăng với 160 triệu trẻ, chiếm gần 10% trẻ em trên toàn thế giới, đang phải lao động."

Ông Houngbo cho rằng toàn thế giới cần đẩy mạnh cuộc chiến ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em bằng cách thúc đẩy công bằng xã hội lớn hơn. Theo ông, nếu các nước làm được điều này, thì việc chấm dứt lao động trẻ em không chỉ là điều có thể, mà còn nằm trong tầm tay.

Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết kể từ năm 2000, thế giới đã đạt được những tiến bộ vững chắc trong việc giảm thiểu lao động trẻ em, nhưng trong vài năm qua, các cuộc xung đột, khủng hoảng và đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói và khiến có thêm hàng triệu trẻ phải mưu sinh.

[Việt Nam đề cao tăng an sinh xã hội tại Hội nghị Lao động Quốc tế]

Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế chỉ rõ tăng trưởng kinh tế không những chưa mạnh mẽ mà còn không đủ toàn diện để giảm bớt áp lực mà nhiều gia đình và cộng đồng phải gánh vác.

Tổ chức Lao động Quốc tế nhấn mạnh các biện pháp đấu tranh chống lao động trẻ em bao gồm thiết lập và thực hiện khung pháp lý vững chắc dựa trên Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế và đối thoại xã hội, cung cấp khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng tốt và bảo trợ xã hội, cũng như các biện pháp trực tiếp để xóa đói giảm nghèo, bất bình đẳng.

Tổ chức Lao động Quốc tế đã phát động Ngày Thế giới phòng chống Lao động trẻ em lần đầu tiên vào năm 2002 nhằm nâng cao nhận thực và ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục